Thành phố Hồ Chí Minh
Ngập nước sẽ tăng do thêm “lô cốt”
Trung tâm điều hành các chương trình chống ngập của TP.HCM (gọi tắt là trung tâm chống ngập) hôm qua (2.4) công bố sẽ thực hiện các dự án chống ngập đầu tiên. Việc này không những bổ sung thêm số “lô cốt” đang hiện diện ở hầu khắp các tuyến đường trên TP.HCM, mà còn có nguy cơ làm ngập tăng hơn vì phải ngăn cống để thi công
Ảnh: L.H.T
Ông Nguyễn Ngọc Công, phó giám đốc trung tâm chống ngập cho biết, trong tháng này, sẽ lắp mới các cống thoát nước trên các tuyến đường Ba Tháng Hai (quận 11), Chu Văn An và Phạm Văn Chí (quận 6) để giải quyết chống ngập.
Vá víu chống ngập
Hệ thống cống trên các tuyến đường này được xây dựng từ lâu, một số nằm trong nhà dân, tiết diện lại nhỏ, không đủ để nước thoát. Trên tuyến đường Phạm Văn Chí, sau trận mưa từ 30 phút đến bốn giờ, hoặc khi triều lên, làm ngập sâu từ 0,2 – 0,8m. Việc cải tạo hệ thống thoát nước (HTTN) trên đường Ba Tháng Hai và Chu Văn An, lẽ ra được thực hiện trong tiểu dự án cải tạo HTTN lưu vực rạch Hàng Bàng, là một trong sáu vùng thoát nước mưa của TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2001. Lưu vực rộng gần 440ha, thuộc các quận 5, 6 và 11, nhưng do dự án thực hiện chậm, nên bị ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cắt vốn. Theo ông Công, tiểu dự án này hiện được tách thành nhiều gói thầu, và trung tâm chống ngập được giao tiếp tục thực hiện. Trước mắt, sẽ thực hiện các công trình cấp bách ở đường Ba Tháng Hai, Chu Văn An với tổng kinh phí gần 58 tỉ đồng. Đây là những công trình cấp bách giảm ngập tại khu vực ngập nặng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bảo, trưởng ban quản lý các dự án thoát nước đô thị, thuộc trung tâm chống ngập, khi hoàn thành các dự án nói trên, tình trạng ngập nước cục bộ vẫn xảy ra, bởi lẽ, các dòng kênh đang bị tắc nghẽn, bùn, rác đọng lại, khiến nước không thoát được. Ngoài ra, còn phải đấu nối vào các dự án khác để tạo thành hệ thống đồng bộ, mới đảm bảo tiêu thoát nước.
Dự án chưa xong đã lạc hậu
Hiện toàn thành phố còn khoảng một trăm điểm ngập nước. Năm 2008 có khoảng 66 trận mưa gây ngập, tăng 46% so với năm 2007. Ngoài ra, triều cường cũng có xu hướng tăng ngày càng cao, gây ngập trên diện rộng. Ông Công thừa nhận: không kỳ vọng ba công trình nói trên sẽ làm nên chuyện chống ngập cho cả thành phố. Bởi theo tính toán của đơn vị tư vấn, thành phố cần cải tạo khoảng 6.000km cống, mới mong giảm thiểu được tình trạng ngập. Trong khi đó, dù thành phố đã đào đường hàng loạt, nhưng cũng chỉ thực hiện được 1/3 khối lượng, và còn khoảng 4.500km cống nữa cần được cải tạo, bổ sung.
Mặc khác, dự án Vệ sinh môi trường, lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè được thực hiện nhằm giải quyết ngập cho trên một triệu dân nội thành. Nhưng thiết kế chỉ tính toán cho đỉnh triều cường là 1,32m, trong khi hiện nay, đỉnh triều cao nhất đã lên đến 1,55m. “Có nghĩa là cốt cống ở một số dự án đã quá lạc hậu so với đỉnh triều thường xuyên. Do vậy cần phải khống chế bằng hệ thống cống, van ngăn triều và cả hệ thống bơm thoát nước”, ông Công nói.
Kiều Phong
source
http://sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=49305&fld=HTMG/2009/0402/49305
Friday April 3, 2009 - 11:57am (ICT) Permanent Link 0 Comments
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét