Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Sống với khói bụi xi măng ở Hà Tiên

Cập nhật lúc 4:11:18 AM - 25/01/2010

khoibuihatien1.jpg


Nhà máy xi măng Hà Tiên II ngày đêm phun khói bụi – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Vi Vi/Viễn Đông


Đến trung tâm huyện Kiên Lương, người ta sẽ có cảm giác không khí khác đi, bầu trời như có sương mù, bụi đóng trên những mái nhà dân thành từng lớp dày, bụi xông vào bữa ăn, nước uống, và vào tận phòng ngủ. Nhất là vào những tháng cuối năm, trời lại càng có nhiều sương mù chìm trong khói và bụi. Có những ngày bụi mù mịt nhìn không được rõ dù cách có mấy thước.


khoibuihatien2.jpg


Nhà máy với dây chuyền công nghệ lạc hậu được xây dựng cách nay hơn 50 năm – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Vào mùa khô, nắng nóng, gió biển trộn lẫn với bụi xi măng của những nhà máy đang hoạt động ầm ĩ khiến không khí ngột ngạt đến khó thở. Vậy mà hàng chục năm qua người dân thị trấn Kiên Lương phải sống chung với khói bụi. Nguy cơ “làng bệnh phổi” đang đe dọa thị trấn Kiên Lương.


Sống chung với khói bụi xi măng


Hai bữa cơm trưa và chiều của người dân xứ Hà Tiên, dù đóng hết cửa trước, cửa sau, nhưng cơm canh vẫn bị “bụi xi măng”, chưa kể tối ngủ cũng bị hít thở cái bụi độc hại nầy. Từ trong nhà cho đến ra đường người dân phải hít khói bụi, bị mờ cả mắt. Những ống khói to đùng ngày đêm thả vào bầu không khí những cuộn khói xám xịt từ Nhà máy xi măng Hà Tiên II “cổ đại”. Người dân sống trong khu vực huyện Kiên Lương không những khổ vì khói bụi mà còn khổ sở vì phải nghe những trận mìn nổ từ hơn 2, 3 chục năm qua.


khoibuihatien5.jpg


Khu vực khai thác đá, nổ mìn cuồn cuộn bụi – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Nhiều người đến khu vực Kiên Lương, Hà Tiên, thường thắc mắc tại sao nhà nào cũng phải có một tấm bạt lớn phủ trước nhà, vừa ngột ngạt vừa mất thẩm mỹ. Chị Hai ở thị trấn Ba Hòn cho biết: “Dù có lau chùi, che đậy cỡ nào thì cũng dầy một lớp bụi. Một ngày phải lau chùi 5, 7 lần thì mới có thể sinh hoạt được bên trong nhà. Còn nếu hôm nào đi vắng thì khi trở về cả nhà đều đầy bụi vì không được lau chùi”.

Nhiều nhà hàng, quán ăn hầu như nơi nào cũng lắp đặt ống dẫn nước để xịt cho bớt bụi.


khoibuihatien6.jpg


Thuyền về tại cửa biển Ba Hòn trong khói bụi – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Một người chủ quán cơm tấm ở đây than thở: “Bán cơm tấm thì phải nướng thịt, khói bay lên hòa với khói bụi bay khắp quán, nên cũng ít ai dám vào ăn nếu như không phải là người dân ở đây. Mặc dù có người tưới nước liên tục quanh quán cho khách đến ăn yên tâm, quạt trong nhà thì mở hết công suất, vậy mà cũng không ngăn được bụi, có hôm bụi mù mịt chẳng ai dám vào ăn”. Các quán cà phê nằm trong “vùng phủ sóng” của bụi xi măng cũng chung số phận.


khoibuihatien4.jpg


Nhà máy xi măng hiệu Cá Sấu rất ô nhiễm – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Ngoài ra, bụi cũng tràn vào đầy các trường học và bệnh viện. Có hai trường học nằm cách Nhà máy Xi măng Hà Tiên II chỉ độ 100 thước. Một thầy giáo dạy ở Trường tiểu học Kiên Lương nói: “Học sinh lớp 1 ở đây khi nhập học thì bài học đầu tiên mà chúng tôi truyền đạt cho các em là học cách chống bụi, sống chung với bụi. Người dân khổ sở là vậy nhưng chính quyền chưa có một biện pháp chế tài nào đối với những nhà máy xi măng gây ô nhiễm môi trường, vì lãnh đạo tỉnh biết rằng chính những nhà máy nầy đã từng làm giàu cho tỉnh Kiên Giang, nên cũng đành chịu ‘ngậm bồ hòn làm ngọt’”.


Công nhân nhà máy thì sao?


Công nhân làm việc hàng ngày trong các nhà máy xi măng, nhất là ở khâu bốc vác, xếp hàng, thì ngoài cái khẩu trang cũ sì, chẳng có gì gọi là bảo hộ lao động. Nhiều công nhân không quen mang khẩu trang nên cũng... “làm việc bình thường, riết cũng quen”! Nhưng đa phần công nhân làm ở công đoạn nầy và công đoạn đóng bao xi măng, người phủ đầy xi măng nên chuyện bị nhiễm bệnh viêm mũi, viêm họng và nhiều căn bệnh khác là điều không thể tránh khỏi.


khoibuihatien7.jpg


Núi đá phía sau lưng núi Cô Tô nhiều nơi đã khai thác gần hết – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Cũng vì gia đình nghèo mà họ phải chấp nhận công việc khá nguy hiểm và sống chung với bụi khói mỗi ngày. Nhiều công nhân mắc bệnh chữa trị hết bạc triệu mà cũng không khỏi được.

Một cuộc kiểm tra về nồng độ nước ở đây cho thấy kết quả nồng độ chất rắn lơ lửng trong nước khá cao, gây acid hóa đất và nước trong vùng nếu mưa chảy tràn, làm mất thảm thực vật tại các vùng khai thác xi măng, dẫn tới mất khả năng giữ nước bổ sung cho nguồn nước ngầm, gây ra xói lở. Các gia đình quanh khu vực cho biết nước mưa ở đây không thể dùng được. Mỗi đợt mưa lớn là cả thị trấn đầy những dòng nước đen chảy tràn ra các kinh, hồ khiến người dân chẳng ai dám tắm dưới kinh.

Việc chăn nuôi trồng trọt gần khu vực các nhà máy kể như không thực hiện được.

Ngoài ra khu vực nầy còn có hàng chục lò sản xuất vôi thủ công, thu hút hàng ngàn lao động nghèo vào nghề “hít bụi” độc hại.


khoibuihatien8.jpg


Núi đá dựng tuyệt đẹp giờ đây bị khai phá xơ xác – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Những nhà máy xi măng ở đây quá cũ, các hệ thống lò vôi, trạm nghiền đá, nhà máy nhỏ chưa có hệ thống xử lý chất thải, góp phần gây ô nhiễm cho vùng dân cư xung quanh.

Một nhân viên Phòng Y tế huyện Kiên Lương cho biết, gần 60.000 người dân đang trực tiếp hít phải bụi xi măng, trong đó một phần ba số dân này chịu đựng tiếng ồn của mìn phá đá và xe vận tải chở đá. Tại đây, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm bệnh viêm phổi và viêm hô hấp cấp nhẹ là 30%.
******************
source
Vien Dong Daily

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Sông Hồng cạn: Một phần do hồ thuỷ điện và phá rừng



  • Ngày cập nhật 20/01/2010 10:28:00


Việc mực nước sông Hồng cạn như hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) chỉ là một phần, El Nino chỉ là cái cớ, câu chuyện kỹ thuật trong việc điều tiết nguồn nước tại các hồ thuỷ điện cũng phải nói tới. Xa hơn chúng ta cần có sự cân đối tính toán lại trong việc sử dụng nguồn nước.

1237890314_01

Theo trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, ngày 8.1.2010, mực nước sông Hồng tại Hà Nội xuống 0,56m, thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc từ trước đến nay. Theo báo cáo mới nhất, hiện các hồ chứa phục vụ công trình thuỷ điện ở Bắc bộ vẫn đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Hiện hồ thuỷ điện Tuyên Quang và Thác Bà mới tích được 61% so với dung tích thiết kế, hồ thuỷ điện Hoà Bình mới trữ được trên 90%. Hệ thống hồ vừa và nhỏ cũng chỉ đạt cao nhất 80% so với mức nước đạt yêu cầu.

Trên đây là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Đình Hoè, chủ nhiệm bộ môn quản lý môi trường, khoa môi trường, đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội sau khi mực nước sông Hồng tại khu vực cầu Long Biên (Hà Nội) đã xuống tới mức 0,56m, thấp kỷ lục nhất trong vòng 107 năm qua.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoè cho biết rõ hơn: Việc sông Hồng cạn không có gì khó hiểu, nguyên nhân đầu tiên có thể nói đến là do năm nay ảnh hưởng của El Nino ít mưa, gây thiếu nước và khô hạn trên diện rộng. Cộng với mùa mưa lũ ở Bắc bộ đến muộn lại kết thúc rất sớm, tháng mưa ngâu năm nay cũng thiếu vắng hoàn toàn.

Thứ hai là do số lượng các hồ thuỷ điện nhiều, tính riêng phía Trung Quốc đã có tám cái, Việt Nam chúng ta các hồ thuỷ điện Thác Bạc, Hoà Bình, Tuyên Quang đều đang tích nước chuẩn bị cho phát điện.

Nguyên nhân thứ ba là do vốn rừng tự nhiên của khu vực sông Hồng giảm. Rừng tự nhiên có khả năng giữ nước tốt nhất, tuy nhiên tình trạng khai thác gỗ của các doanh nghiệp thì nhiều nhưng việc trồng lại sau khi khai thác thì ngược lại, thậm chí nếu có trồng lại như đã hứa thì cũng phải mười năm sau cây mới được như cũ.

Được biết, tập đoàn Điện lực EVN đã cam kết sẽ xả hai tỉ mét khối nước để “giải khát” cho miền Bắc. Theo ông, đây có phải giải pháp thích hợp nhất?

Sông Hồng cạn trơ đáy, nông nghiệp thiếu nước, giao thông thuỷ tê liệt, việc họ xả nước cứu hạn là đúng thôi. Tuy nhiên, việc xả nước này chỉ là bề nổi của tảng băng. An ninh nguồn nước thế kỷ 21 sẽ bị đe doạ nếu chúng ta không quan tâm tới việc cân đối lại nguồn nước và cách sử dụng cho phù hợp.

Quan điểm tài nguyên nguồn nước của Việt Nam là phong phú theo tôi là xưa lắm rồi. Lượng nước của Việt Nam hiện nay tính ra khoảng 850 tỉ mét khối/năm, trong đó có khoảng 10 tỉ mét khối là nước ngầm, nước mưa khoảng 350 tỉ mét khối/năm, còn lại là nước quá cảnh của các nước khác. Như vậy, nguồn nước của chúng ta đang phụ thuộc vào các nước bạn nên không thể nói tài nguyên nước phong phú được. Cụ thể các giải pháp sâu hơn như việc tăng cường và bảo vệ vốn rừng tự nhiên cần tính đến bởi rừng tự nhiên giữ nước tốt hơn rừng kinh tế. Cân đối giữa phát triển thuỷ điện và thuỷ lợi, việc dùng nước hiệu quả, ngành nào cần dùng nhiều, ngành nào dùng ít… tóm lại chúng ta cần có một chiến lược phát triển cân bằng nguồn nước.

Đặc biệt, chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi tới người dân về việc sử dụng tiết kiệm và giữ sạch tài nguyên nước. Việt Nam chúng ta đa phần dùng một nhưng làm bẩn nước tới mười, khiến việc thiếu nước lại càng thiếu nước hơn.

63% lượng nước của Việt Nam được cung ứng từ ngoài lãnh thổ

Việt Nam có tổng khối lượng nước mạch ngầm 850 tỉ mét khối nhưng có đến 63% lượng nước được cung ứng từ ngoài lãnh thổ, đồng nghĩa với việc Việt Nam là quốc gia đang thiếu nước. Thông tin trên được công bố tại hội thảo về tài nguyên nước và sự phát triển bền vững được tổ chức ở Hà Nội ngày 19.1. Hiện tại, bình quân mỗi người dân Việt Nam có 11.000m3 nước/năm, đạt mức trung bình của thế giới. Nhưng theo thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, Nguyễn Thái Lai, 85% lượng nước được tập trung vào các tháng mùa mưa, các tháng còn lại lượng cung ứng nước rất thấp, tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra thường xuyên.

Theo ông, để cứu hạn ngoài việc chờ nước từ... ông Trời, cốt yếu nhất vẫn là cách chúng ta sử dụng nguồn nước một cách tích cực?

Đúng như vậy, ở nước ngoài khi xây dựng bất kỳ cái gì vấn đề nước bao giờ cũng được tính đến. Việc mực nước sông Hồng cạn như hiện nay, BĐKH chỉ là một phần, El Nino chỉ là cái cớ bởi BĐKH vì sự thay đổi của tự nhiên có chu kỳ rất dài, câu chuyện kỹ thuật trong việc điều tiết nguồn nước tại các hồ thuỷ điện cũng phải nói tới.

Chẳng hạn tại thuỷ điện Hoà Bình, nếu đúng như thiết kế, vào mùa cạn, nước đầu nguồn xả xuống từ từ, như vậy sông không bao giờ cạn quá. Vào mùa lũ, nước được giữ lại trong hồ nên đỉnh lũ trên sông thường thấp hơn bình thường. Đảm bảo phải có 600m3/giây ngày, đêm xả nước, kể cả khi nhu cầu điện không cao vào ban đêm, thế nhưng có vẻ việc vận hành đã không được như vậy.

Nước là nguồn tài nguyên năng lượng, trăm nghề đều nhìn vào nước nên không thể chỉ phát triển thuỷ điện mà tước đoạt đi sinh thái của cộng đồng toàn lưu vực, khai thác nước phải tính song song tới an toàn khu vực.

Ông có khuyến cáo gì với người dân đang sử dụng nguồn nước đục tại các vùng khô cạn của sông Hồng?

Sống ngay cạnh các nguồn xả, sử dụng nước đục ăn uống sinh hoạt là rất nguy hiểm. Theo tôi chính quyền thành phố nên có sự quan tâm tới các “công dân xóm liều” này. Theo kinh nghiệm của các nước tại Nam Phi, Trung Mỹ… người dân dù nghèo đến đâu cũng sẵn sàng chi trả cho việc sử dụng nước sạch. Nhân dân và Nhà nước có thể cùng làm, Nhà nước mắc nước, nhân dân trả tiền nhằm giúp họ cải thiện môi trường nước.



Theo Sài Gòn Tiếp Thị

source
http://tintuc.timnhanh.com/xa-hoi/20100120/35A9F4B6/Song-Hong-can-Mot-phan-do-ho-thuy-dien-va-pha-rung.htm

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Sét đánh tòa nhà cao nhất thế giới



Tòa tháp cao nhất hành tinh Burj Khalifa rực sáng trong đêm tối khi bị sét đánh qua ảnh của nhiếp ảnh gia Alisdair Miller ở Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.
> Khám phá tòa tháp cao nhất thế giới

Tia sét đánh trúng đỉnh của tòa nhà cao 828 m.
Kể từ khi khai trương tuần trước, tòa nhà này thu hút được sự chú ý của các nhiếp ảnh gia.
Cảnh tượng tuyệt đẹp ở quanh tòa tháp.
Dubai phải tốn tới 1,67 tỷ USD để xây dựng tòa tháp này.
Dubai trong đêm nhìn từ trên tòa tháp.
Kể từ khi khai trương tuần trước, Burj Khalifa luôn thu hút được sự chú ý của các nhiếp ảnh gia.

Mai Trang

source

Thứ tư, 13/1/2010, 08:08 GMT+7
http://www.vnexpress.net/GL/The-gioi/Anh/2010/01/3BA17AD9/

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Bắt đầu bơm nước vào hầm dìm Thủ Thiêm


- Các đốt hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn bắt đầu được bơm nước để kiểm tra khả năng chống thấm nước, cân chỉnh... sau những sự cố được cho là đã khắc phục. Đốt hầm đầu tiên sẽ được lai dắt và dìm xuống lòng sông Sài Gòn vào tháng 3/2010.

Đây là thông tin được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc BQL Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM cho biết trong ngày đầu tiên bơm nước vào các đốt hầm dìm Thủ Thiêm. Trước đó, việc gia công, sửa chữa hoàn thiện vết nứt 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm đã hoàn thành vào cuối tháng 12/2009.

“Ngày 6/1 chúng tôi bắt đầu bơm nước vào bể đúc để kiểm tra tiến độ chống thấm, kiểm tra thả nổi và cân chỉnh các đốt hầm… Cuối tháng 1/2010, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước sẽ kiểm tra công đoạn này trước khi việc lai dắt và dìm các đốt hầm dìm xuống sông được tiến hành vào tháng 3 tới” - ông Phúc nói.

Theo dự kiến, mỗi đốt hầm sẽ mất 29 ngày lai dắt từ bể đúc ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai về khu vực Thủ Thiêm. Ngày 7/3, đốt hầm số 1 sẽ được lai dắt về đến khu vực Thủ Thiêm để được dìm xuống sông vào ngày 8/3.

Ba đốt hầm còn lại sẽ được lai dắt và dìm xuống sông Sài Gòn từ tháng 4/2010 đến tháng 6/2010. Dự kiến tháng 2/2011 hầm dìm Thủ Thiêm sẽ thông xe kỹ thuật. Theo thiết kế, hầm vượt sông Sài Gòn có 6 làn xe cho phép xe lưu thông hai chiều với vận tốc 60km/h.

4 đốt hầm dìm đã được hoàn thiện sau khi nhà thầu khắc phục xong sự cố.

Có mặt tại bể đúc hầm dìm Thủ Thiêm, Phó Chủ tịch TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài nhận xét quá trình thực hiện dự án gặp một số khó khăn về kỹ thuật như việc nứt các đốt hầm. Đến nay sự cố đã khắc phục xong, được Tổ chuyên gia của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá phù hợp và chấp nhận.

Trước thông tin sự cố nứt các đốt hầm dìm Thủ Thiêm đã được khắc phục, nhiều người thở phào bởi hầm vượt sông dài, hiện đại nhất Đông Nam Á sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Nhưng liệu sau các sự cố này, tuổi thọ của hầm dìm có đảm bảo sẽ kéo dài đến 100 năm(?!).

Sắp tới, công đoạn lai dắt, dìm đốt hầm xuống lòng sông thật sự quan trọng, cần sự tỉ mỉ từng chút một nhằm đảm bảo không có bất cứ sự cố nào xảy ra, ông Phúc cho biết thêm.

Công trình hầm vượt sông Sài Gòn là hạng mục chính của gói thầu số 4: Xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm do nhà thầu Obayashi (Nhật) thực hiện.

Đây là hầm dìm có tổng chiều dài 1.490m được đánh giá là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á khi hoàn thành. Mỗi đốt hầm dài 90m, rộng 33m nặng 25.000 tấn bắt đầu được đúc từ tháng 7/2007. Tuy nhiên, đến giữa năm 2008 các đốt hầm này bắt đầu xuất hiện vết nứt trên tường và bản nắp khiến nhà thầu phải khắc phục sự cố đến cuối tháng 12/2009 mới xong.

Một số ảnh về hầm dìm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á:

Hầm dìm Thủ Thiêm gồm 4 đốt hầm được dìm dưới lòng sông Sài Gòn. Mỗi đốt hầm dìm dài 90m, rộng 33m, nặng khoảng 25.000 tấn. Đây là hạng mục quan trọng của dự án Đại lộ Đông Tây

Đúng 8h sáng 6/1, nước từ sông Nhà Bè bắt đầu được bơm vào các đốt hầm để nhà thầu kiểm tra khả năng chống thấm, cân chỉnh các đốt hầm... Ngày 8/3/2010 đốt hầm đầu tiên sẽ dìm xuống sông Sài Gòn.

12.jpg Mô tả ảnh.
10 máy bơm công suất lớn được huy động bơm nước từ sông Nhà Bè vào các đốt hầm để nhà thầu kiểm tra khả năng chống thấm, cân chỉnh các đốt hầm... sau khi sự cố nứt đốt hầm được khắc phục.

7.jpg
Sau khi quá trình kiểm tra thả nổi, độ chống thấm... ở các đốt hầm hoàn tất. Nhà thầu sẽ cho dỡ bỏ hệ thống bờ kè trên để thả nổi đốt hầm số 1 trên sông Nhà Bè rồi kéo nó ra khỏi bể đúc, lắp đặt thiết bị và chuẩn bị lai dắt về khu vực Thủ Thiêm.

Bên trong các đốt hầm được trang bị hệ thống chiếu sáng, thông gió, cung cấp điện, thoát nước... Khi đưa vào sử dụng người đi bộ, xe thô sơ, xe đạp sẽ không được lưu thông qua hầm dìm này.

Các đốt hầm bắt đầu được đúc từ tháng 7/2007 nhưng sau đó gặp sự cố khi xuất hiện vết nứt trên các đốt hầm. Đến cuối tháng 12/2009 công việc khắc phục sự cố đã hoàn thành được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước chấp nhận, cho phép thực hiện công tác tiếp theo.

Đường hầm Thủ Thiêm phía quận 1 được xây dựng gồm 6 làn xe lưu thông với vận tốc 60km/h. Chiều dài hầm là 1.490m trong đó có 371m hầm dìm vượt sông.

Đường dẫn hầm Thủ Thiêm phía quận 1 ra sông Sài Gòn có chiều dài 585m, hầm có độ sâu khoảng 14m so với mặt nước sông Sài Gòn.
  • Tin ảnh : Thái Phương
  • source
  • Bắt đầu bơm nước vào hầm dìm Thủ Thiêm

    Cập nhật lúc 13:49, Thứ Tư, 06/01/2010 (GMT+7)
  • http://www.vietnamnet.vn/xahoi/dothi/201001/Bat-dau-bom-nuoc-vao-ham-dim-Thu-Thiem-888070/

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Ô tô bay sẽ có mặt trên thị trường vào năm sau



Thứ Hai, 04/01/2010 06:54 (GMT+7)
Đánh giá : 0 phiếu

Hồi đầu năm ngoái, mẫu ô tô bay đầu tiên trên thế giới - Transition - đã có chuyến cất cánh đầu tiên. Và giờ đây, nhà sản xuất Terrafugia cho biết mẫu xe này sẽ có mặt trên thị trường vào năm sau, 2011.

Mời các bạn theo dõi video Transition cất cánh

Mặc dù ý tưởng ô tô bay đã được nhắc đến từ nhiều năm qua, nhưng mãi cho tới gần đây một có một hiện thân “bằng xương bằng thịt” trình diễn trên cả đường bộ và đường không. Nhà sản xuất Terrafugia ở Mỹ đã cho ra đời mẫu Transition có khả năng hoạt động trên không với vận tốc 185km/h, tầm bay 725km. Khi hoạt động dưới dạng ô tô, chiếc xe có vận tốc cực đại 105km/h, với mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình là 7,8 lít cho 100km.

Transition có thể gập cánh để chuyển từ hình thức máy bay sang ô tô chỉ trong khoảng 30 giây, tương đương thời gian hạ mui của nhiều xe mui trần hiện nay. Khi gập cánh, Transition có thể để vừa trong các bãi đậu xe hoặc gara kích thước bình thường dành cho ô tô.

Điểm đặc biệt là dù có thể vận hành cả như ô tô và máy bay, nhưng Transition chỉ có một động cơ điều khiển cầu trước của ô tô và vận hành cánh quạt phía sau khi là máy bay. Nhiên liệu là xăng không chì bình thường dùng cho hầu hết ô tô.

Về kích thước, chiều ngang xe chỉ khoảng 2m nên cũng chỉ như các ô tô thông thường, không chiếm nhiều diện tích trên đường. Transition có thể lưu thông trên đường như ô tô, nhưng việc cất/hạ cánh phải được thực hiện trên đường băng đủ tiêu chuẩn.

Giá cho Transition thế hệ đầu tiên dự kiến khoảng 195.000 USD. Những khách hàng quan tâm sẽ phải đặt cọc 10.000 USD ngay từ bây giờ, sau đó trả nốt 185.000 USD khi nhận xe.

Transition được xem như giải pháp giá rẻ của Terrafugia dành cho những người muốn có chuyến nghỉ cuối tuần hoàn toàn chủ động về phương tiện đi lại. Tất cả vấn đề còn lại giờ đây chỉ là mẫu xe này được cấp phép hoạt động ở những thị trường nào.

Nguồn Dân Trí
source
http://doanhnhansaigon.vn/default/tin-tuc/o-to-xe-may/2010/01/1040382/o-to-bay-se-co-mat-tren-thi-truong-vao-nam-sau/

Một năm sông Đồng Nai


Ngày 30.12.2009 Giờ 20:35


SGTT - Cho dù chuyện xả thải gây ô nhiễm của công ty Vedan đã đi vào lịch sử, nhưng trên dòng Thị Vải – sông khu công nghiệp – vẫn sủi bọt trắng xoá hằng ngày vì phải gánh nước thải từ các khu công nghiệp của hai huyện Long Thành (Đồng Nai) và Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu). Phía đầu nguồn, khi nước thải của hai công ty men Mauri và Mía đường La Ngà đổ xuống hồ Trị An, hàng trăm tấn cá bè ở đây đồng loạt chết trong vòng vài đêm. Con sông Thị Tính (Bình Dương) đổ ra sông Sài Gòn cũng trong một đêm uống vào bụng hơn 200.000m3 phân heo từ hồ chứa của một công ty chăn nuôi. Kênh Ba Bò, dù đã có hàng chục cuộc họp giữa hai tỉnh, và một công trình nhiều trăm tỉ đã được duyệt nhưng hàng trăm hộ dân vẫn ngửi mùi thối, sắt thép vẫn mục rữa mỗi ngày.

Cái mất không thể đo đếm được nhưng cái được của những kẻ phá hoại môi trường lại thấy rất rõ, tuồn được một tấn chất thải nguy hại ra sông, kiếm lợi nhiều triệu đồng, rẻ như phân heo, sau cú vỡ bờ bao hồ chứa, người chủ đã kiếm hàng chục tỉ đồng tiền đáng ra phải để xử lý. Cùng với hút cát, cá bè… tương lai của lưu vực con sông lớn thứ hai của đất nước ngày một xấu đi ở nhiều nơi.

Phan Quang – Vĩnh Hoà

Nước từ khu công nghiệp Gò Dầu Đồng Nai, vàng lợt, ngày đêm tuôn ra sông

Ngay họng xả của nhà máy đạm Phú Mỹ, trên dòng Thị Vải, nước sông sủi đầy bọt, tanh tưởi cả một vùng

Người đàn ông sống lâu năm ven kênh Ba Bò, TP.HCM, vẫn phải bịt mũi mỗi khi bước qua cầu, đôi mắt ông sưng mọng và đầu rất mỏi

Ở hồ Trị An, Đồng Nai, cá chết phơi khô bán được 15.000 đồng/kg, có những ngày cá chết nhiều không phơi kịp

Tuy không bị dân kêu về nước thải, nhưng khói vẫn mù mịt khoảng trời ở đây

Những vạt rừng đước gần sông Thị Vải đang chết khô vì ngộ độc

Mới ngoài năm năm nhưng mái tôn đã mục đến ba lần, hàng loạt chứng bệnh lạ tấn công cư dân ven kênh Ba Bò

source http://www.sgtt.com.vn/Detail21.aspx?ColumnId=21&newsid=61281&fld=HTMG/2009/1229/61281

Dubai khai trương tòa nhà cao nhất thế giới


Thứ Hai, 04/01/2010 - 3:37 PM


(Dân trí) - Sau 5 năm xây dựng, Burj Dubai, tòa nhà cao nhất thế giới, hôm nay được khai trương ở Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, với buổi lễ chính thức diễn ra tại khách sạn Armani.
Toàn cảnh Burj Dubai.
Emaar, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Đông, đã đặt yêu cầu xây dựng tòa nhà chọc trời này và Burj Dubai được Samsung C&T Corporation xây dựng.



Emaar đã giữ bí mật chiều cao chính xác của Burj Dubai, chỉ cho biết tòa nhà cao hơn 800m với 160 tầng. Với chiều cao này, chắc chắn Burj Dubai qua mặt tháp Taipei 101 của Đài Loan (101 tầng, cao 508m) để trở thành tòa nhà cao nhất thế giới.

Mohammed Alabbar, chủ tịch của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Đông Emaar trước giờ khai mạc chính thức.

Burj Dubai và những con số
95: Khoảng cách tính theo km vẫn có thể nhìn thấy đỉnh của tòa nhà
504: Độ cao tính theo mét thang máy chính đưa khách lên
57: Số thang máy
49: Số tầng làm văn phòng
1.044: Số căn hộ
900: tính theo đơn vị foot đài phun nước ở chân tháp, đài phun nước cao nhất thế giới
28.261: Số tấm kính ở mặt ngoài của tòa nhà
Burj Dubai cao khoảng gấp đôi tòa nhà Empire State Building ở Mỹ, có thể nhìn thấy đỉnh của nó từ vị trí cách xa tới 95km. Mặt ngoài được phủ khoảng 28.000 tấm kính, sáng long lanh trong ánh nắng sa mạc.

Thiết kế của tòa nhà đã đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ về kỹ thuật cũng như công tác hậu cần. Lý do không chỉ nằm ở chiều cao của tòa nhà mà bởi Dubai nằm ở nơi đầy nắng gió và đặc biệt là nằm gần đường nứt của trái đất.

Tổng chi phí xây dựng cho tòa tháp Burj Dubai vào khoảng 20 tỷ USD. Samsung cho biết Emaar không liên quan trực tiếp tới vấn đề nợ nần của Dubai World, từng làm chao đảo các thị trường thế giới mới đây và do vậy sẽ không có vấn đề gì trong việc thu phí xây dựng.


Ngắm nhìn thành phố Dubai từ phòng ngắm cảnh của tòa nhà.


Các công nhân xây dựng hoàn thiện những công việc cuối cùng trước giờ khai trương.

Lau dọn hành lang trưng bày trước giờ khai trương chính thức.

Bóng của tòa nhà cao nhất thế giới trên nền đất Dubai.

Phan Anh

Tổng hợp

*****************

source

http://dantri.com.vn/c36/s36-371070/dubai-khai-truong-toa-nha-cao-nhat-the-gioi.htm

Khám phá tòa tháp cao nhất thế giới

Tòa tháp cao nhất thế giới khai trương hôm qua trong màn bắn pháo hoa rực rỡ và được đổi tên từ Burj Dubai thành Burj Khalifa, để tôn vinh quốc vương UAE.

Tòa tháp có hình cây kim nhọn hoắt và được miêu tả là "thành phố thẳng đứng" bởi nó làm lu mờ mọi tòa cao ốc hiện có và đẩy lùi các giới hạn trong kiến trúc và xây dựng.
Tòa tháp gồm 164 tầng, nhiều hơn bất cứ tòa nhà nào trên thế giới và có một ban công trên tầng 124 cho phép nhìn toàn cảnh thành phố.
Tòa tháp cao 828 m và trị giá 1,69 tỷ USD, được xây dựng từ tháng 9/2004 và cần tới 12.000 nhân công để hoàn thành. Có thời điểm, cứ sau 3 ngày một tầng mới lại được mọc lên.
Lượng bê tông được sử dụng để xây tháp đủ để đắp một con đường dài 2.065 km và lượng thép gia cố có thể nối dài đủ 1/4 quãng đường vòng quanh trái đất.
Trên tầng 39, một phòng tắm xa xỉ cùng các phương tiện giải trí có thể đáp ứng nhu cầu của những ông trùm xa hoa nhất trên thế giới.
Hệ thống làm lạnh tạo ra đủ lượng nước để lấp đầy 20 bể bơi Olympics mỗi năm.
Xem video lễ khánh thành tháp Burj Khalifa
tại đây.
Tòa tháp được thiết kế bao gồm 1.000 căn hộ, 49 tầng dành cho văn phòng và một khách sạn do chuyên gia thời trang Giorgio Armani thiết kế.
Tòa tháp không chỉ phá kỷ lục về chiều cao mà còn ghi danh về những kỷ lục khác như ban công quan sát cao nhất thế giới, thang máy chạy nhanh nhất với tốc độ 64 km/h...
Toàn bộ bề mặt bên ngoài của tháp được làm bằng kính và thép có thể phủ kín diện tích của 17 sân bóng.
Nằm dưới chân tháp sẽ là khu trung tâm Downtown Burj Dubai rộng 202 ha, bao gồm 30.000 ngôi nhà, 9 khách sạn, một công viên rộng 24.000 m2, khu mua sắm lớn nhất thế giới Dubai Mall rộng 836.000 m2 và một hồ nước rộng 120.000 m2.
Công trình do Adrian Smith đến từ Chicago, Mỹ, thiết kế và mang ý tưởng thu hẹp khoảng cách giữa thế giới Ả rập truyền thống với phong cách phương Tây hiện đại.
Dubai hy vọng tòa tháp được khánh thành sẽ giúp đánh bóng hình ảnh về một đất nước đang bị tơi tả vì khủng hoảng kinh tế và các món nợ chồng chất. Ảnh: AP.

Diệu Minh (Ảnh: Barcroft Media)

source

http://www.vnexpress.net/GL/The-gioi/Anh/2010/01/3BA17622/

Cập nhật lúc: 1/6/2010 2:07:50 PM
Cao 828 mét: 4 ngày sau Giao Thừa 2010, tháp Taipei 101 đã bị tháp Burj Khalifa qua mặt trên 300 mét

Tháp Burj Khalifa trong ngày khai trương. Photo courtesy AAP

Trong tình hình kinh tế tài chánh hiện nay của tiểu vương quốc Dubai, có lẽ tháp Burj Khalifa với chiều cao dễ nể 828 mét sẽ làm bá chủ của các ngọn tháp trên trái đất này trong một thời gian dài bởi kế hoạch xây tháp cao... 1 cây số cũng tại thành phố Dubai của công ty Nakheel, có lẽ khó thực hiện.

Còn nhớ cách đây hơn một thập niên, đại triệu phú xây cất Bruno Grollo ở Melbourne dự tính xây tòa nhà cao 500m ở bến cảng Docklands để trở thành tòa nhà cao nhất thế giới, qua mặt tòa tháp đôi Petronas Towers ở Mã Lai cao chỉ 453m.

Hồi đó, khi được báo The Age phỏng vấn cùng với một số người khác, chủ bút TiVi Tuần-san là một trong những người ủng hộ xây tháp Grollo Tower vì muốn thành phố Melbourne có một landmark để thu hút du khách như nhà hát Con Sò ở Sydney.

Những người không ủng hộ, ngoài việc muốn Melbourne được du khách nhớ đến như là thành phố văn hóa, còn cho rằng Grollo Tower có cao nhất thế giới thì cũng chỉ kéo dài được vài năm.

Dự án nhà chọc trời Grollo Tower sau đó thất bại vì nhiều lý do. Và chẳng bao lâu sau tháp Taipei 101 ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan trở thành tòa nhà cao nhất với chiều cao 509m.

Chủ bút TVTS trong chuyến du lịch Đài Loan vào tháng 5 năm 2009 và hậu cảnh là tháp Taipei 101

Niềm tự hào cao nhất thế giới của Taipei 101 (click vào link này để xem đốt pháo bông Giao Thừa 2006) bắt đầu từ năm 2004 kéo dài đến đêm Giao Thừa 2010 với màn làm sáng rực bầu trời Đài Bắc từ những tầng thấp cho đến đỉnh tháp (bấm để xem video kèm).

Tháp Burj Khalifa giữa trung tâm thành phố Dubai. Photo courtesy AAP

Ngày Thứ Ba vừa qua, tháp Burj Dubai đã được khánh thành với màn đốt pháo bông tráng lệ (bấm vào link này để xem).

Nhà lãnh đạo thành phố Dubai, tiểu vương Sheikh Mohammad bin Rashed al-Maktoun –một khuôn mặt đua ngựa quen thuộc tại Melbourne—đã chính thức khai mạc buổi lễ khai trương tòa nhà cao nhất thế giới, nhưng cải tên Burj Dubai và chính thức đặt cái tên Burj Khalifa, để tưởng nhớ và vinh danh vị tổng thống của Liên hiệp các tiểu vương Á Rập (United Arab Emirates) là ông Sheikh Khalifa.

Với chiều cao 828m, tháp Burj Khalifa bỏ xa tháp đứng hàng thứ nhì trên 300 mét, cao hơn 2 lần rưỡi tháp Eureka ở Melbourne.

Nếu lấy tháp Taipei chồng lên tháp Eureka, chiều cao của hai tháp này vẫn chưa bằng tháp Burj Khalifa.

Những cái độc đáo và nhất đã được hình thành trong ngọn tháp cao mà con người khó tưởng tượng nổi: Có 169 tầng lầu với 24,000 cánh cửa sổ; có nguyện đường (mosque) cao nhất thế giới ở lầu 158 và hồ bơi cao nhất thế giới ở lầu 76; nhà hàng cao nhất thế giới ở lầu 122.

Năm vừa qua, khi có tin một ngân hàng ở Dubai nói họ không đủ sức trả nợ thì người ta nói đến cơn khủng hoảng tài chánh của Dubai, một thành phố giàu có nhở dầu hỏa và tung tiền để xây cất những khách sạn sang trọng bậc nhất hành tinh trên sa mạc và biển, và mộng xây thêm một tòa nhà cao 1 cây số!

May thay, người anh em của tiểu vương Dubai là Abu Dhabi đã bỏ ra hàng chục tỉ đô la để cứu thành phố Dubai và nhờ vậy tháp Burj Khalifa mới được khai trương một cách tưng bừng.

Giá cổ phiếu của công ty chủ nhân của tháp Burj Khalifa vào giữa năm 2005 khoảng $17 nhưng đầu tuần này chỉ còn $1.26.

Nghe nói trong số trên một ngàn căn apartment của tháp Burj Khalifa đã được mua sạch, phần lớn bởi những người Ả Rập và Ấn Độ, với mục đích đầu tư. Họ là những kẻ dư trong dư ngoài, mua apartment ở tòa nhà cao nhất thế giới làm nơi nghỉ mát hay đầu tư cho thuê. Và trong tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện này, dù các apartment để trống, họ cũng không ngại, bởi họ tính đường xa, 10 hay 20 năm sau...

Ngắm cảnh trên cao từ Burj Khalifa do Imre Solt thực hiện qua link này.

source
http://www.tivituansan.com.au/Details.asp?nID=2560&scID=SCA060817091656E

Nợ càng lớn nhà càng phải cao?

Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2010-01-06, 16:02

Bình luận (0)

burj-dubai356.jpgThế giới bước vào năm 2010 với pháo hoa tưng bừng ở một nơi lẽ ra không khí phải rất buồn bã.

Dubai, thương cảng lừng danh tại vùng Vịnh đứng bên bờ phá sản nhưng tòa tháp Burj cao nhất thế giới vẫn được khai trương ồn ào.

Tưởng được thiên hạ vỗ tay hoan nghênh nhưng hóa ra không phải.

Chưa bao giờ tôi thấy việc xây các cao ốc vươn lên cả tầng mây lại bị chê dữ dội đến như vậy.

Đầu tiên là dân trong nghề.

Tòa tháp 828 mét bị các kiến trúc sư Đức gọi là ví dụ xấu, tạo tiền lệ không tốt cho ngành xây dựng, và là công trình "ca ngợi tiền bạc".

Trên tờ Daily Finance gần đây, Bruce Watson đặt câu hỏi:

"Tòa tháp cao nhất thế giới là một tượng đài hay bia mộ cho Dubai?"

Các báo Anh còn nói việc xây cao ốc "vung tay quá trán" nhiều khi là chỉ dấu cho một thời khánh tận.

Chẳng hạn như Malaysia khánh thành xong tòa tháp đôi Petronas thì vùng Đông Nam Á bước vào khủng hoảng tài chính 1997.

Xa hơn, tòa Great Empire Building ở Mỹ cũng ra mắt lúc Phương Tây rơi vào cuộc Khủng hoảng thập niên 1930 dẫn tới Thế chiến.

Với khoản nợ trên 18 tỉ USD, nhiều hơn một nửa GDP, các lãnh đạo Dubai đã ít có lý do để lạc quan dù nay ngọn tháp của họ được tiếng là cao nhất hoàn cầu.

Thỏa mãn tham vọng
Thực ra, việc các quốc gia hay các tập đoàn xây cao ốc cũng giống như người bình thường chúng ta thích xây nhà tầng mà thôi.

Ai chẳng muốn nhà mình cao hơn nhà hàng xóm, vừa thoáng mát hơn, vừa thỏa niềm kiêu hãnh âm ỉ bên trong.

Nhưng với các quốc gia thì đó còn là tham vọng chứng tỏ một ưu thế chính trị, chứ không chỉ là thông điệp kinh tế.

Chỉ có điều nhà cao mà nội dung không có gì thì thật đáng tiếc.

Ngoài chuyện bị chê là "trọc phú", xây nhà cao, thừa phòng ốc cũng là một sự lãng phí tàn sản và không gian.

Các phòng trên những cao ốc thường bị bỏ trống vì thực ra độ cao quá không phải là môi trường tốt cho con người.

Với tòa tháp Burj thì bệnh "leo cao" quả là quá mức.

Ban đầu, nhà đầu tư chỉ định xây cao hơn tháp Taiwan 101 để phá kỷ lục thế giới nhưng càng xây nó lại càng cao, vượt dự kiến hàng trăm mét, tính cả ngọn tháp.

Tôi đã có dịp lên ngọn tháp ở thủ đô Đài Bắc.

Cảnh nhìn thật kỳ vĩ nhưng cũng khá chóng mặt.

Sau khi lượn ở sảnh ngắm cảnh, chụp ảnh, tôi trả thêm ít đô-la Đài để leo thang bộ để lên tận tầng cao trên nữa.

Ở đó gió thổi ù ù và có chấn song sắt rất cao vây quanh một cái sân thượng tối mò.

Người ta cũng gài cả camera an ninh.

Hỏi thì được giải thích đó là các biện pháp để ngăn những kẻ muốn tự sát một cách "hoành tráng" trèo ra ngoài tháp để phi thân xuống.

Thì ra ngoài vai trò làm biểu tượng, các ngọn tháp cao còn có "chức năng" phục vụ người ta nhảy tự do.

Nghĩ cho cùng, leo cao cũng là sự bắt đầu của việc tụt xuống, hoặc bay xuống tùy sở thích.

Ngọn tháp ở Dubai đã mất ngay tên cũ vì được đặt tên lại là Sheikh Khalifa, theo tên chủ nhân của Abu Dhabi, vương quốc chủ chốt của liên minh vừa vào cuộc cứu nợ và gần như là mua lại Dubai.

Wall Street Journal viết: "Tòa tháp mới, được đổi tên thành Burj Khalifa là biểu tượng cho việc Dubai mất độc lập."

Bài học này chắc sẽ không được nhiều nước lắng nghe.

Vì mốt xây cao ốc vẫn rất thịnh tại nhiều nơi, nhất là châu Á.

***************

source

BBC Vietnamese