Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Cây cầu biểu tượng của TP HCM có thể bị bán



Xây dựng gần 3 năm, nhưng chỉ sau 3 tháng sử dụng, Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ dự định bán lại cây cầu này cho đơn vị khác. Dự kiến cầu Sài Gòn 2 sau khi hoàn thành cũng có thể chịu chung số phận.
> Khánh thành cầu dây văng - biểu tượng của TP HCM

Nguyên nhân khiến chủ đầu tư cầu Phú Mỹ định bán lại cầu là tình trạng đặt trạm thu phí không hợp lý giữa những công trình cầu đường khác nhau gây phiền hà cho người dân. Các trạm này cũng làm đảo lộn kế hoạch thu phí của cầu Phú Mỹ so dự kiến.

Trên thực tế, cầu Phú Mỹ đang bị kẹp giữa hai trạm thu phí là: trạm trên đường Nguyễn Văn Linh quận 7 nhằm hoàn vốn cho tuyến này và trạm Xa lộ Hà Nội của Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) vốn đang gây nhiều phản ứng của doanh nghiệp vận tải.

Sắp tới, theo kế hoạch, chủ đầu tư cầu Phú Mỹ sẽ lập thêm một trạm mới thu phí cho công trình của mình. Lúc đó cây cầu dây văng này sẽ bị vây bởi 3 trạm thu phí: Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ, CII. Đây lại là tuyến lưu thông từ các tỉnh miền Tây ra Đông Nam Bộ và phía Bắc theo cửa ngõ Xa lộ Hà Nội mà không phải đi xuyên tâm TP HCM, rút ngắn thời gian lưu thông, tránh kẹt xe. Do đó, có nguy cơ các phương tiện ôtô trên tuyến này sẽ phải đóng đến 3 lần phí qua trạm cầu đường, dẫn đến khả năng nhiều tài xế sẽ tránh đi qua cầu Phú Mỹ. Chủ đầu tư cầu sẽ không thể hoàn tất thời gian thu hồi vốn như kế hoạch ban đầu.

"Để tránh phiền hà cho người dân vì phải đóng phí nhiều lần tại nhiều nơi khác nhau, công ty định bán hẳn công trình cầu Phú Mỹ cho CII để đơn vị này gom về một đầu mối thu phí trên Xa lộ Hà Nội", ông Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc Công ty BOT cầu Phú Mỹ cho biết.

Tổng vốn đầu tư cầu Phú Mỹ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Cầu Phú Mỹ khi khánh thành được xem là cây cầu biểu tượng của TP HCM.

Cầu Phú Mỹ vẫn chưa hoàn thành xong phần đường kết nối qua Nguyển Văn Linh nhưng chủ đầu tư đang có ý định bán lại công trình cầu cho đơn vị khác. Ảnh: Kiên Cường

Công ty BOT cầu Phú Mỹ hiện còn là chủ đầu tư của dự án cầu Sài Gòn 2, dự kiến khởi công vào tháng 1/2010 theo hình thức BOT. Tuy nhiên, ông Thái cho biết, nếu tình trạng cầu Sài Gòn 2 sau khi xây dựng xong cũng lâm vào tình trạng tương tự như cầu Phú Mỹ, thì công ty cũng bán hẳn cầu này cho CII.

Hiện trên tuyến xa lộ Hà Nội có 4 dự án đang triển khai, trong đó có 2 dự án của CII là mở rộng xa lộ Hà Nội và xây cầu Rạch Chiếc mới. Còn Công ty BOT cầu Phú Mỹ chịu trách nhiệm xây cầu Sài Gòn 2 và nghiên cứu dự án đường nối từ cầu Phú Mỹ ra xa lộ Hà Nội. Các dự án này cũng áp dụng hình thức BOT thu phí hoàn vốn.

Theo ông Thái, bốn dự án trên đều có chung một tuyến ra xa lộ Hà Nội. Tuyến này đã có trạm thu phí của CII hiện hữu nên việc đặt thêm một trạm nữa sẽ rất khó. "Tốt nhất chúng tôi bán hẳn dự án cho CII để tập trung thu một lần cho tất cả các dự án tại một nơi", ông Thái nói.

Ông Thái cho rằng, những bất cập hiện nay về việc xây dựng trạm thu phí là do không có sự thống nhất giữa các chủ đầu tư dự án từ trước, dẫn đến việc đặt trạm dẫm chân lên nhau. Chủ đầu tư cầu Phú Mỹ cũng không lường trước tình thế này. Hiện phương án thu phí của Công ty BOT cầu Phú Mỹ vẫn đang chờ lãnh đạo thành phố phê duyệt, với thời gian triển khai bắt đầu từ năm sau. Dự kiến năm 2010, mỗi lần ôtô qua trạm của cầu Phú Mỹ, xe tải từ 10 tấn tới 18 tấn hoặc xe container 20 feet phải đóng 40.000 đồng. Năm 2011, mức này tăng lên thành 68.000 đồng một xe cho mỗi lần qua trạm.

"Công ty vẫn đang thảo luận với lãnh đạo TP HCM để tìm giải pháp thích hợp nhất vì chúng tôi cần phải thu phí để trả lãi vay xây dựng cầu Phú Mỹ", ông Thái nói.

Theo hợp đồng BOT ban đầu giữa UBND TP HCM và chủ đầu tư cầu Phú Mỹ thì ngay khi hoàn thành cầu, đường nối từ cầu Phú Mỹ ra ngã tư Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội (theo hướng vành đai phía Đông) sẽ hoàn thành. Nếu đúng cam kết, phương tiện qua cầu ra Xa lộ Hà Nội sẽ không phải đi qua trạm thu phí của Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII). Tuy nhiên đến thời điểm này dự án vẫn nằm trên giấy.

Hiện TP HCM đã giao cho Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ nghiên cứu đầu tư dự án đường nối vành đai phia Đông dài 3km. Công trình sẽ hoàn thành sau 2 năm thi công.

Dự kiến tháng 1/2010, cầu Sài Gòn 2 sẽ được khởi công xây dựng cạnh cầu cũ xuống cấp với vốn đầu tư lên đến 143 triệu USD. Công trình sẽ hoàn thành sau 2,5 năm thi công. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ theo hình thức BOT.

Kiên Cường

source

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/12/3BA167E4/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét