Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Nước mặn tràn vào, người trồng lúa nuôi tôm khốn khổ



Cập nhật lúc 2:21:56 AM - 05/05/2010

nuocman1.jpg


Kinh rạch Miền Tây mùa khô hạn – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Hải Yến/Viễn Đông


Theo Ông Sáu Tánh ở Long Phú, Sóc Trăng, chưa có năm nào như năm nay. Nắng hạn gay gắt kéo dài mấy tháng liền làm cho người nuôi tôm cũng như ngư phủ các tỉnh ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Nắng nóng vào ban ngày và trời trở lạnh vào ban đêm làm tôm chết hàng loạt. Trong khi đó, nước cung cấp cho các vuông tôm cạn dần. Mực nước trên các cửa sông Tiền, sông Hậu đang xuống thấp, gây hạn hán ở nhiều địa phương, đe dọa ngành nông nghiệp. Khi triều cường, nước mặn xâm nhập qua các cửa sông tiến sâu vào nội đồng, nhiều cánh đồng lúa chết khô. Nông dân đã khổ càng thêm khổ.


nuocman2.jpg


Việc đi lại vào mùa khô trên vùng sông nước hết sức khó khăn – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Theo dự đoán thời tiết, tình trạng trên còn tiếp tục kéo dài và gay gắt cho đến hết tháng 5.

Mùa lũ năm 2009 chỉ ở mức trung bình và mùa mưa kết thúc quá sớm. Tại khu vực trồng trọt ở Nam Bộ, vào đầu tháng Giêng năm 2010, tình trạng khô hạn đã bắt đầu, khiến cho nước mặn từ Biển Đông xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 50-75 cây số tính từ cửa sông, độ mặn từ 40- 50%. Ngay cả kinh Chợ Gạo, Tiền Giang, cách cửa sông khoảng 45 cây số về phía thượng lưu, là khu vực ít khi bị nước mặn xâm nhập, thì ngày nay cũng đã bị nhiễm mặn. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất các vườn cây ăn trái ở Tiền Giang. Sông Cửa Tiểu, tại Kinh Vàm Cống (huyện Gò Công Đông), độ mặn cao nhất ở mức 25-27%. Tại An Định, độ mặn khoảng 0,5-1,5%... Còn tỉnh Bến Tre, độ mặn 4%, và nước mặn đã xâm nhập vào đất liền gần 60 cây số tính từ các cửa sông.


nuocman3.jpg


Chờ mưa!? – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Nhiều địa phương đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của nạn nhiễm mặn. Các gia đình ở 3 huyện vùng biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, đang thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt. Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào các vườn “trái cây” ở huyện Chợ Lách khiến nhiều nhà vườn lao đao khi phải đối phó với cây ăn trái bị chết, hoặc sầu riêng măng cụt đang ra bông bị héo. Riêng cây giống chỉ cần độ mặn 1%; nếu đem nước nhiễm mặn với mức độ cao hơn tưới cây giống thì cây sẽ chết.

Hiện tại, trên sông Cửa Đại, ở Bình Thắng độ mặn đo được 21,8%, Lộc Thuận 7,5%, Long Định - Phú Thuận 4%, Giao Hòa 2,7%. Trên sông Hàm Luông, ở An Thuận là 22,5%, Hưng Lễ (bên ngoài cống đập Sơn Đốc) 5,8%, Phước Long-Sơn Phú 4%, Phú Khánh 7,7%. Trên sông Cổ Chiên, Bến Trại đo được 16,2%, Hương Mỹ 4,2%, Thành Thới A 4%, Thành Thới B 3%.


nuocman4.jpg


Nhiều ao đầm khô nứt nẻ – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Mực nước trên các dòng sông tại bán đảo Cà Mau đang dần cạn kiệt. Gần 20.000 hecta ruộng lúa hè thu sớm tại Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng, và hơn 17.000 trong số 51.000 hecta đã gieo sạ đang ở trong tình trạng bị khô hạn, thiếu nước. Ngoài ra, cũng tại Bạc Liêu, toàn bộ các con kinh trong vùng nước ngọt đã có độ mặn từ 1,8 - 2,5%, nên cũng không thể bơm tưới cho lúa. Toàn vùng ngọt hóa của Bạc Liêu gần 45.000 hecta lúa đang vào vụ sản xuất, trong đó có 20.000 hecta đang trên 1 tháng tuổi rất cần nước, nay đã chết khô gần hết.


nuocman5.jpg


Cầu mưa – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Nước mặn cũng đã xâm nhập vào toàn bộ hệ thống phân ranh mặn ngọt của dự án ngọt hóa Quảng Lộ - Phụng Hiệp trước đây. Trên 2.000 hecta trồng trọt của xã Vĩnh Thanh đang bị thiếu nước trầm trọng. Nước mặn cũng đã tràn ngập các con kinh trong vùng ngọt ổn định của huyện Phước Long, trên 6.000 hecta lúa của nông dân đang cần nước tưới, nhưng không có nước để bơm lên ruộng.


nuocman6.jpg


Lúa ở Miền Tây chết hàng loạt – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Toàn bộ Miền Tây với khoảng 800.000 hecta lúa có nguy cơ bị mất trắng vì khô hạn. Nước mặn khiến cho nhà nông cũng như ngư phủ khốn đốn, mất mùa và lâm vào hoàn cảnh nợ nần chồng chất. Nhà (...) thì chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước những đập ngăn dòng của Trung Cộng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi lớn lao về môi sinh trong vùng trong những thập niên qua.

source

VienDongDaily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét