Thứ Tư, 3 tháng 6, 2009

Xây Nhà tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ


Thứ Sáu, 12/09/2008, 19:31 (GMT+7)
Vĩnh Long:
Xây Nhà tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ
Điểm sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ đang được thi công lại - Ảnh: Q.AnhTTO - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của tân tổng giám đốc Ban quản lý dự án cầu Cần Thơ về việc xây dựng nhà tưởng niệm các nạn nhân tử nạn dự án xây dựng cầu Cần Thơ.
Văn bản này nhằm phúc đáp đề nghị của tân tổng giám đốc dự án cầu Cần Thơ trong cuộc gặp đầu tháng 8-2008 giữa UBND tỉnh Vĩnh Long và nhà thầu TNK - Nhật Bản.
Tại cuộc gặp này, lãnh đạo nhà thầu Nhật đề nghị xây dựng "đài tưởng niệm các nạn nhân tử nạn dự án xây dựng cầu Cần Thơ", nay UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị sửa lại tên gọi thành “Nhà tưởng niệm - các nạn nhân tử nạn do sập nhịp dẫn dự án xây dựng cầu Cần Thơ”, dự kiến ngày khởi công cũng là ngày kỷ niệm một năm xảy ra sự cố (26-9-2007) thống nhất theo như văn bản số 2942/PMUMT-VP ngày 5-9-2008.
QUỐC ANH
Tin bài liên quan
Từ sự cố cầu Cần Thơ: Cần thử tải toàn bộ cầu - (06/07)
Dự án cầu Cần Thơ: Tiến độ thi công rất chậm - (05/07)
Đề nghị thi công lại nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập - (04/07)
Nguyên nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Do lún lệch đài móng trụ tạm T13U - (03/07)
Kết luận vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ sẽ có sau tháng sáu - (17/05)
SOURCE
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=278210&ChannelID=3
Chủ Nhật, 06/07/2008, 06:10 (GMT+7)
Từ sự cố cầu Cần Thơ: Cần thử tải toàn bộ cầu
Ông Trần Chủng - Ảnh: K.H.TT - Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, nguyên nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ đã được kết luận là do sự biến đổi về địa chất làm lún lệch đài móng trụ tạm T13U kéo theo sự sập đổ các kết cấu bên trên trụ tạm.
Nguyên nhân này được xem là tình huống rủi ro, khó lường trước. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-7, ông TRẦN CHỦNG - nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), người phát ngôn của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ - đã phân tích thêm cho thấy sự cố có phần từ nguyên nhân chủ quan có thể tránh được nếu các cơ quan liên quan tính toán thấu đáo hơn.
* Thưa ông, theo kết luận của ủy ban điều tra, nguyên nhân lún lệch trụ tạm T13U là do sự biến đổi địa chất. Như vậy khi thi công hạng mục này, các cơ quan liên quan đã không tính đến những tác động địa chất có thể xảy ra dù đây là một công trình lớn?
- Tình hình địa chất ở VN biến đổi rất phức tạp, nhưng trong tiêu chuẩn chúng ta qui định những vấn đề đó thưa thớt. Khi điều tra tìm nguyên nhân sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ chúng tôi đã phải khoan đến mũi khoan thứ tám mới phát hiện nguyên nhân mặc dù khu vực đó chỉ dài 80m, rộng 20m. Trong khi đó, ngành giao thông vận tải qui định 500m mới khoan một mũi khoan để khảo sát. Do đó, với điều kiện địa chất thay đổi khôn lường như vậy, có thể nói những qui tắc, qui định về tiêu chuẩn kỹ thuật đấy phải xem xét lại để bổ sung kịp thời nhằm có giải pháp thiết kế đảm bảo độ tin cậy. Chúng ta phải thay đổi lại hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật để hiểu đầy đủ hơn điều kiện địa chất, thủy văn...
* Có ý kiến cho rằng xảy ra sự cố cũng có nguyên nhân từ việc trụ tạm T13U không được thử tải?
- Việc thử tải hay không trước hết phải căn cứ vào tiêu chuẩn áp dụng cho công trình. Hợp đồng xây dựng công trình cầu Cần Thơ áp dụng tiêu chuẩn AASHTO của Mỹ mà tiêu chuẩn này không qui định thử tải. Họ không qui định vì có thể ở các nước vật liệu đã được kiểm soát, các điều kiện địa chất cũng khác.
* Như vậy việc đem tiêu chuẩn AASHTO áp dụng vào xây dựng cầu Cần Thơ không phù hợp với điều kiện VN?
- Với công trình lớn như cầu Cần Thơ, chúng ta chưa có hệ thống tiêu chuẩn qui chiếu, nên việc áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ là sự lựa chọn hợp pháp. Nhưng rõ ràng áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ vào đấy chúng ta thấy có vấn đề có thể bổ sung. Mặc dù tiêu chuẩn không qui định thử tải nhưng vào VN chúng ta vẫn phải thử tải hệ thống trụ tạm. Ở đây có trách nhiệm của người ký kết hiệp định, nhưng trong ký kết hiệp định chưa có sự tham gia đầy đủ của các nhà chuyên môn nên khi ký kết chúng ta không đưa ra những điều kiện khác.
Tất nhiên việc này tốn kém nên không ít nơi không làm thử nghiệm. Cầu Bãi Cháy chúng ta đã phải chi gần 1 triệu USD để thử nghiệm mới phát hiện những chỗ cần gia cường. Các cầu Thủ Thiêm, Vĩnh Tuy đều thử tải hệ thống đà giáo. Hiện nay Bộ Giao thông vận tải cũng đã có tiêu chuẩn đấy nhưng chưa chính thức ban hành.
* Thưa ông, trước khi xảy ra sự cố đã có ý kiến đề nghị phải thử tải, chứng tỏ đã có sự lường trước về sự cố?
- Trong phiên họp giao ban tháng 2-2007, ban quản lý dự án yêu cầu phải thử tải và đơn vị tư vấn đã có văn bản yêu cầu thử tải hệ thống trụ đỡ tạm song không nói thử tải ở trụ nào, nên sau đó có tiến hành thử tải nhưng không thử tải trụ tạm T13U.
Họ không thử vì họ nghĩ nền đất bình thường. Tính toán của ủy ban điều tra cũng cho thấy nếu không có sự lún lệch thì kết cấu bên trên không sao nhưng xuất hiện lún lệch thì rất nguy hiểm. Tất nhiên nếu chúng ta thử tải thì đã loại bỏ được thiệt hại.
* Ông có cho rằng bây giờ cần thiết phải đánh giá lại toàn bộ các hạng mục của công trình không?
- Vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã thuê tư vấn độc lập kiểm toán toàn bộ phần thiết kế cầu. Kết luận cho thấy khả năng chịu lực đều phù hợp, kể cả tính thêm gió bão, các tác động khác. Họ cũng kiến nghị sắp tới tất cả hệ thống đà giáo đều phải thử tải. Việc thử tải rất tốn kém nhưng chúng ta buộc phải làm để không phải trả giá. Sau này hoàn thành cầu chúng ta cũng phải thử tải toàn bộ mới đưa vào hoạt động.
KHIẾT HƯNG thực hiện
SOURCE
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=267217&ChannelID=3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét