- Ngày cập nhật 20/01/2010 10:28:00
Việc mực nước sông Hồng cạn như hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) chỉ là một phần, El Nino chỉ là cái cớ, câu chuyện kỹ thuật trong việc điều tiết nguồn nước tại các hồ thuỷ điện cũng phải nói tới. Xa hơn chúng ta cần có sự cân đối tính toán lại trong việc sử dụng nguồn nước.
Theo trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, ngày 8.1.2010, mực nước sông Hồng tại Hà Nội xuống 0,56m, thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc từ trước đến nay. Theo báo cáo mới nhất, hiện các hồ chứa phục vụ công trình thuỷ điện ở Bắc bộ vẫn đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Hiện hồ thuỷ điện Tuyên Quang và Thác Bà mới tích được 61% so với dung tích thiết kế, hồ thuỷ điện Hoà Bình mới trữ được trên 90%. Hệ thống hồ vừa và nhỏ cũng chỉ đạt cao nhất 80% so với mức nước đạt yêu cầu. |
Trên đây là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Đình Hoè, chủ nhiệm bộ môn quản lý môi trường, khoa môi trường, đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội sau khi mực nước sông Hồng tại khu vực cầu Long Biên (Hà Nội) đã xuống tới mức 0,56m, thấp kỷ lục nhất trong vòng 107 năm qua.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoè cho biết rõ hơn: Việc sông Hồng cạn không có gì khó hiểu, nguyên nhân đầu tiên có thể nói đến là do năm nay ảnh hưởng của El Nino ít mưa, gây thiếu nước và khô hạn trên diện rộng. Cộng với mùa mưa lũ ở Bắc bộ đến muộn lại kết thúc rất sớm, tháng mưa ngâu năm nay cũng thiếu vắng hoàn toàn.
Thứ hai là do số lượng các hồ thuỷ điện nhiều, tính riêng phía Trung Quốc đã có tám cái, Việt Nam chúng ta các hồ thuỷ điện Thác Bạc, Hoà Bình, Tuyên Quang đều đang tích nước chuẩn bị cho phát điện.
Nguyên nhân thứ ba là do vốn rừng tự nhiên của khu vực sông Hồng giảm. Rừng tự nhiên có khả năng giữ nước tốt nhất, tuy nhiên tình trạng khai thác gỗ của các doanh nghiệp thì nhiều nhưng việc trồng lại sau khi khai thác thì ngược lại, thậm chí nếu có trồng lại như đã hứa thì cũng phải mười năm sau cây mới được như cũ.
Được biết, tập đoàn Điện lực EVN đã cam kết sẽ xả hai tỉ mét khối nước để “giải khát” cho miền Bắc. Theo ông, đây có phải giải pháp thích hợp nhất?
Sông Hồng cạn trơ đáy, nông nghiệp thiếu nước, giao thông thuỷ tê liệt, việc họ xả nước cứu hạn là đúng thôi. Tuy nhiên, việc xả nước này chỉ là bề nổi của tảng băng. An ninh nguồn nước thế kỷ 21 sẽ bị đe doạ nếu chúng ta không quan tâm tới việc cân đối lại nguồn nước và cách sử dụng cho phù hợp.
Quan điểm tài nguyên nguồn nước của Việt Nam là phong phú theo tôi là xưa lắm rồi. Lượng nước của Việt Nam hiện nay tính ra khoảng 850 tỉ mét khối/năm, trong đó có khoảng 10 tỉ mét khối là nước ngầm, nước mưa khoảng 350 tỉ mét khối/năm, còn lại là nước quá cảnh của các nước khác. Như vậy, nguồn nước của chúng ta đang phụ thuộc vào các nước bạn nên không thể nói tài nguyên nước phong phú được. Cụ thể các giải pháp sâu hơn như việc tăng cường và bảo vệ vốn rừng tự nhiên cần tính đến bởi rừng tự nhiên giữ nước tốt hơn rừng kinh tế. Cân đối giữa phát triển thuỷ điện và thuỷ lợi, việc dùng nước hiệu quả, ngành nào cần dùng nhiều, ngành nào dùng ít… tóm lại chúng ta cần có một chiến lược phát triển cân bằng nguồn nước.
Đặc biệt, chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi tới người dân về việc sử dụng tiết kiệm và giữ sạch tài nguyên nước. Việt Nam chúng ta đa phần dùng một nhưng làm bẩn nước tới mười, khiến việc thiếu nước lại càng thiếu nước hơn.
63% lượng nước của Việt Nam được cung ứng từ ngoài lãnh thổ Việt Nam có tổng khối lượng nước mạch ngầm 850 tỉ mét khối nhưng có đến 63% lượng nước được cung ứng từ ngoài lãnh thổ, đồng nghĩa với việc Việt Nam là quốc gia đang thiếu nước. Thông tin trên được công bố tại hội thảo về tài nguyên nước và sự phát triển bền vững được tổ chức ở Hà Nội ngày 19.1. Hiện tại, bình quân mỗi người dân Việt Nam có 11.000m3 nước/năm, đạt mức trung bình của thế giới. Nhưng theo thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, Nguyễn Thái Lai, 85% lượng nước được tập trung vào các tháng mùa mưa, các tháng còn lại lượng cung ứng nước rất thấp, tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra thường xuyên. |
Theo ông, để cứu hạn ngoài việc chờ nước từ... ông Trời, cốt yếu nhất vẫn là cách chúng ta sử dụng nguồn nước một cách tích cực?
Đúng như vậy, ở nước ngoài khi xây dựng bất kỳ cái gì vấn đề nước bao giờ cũng được tính đến. Việc mực nước sông Hồng cạn như hiện nay, BĐKH chỉ là một phần, El Nino chỉ là cái cớ bởi BĐKH vì sự thay đổi của tự nhiên có chu kỳ rất dài, câu chuyện kỹ thuật trong việc điều tiết nguồn nước tại các hồ thuỷ điện cũng phải nói tới.
Chẳng hạn tại thuỷ điện Hoà Bình, nếu đúng như thiết kế, vào mùa cạn, nước đầu nguồn xả xuống từ từ, như vậy sông không bao giờ cạn quá. Vào mùa lũ, nước được giữ lại trong hồ nên đỉnh lũ trên sông thường thấp hơn bình thường. Đảm bảo phải có 600m3/giây ngày, đêm xả nước, kể cả khi nhu cầu điện không cao vào ban đêm, thế nhưng có vẻ việc vận hành đã không được như vậy.
Nước là nguồn tài nguyên năng lượng, trăm nghề đều nhìn vào nước nên không thể chỉ phát triển thuỷ điện mà tước đoạt đi sinh thái của cộng đồng toàn lưu vực, khai thác nước phải tính song song tới an toàn khu vực.
Ông có khuyến cáo gì với người dân đang sử dụng nguồn nước đục tại các vùng khô cạn của sông Hồng?
Sống ngay cạnh các nguồn xả, sử dụng nước đục ăn uống sinh hoạt là rất nguy hiểm. Theo tôi chính quyền thành phố nên có sự quan tâm tới các “công dân xóm liều” này. Theo kinh nghiệm của các nước tại Nam Phi, Trung Mỹ… người dân dù nghèo đến đâu cũng sẵn sàng chi trả cho việc sử dụng nước sạch. Nhân dân và Nhà nước có thể cùng làm, Nhà nước mắc nước, nhân dân trả tiền nhằm giúp họ cải thiện môi trường nước.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
source
http://tintuc.timnhanh.com/xa-hoi/20100120/35A9F4B6/Song-Hong-can-Mot-phan-do-ho-thuy-dien-va-pha-rung.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét