Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

Những cái bẫy tai nạn giao thông trên cầu


Ngày 14.12.2009 Giờ 15:15

Thành phố Hồ Chí Minh

Những cái bẫy tai nạn giao thông trên cầu

SGTT - Ở TP.HCM, thời gian qua đã có không ít cây cầu vừa làm xong, chưa kịp vui, người dân đã phải đối mặt với nỗi lo tai nạn giao thông vì những “cái bẫy” ngay trên cầu.

“Chỉ cần một lần đi qua các giao lộ “dấu nhân” ngay trên cầu vượt Quang Trung thì người chạy xe sẽ thấy sợ vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Bùi Văn Năm, nhà ở tỉnh lộ 15, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, bức xúc.

Ngã tư ngay dốc cầu

Giao thông loạn xạ dễ gây tai nạn giao thông trên cầu vượt Quang Trung (quận 12, TP.HCM)

Ông Năm kể, vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra vào khuya ngày 2.12, một đôi nam nữ chở nhau trên xe máy hiệu Nouvo tông vào xe của một người đàn ông khi gặp nhau tại giao lộ ở lưng chừng cầu. Vụ tai nạn khiến người đàn ông bị gãy tay còn đôi nam nữ bị xây xát.

“Tôi sống gần cầu nhưng không thể kể hết những vụ va quẹt, tai nạn xảy ra ở hai điểm giao nhau trên cầu. Hầu như tuần nào cũng có vài ba vụ, nhẹ thì xây xát, nặng thì gãy tay, gãy chân”, ông Năm cho biết. Không chỉ ông Năm, nhiều người dân địa phương và cả những người đi đường không ai hiểu vì sao người ta lại thiết kế những “giao lộ hình dấu nhân, chẳng khác nào gài bẫy xe cộ ngay ở dốc cầu”.

Tương tự như cầu vượt Quang Trung, ở cầu Nguyễn Tri Phương (nối quận 5 với quận 8), nhất là phía bên quận 8, ngay ngã tư Hưng Phú, trung bình mỗi tuần cũng có ít nhất hai vụ đụng xe vì ngã tư nằm ngay chân cầu, xe đang xuống dốc phải dừng lại khi đèn đỏ.

Bay qua cầu rơi xuống sông

Riêng cầu Nguyễn Văn Cừ, tuy mới đưa vào sử dụng hơn chín tháng nhưng đã có gần chục vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hầu hết các nạn nhân đều tông xe vào hành lang cầu và có người bị rơi xuống sông. Vụ gần đây nhất xảy ra vào ngày 3.12, ba người văng xuống sông, trong đó một người chết và hai người bị thương nặng. Ông Nguyễn Văn Lương, nhà ở dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ nói, người ta thiết kế nhánh rẽ từ quận 4 sang quận 1 với một khúc cua quá gắt, nếu người chạy xe không giảm tốc độ khi lấy đà lên cầu thì tai nạn có thể xảy ra. Trong khi đó, hành lang thành cầu lại quá thấp, chưa tới 1m, không thể ngăn được nạn nhân rơi xuống sông. Trong khi độ tĩnh không của cầu cao tới 7,5m nên người bị nạn khó thoát khỏi nguy hiểm.

Ngoài nguyên nhân thiết kế, nhiều người cho rằng “cầu thành bẫy” còn do phân luồng giao thông không hợp lý. Chẳng hạn tại cầu vượt Quang Trung, vì việc phân luồng quá phức tạp nên không thể tránh được tai nạn. Xe ôtô hướng từ Thủ Đức muốn rẽ về Gò Vấp, người lái xe thường chọn một trong ba cách: hoặc rẽ phải theo hướng Hóc Môn rồi đột ngột quẹo lên cầu vượt theo chiều về Gò Vấp; hoặc cứ băng ngang rẽ trái trước khi qua gầm cầu; cách thứ ba là đi thẳng qua gầm cầu một đoạn rồi mới quẹo phải theo chiều vòng xoay lên cầu vượt cặp tay phải về Gò Vấp. Trong đó, cách thứ ba là hướng bắt buộc nhưng do quá sát gầm cầu nên rất nhiều tài xế chọn cách đi “lụi” rẽ phải theo hướng Hóc Môn rồi đột ngột quẹo lên cầu vượt theo chiều về Gò Vấp nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. “Phân luồng kiểu này chẳng khác nào đánh đố, gài bẫy chúng tôi. Không chỉ chạy sai luồng bị cảnh sát giao thông thổi phạt, chúng tôi còn luôn đối mặt với tai nạn khi chạy đến ngã tư trên cầu thì xe ngược chiều cứ lao thẳng vào xe chúng tôi”, ông Đặng Thanh Bình, một tài xế ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12 lên tiếng.

bài và ảnh Đào Lê

****************************

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=60656&fld=HTMG/2009/1213/60656

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét