Thứ Tư, 3 tháng 6, 2009

Nửa thế kỷ với Caravelle Sài Gòn




Nửa thế kỷ với Caravelle Sài Gòn
Việt Tribune tổng hợp
Vào tháng Năm, 2009 tới đây, khách sạn Caravelle ở thành phố Sài Gòn sẽ kỷ niệm 50 năm có mặt trên thị trường. Sau nửa thế kỷ có mặt trên thành phố lớn nhất của Việt Nam với tư cách là một khách sạn 5 sao, Caravelle đang chuẩn bị kỷ niệm 50 tuổi vào ngày 8 tháng Năm, 2009.
Nhiều sự kiện đã được ban giám đốc dự định tổ chức nhân dịp này. Một buổi tiếp tân sẽ diễn ra tại hội trường của khách sạn. Một số nhân vật được nhiều người biết đến sẽ lên nói chuyện trong dịp này, và diễn giả chính sẽ là Peter Arnett, phóng viên chiến tranh Việt Nam và chiến tranh vùng vịnh Ba Tư lần đầu tiên. Peter Arnett đã từng đoạt giải báo chí Pulitzer năm 1966 về những bài viết trong chiến tranh Việt Nam.

Khách Sạn Caravelle Sàigòn ngày nay.travel.org
Khách sạn cũng sẽ sử dụng một căn phòng lớn để dựng lên những cảnh giống hệt như con đường Tự Do trong thập niên 60. Con đường này, trước đó tên là Catinat, bây giờ tên là Đồng Khởi, là nơi có khách sạn Caravelle; đối diện với trụ sở Quốc Hội của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, trụ sở này bây giờ là Nhà Hát Lớn.
Một sự kiện khác cũng được lên kế hoạch trong dịp này, là nhà hàng chính trong khách sạn sẽ có những món ăn đặc biệt của Pháp. Nhà hàng này bây giờ tên là Reflections, nhưng lúc trước có tên là Champs Élysées. Đầu bếp chính của nhà hàng Reflections nói rằng ông ta sẽ nấu những món mà khách khi ghé nhà hàng Champs Élysées khi trước thường gọi.
Món khai vị là gan ngỗng, món súp là hải sản bouillabaisse, và món ăn chính thì khách có thể chọn hoặc là cá hồng, hoặc là gà nấu rượu vang; cuối cùng món tráng miệng là bánh hạnh nhân có chocolate và bơ. Mỗi phần ăn là 39 đôla.

Khách Sạn Caravelle Sàigòn ngày xưa 1964. Time Life
Nhân viên pha rượu của khách sạn đã pha chế một thức uống đặc biệt trong dịp này, và đặt tên là ‘Caravelle Cowboy’, gồm có rượu champagne và trái berry, có điểm một chiếc lá vàng.
Khách hàng đặt phòng trong tháng Năm sẽ được bớt 50% cho đến tháng 12, với điều kiện phải giữ chỗ trên trang web của khách sạn.
Bên cạnh những sự kiện vừa nêu, khách sạn còn định xuất bản một cuốn sách, trong đó có đoạn kể lại những nhân vật danh tiếng nào trên thế giới đã từng đến và rời khách sạn, và có đoạn kể lại những thăng trầm của khách sạn trong suốt 50 năm qua.
Ông John Gardner, Giám Đốc khách sạn cho biết: cách đây 50 năm, ngay khi khai trương, khách sạn Caravelle đã đặt ra những chuẩn mực để các khách sạn khắp miền Nam bắt chước; và vào thời đó, mỗi khi nói đến Caravelle, người ta thường nói đến phong cách, thời trang, lịch lãm, một tụ điểm của giới thượng lưu trí thức. Giám Đốc Gardner nói tiếp: bây giờ, người ta cũng có thể sử dụng cùng những tính từ đó, khi nhắc đến Caravelle.
Được khai trương vào năm 1959, khách sạn Caravelle nổi tiếng trong một thời gian dài, vào thời chiến tranh Việt Nam đang ở cao điểm. Các nhà báo quốc tế đứng từ sân thượng khách sạn ở trên tầng thứ 10, có thể quan sát những cuộc biểu tình, những cuộc đảo chánh diễn ra trước Quốc Hội, bây giờ là Nhà Hát Lớn; hoặc dinh Độc lập, bây giờ là dinh Thống Nhất.
Sau khi quan sát xong, các nhà báo có thể dùng cầu thang đi về văn phòng của mình, được thuê dài hạn bên trong khách sạn hoặc ở các khách sạn gần đấy, để viết bài tường trình và gửi về cho các tòa soạn hoặc các đài ở New York, London hoặc Tokyo.Thời bấy giờ, đài truyền hình CBS của Mỹ đặt văn phòng ở Caravelle, hình ảnh được thu trên băng nhựa. Mỗi khi thu xong một câu chuyện để phát hình, đài có người ôm hộp phim nhựa cấp tốc chạy ra phi trường Tân Sơn Nhất, gửi hộp phim nhựa theo một chuyến bay gần nhất của hãng Pan Am hoặc United đem về Mỹ.
Khi chuyến bay hạ cánh đến Los Angeles hoặc San Francisco sẽ có người của đài truyền hình ra nhận hộp phim và cấp tốc mang ra tráng, rửa, in, ấn, biên tập và cho phát hình vào lúc sớm nhất. Tính trung bình, một phóng sự chiến trường ở Việt Nam nhanh nhất là 24 tiếng đồng hồ sau mới hiện lên trên máy TV của các gia đình người Mỹ. Lúc bấy giờ, một khoảng cách thời gian như thế đã được xem là hiện đại, và các đài truyền hình của Mỹ cạnh tranh với nhau từng giờ từng phút để mang tin tức chiến trường nóng hổi cho các gia đình người Mỹ có con em chiến đấu bên Việt Nam.
Bây giờ thì không còn như thế nữa, với phương tiện kỹ thuật số và với Internet, khán giả có thể xem trực tuyến, vào giờ giấc thực sự; những xì xảy ra cách nửa vòng trái đất có thể hiện ngay lên màn hình của TV hoặc laptop.
Trở lại với câu chuyện Caravelle, trong thập niên 1960, chỉ những đại gia hoặc những người có quyền thế mới đủ sức tổ chức đám cưới cho mình của hoặc cho con cái ở khách sạn này. Một đám cưới như vậy chắc chắn sẽ được dư luận bàn tán xôn xao.
Tháng Tư năm 1960, có 18 nhân vật trí thức miền Nam tổ chức họp báo tại khách sạn Caravelle để công khai xác nhận họ là một nhóm đối lập với chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ra tuyên ngôn kêu gọi chính phủ phải có những cải cách. Khi cuộc đảo chánh của Đại tá Nguyễn Chánh Thi nổ ra vào tháng 11 năm đó, nhóm trí thức này lên tiếng ủng hộ. Cuộc đảo chánh sau đó thất bại, tất cả thành viên của nhóm này bị bắt và từ đó mới có tên là nhóm Caravelle. Nhờ có vụ này, người dân miền Nam mới quen biết nhiều hơn với những tên tuổi như Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Văn, Phan Huy Quát, v.v.
Vào năm 1975, Caravelle đổi tên thành Độc Lập và cái tên này chìm dần, vào lúc người dân thành phố vật lộn với bobo hoặc ăn độn.
Tháng 10 năm 1992, Saigon Tourist hợp tác với một công ty của Hong Kong và Singapore và sử dụng lại cái tên Caravelle với ý định làm sống lại thời hoàng kim của khách sạn.
Cùng nhịp với chính sách Đổi Mới, vào năm 1998, ban Giám Đốc khách sạn cho tân trang tất cả 10 tầng lầu từ trong ra ngoài, và xây thêm một tòa nhà sát bên, cao 24 tầng.Tháng 12 năm ngoái, một vụ nổ xảy ra tại khu lễ tân của khách sạn. Một phần lớp trần của khu lễ tân bị sập. Sức ép của vụ nổ làm hư hại lớp trần khoảng 30 mét vuông, và làm bị thương ba nhân viên khách sạn, trong đó có một người bị thương nặng. Sở công an thành phố kết luận không phải là chất nổ và cũng không phải là một vụ phá hoại.Trong những năm gần đây, khách sạn Caravelle không ngừng cải tiến để giữ ngôi vị là 1 trong 10 khách sạn hàng đầu của thành phố, và 1 trong 100 khách sạn hàng đầu của thế giới. Giá phòng ở đây từ 220 đôla đến 1200 đôla một đêm.
Quán bar trên sân thượng vẫn là điểm tụ tập của những khách thượng lưu trong và ngoài nước, y hệt như thời chiến tranh, vẫn có ban nhạc sống chơi nhạc Mỹ hầu như mỗi đêm.Ở tầng dưới, phòng ăn bao bụng của khách sạn cũng là điểm đến của nhiều giai nhân tài tử, bởi vì ở đó khách có thể ăn theo kiểu buffet, vừa có những món lạ, vừa được phục vụ theo dạng cao cấp.
Trải qua 50 năm, có thể nói Caravelle gắn liền với những thăng trầm lịch sử trong thành phố lớn nhất Việt Nam. Nguồn VAP
source
Viet Tribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét