Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Việt Nam hạn hán




Martha Ann OverlandDCVOnline lược dịch


HÀ NỘI ‒ Hàng năm, ngay lúc ở cao điểm mùa khô của Việt Nam, khi nước sông Hồng thấp nhất, những tài công có tay nghề ở Hà Nội đều có thể lái những những chiếc thuyền đáy bằng qua vùng nước cạn ở đây. Nhưng năm nay, mùa hạn hán đang xảy ra trên toàn cõi Việt Nam, và nước sông đang ở mức thấp kỷ lục, sông Hồng yên lặng một cách kỳ quái. Giòng sông bình thường là một con đường nước nhộn nhịp bỗng trở thành một con sông toàn cát. Người nông dân phụ thuộc vào giòng sông để dẫn nước vào ruộng, lo lắng - như những người lái đò - nhìn những bãi cát đang lớn dần. “Nếu không có nước trong những ngày sắp tới,” nông dân Vũ Thị La, 59 tuổi, vừa gieo hạt cho vụ mùa xuân nói, “tất cả sẽ chết.”


Lòng sông Hồng (gần cầu Long Biên) rạn nứt (1/12/2009)
Nguồn: Nguyen Huy Kham / Reuters

Trên khắp Việt Nam, nhiệt độ cao và những giòng sông khô cạn đang đánh tiếng chuông báo động cùng lúc cả nước đang vật vã với thiên tai đang có thể trở thành mùa khô nước tồi tệ nhất trong hơn 100 năm. 68 cm là mực nước thấp nhất của sông Hồng từ khi người ta bắt đầu ghi lại dữ liệu từ năm 1902. Với lượng mưa hầu như không có kể từ tháng Chín, rừng miền Bắc cháy và điều kiện khô rang đang đe doạ các khu rừng ở miền Nam. Nhiệt độ nóng bức ở miền Trung đã gây ra nạn dịch côn trùng ăn gạo, gây thiệt hại hàng ngàn hecta lúa. Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia Dự báo Khí tượng- Thủy văn, âu sầu tuyên bố, “Đó là bắt đầu của tất cả mọi chuyện” (Xem hình sau khi hạn hán ở Kenya.)

Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất — và cũng là khu vực có ảnh hưởng đến nhiều nhất — là bằng sông Cửu Long ở miền Nam. Mực nước ở vựa lúa quốc gia đã xuống đến độ thấp nhất trong gần 20 năm, đe dọa trực tiếp đời sống của hàng chục triệu người phụ thuộc vào các lưu vực của giòng sông để làm nông, đánh bắt và vận tải. Vấn đề lớn nhất, tuy nhiên, không phải là nước. Đó là muối. Trong mùa khô, khi các kênh lạch khô cạn, nước biển có thể vào sâu trong nội địa trên 18 dặm (30 km). Việt Nam đã được cài đặt một loạt các cửa kinh đào để giữ lại mực nước cao, cũng như để kiểm soát lũ lụt hàng năm. Điều này đã cho phép nông dân chuyển đổi từ trồng lúa trong mùa mưa sang nuôi tôm trong vùng nước lợ vào mùa khô. Kết quả là việc sử dụng đất và năng suất cây trồng có hiệu quả cao hơn, và tăng gấp đôi thu nhập của nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1999.

Những ngày có cao năng suất có thể đã chấm dứt. Khi hạn hán tiếp tục hoành hành, ở một số nơi nước biển đã vào sâu trong đất liền đến gần 40 dặm (60 km), ông Đàm Hòa Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở Hà Nội nói. Hầu hết vụ mùa đông xuân đã thu hoạch xong, nhưng nước biển đã vào đến những nơi chưa bao giờ đến trước đây, khiến vụ lúa hè thu rơi vào cảnh nguy hiểm, ông Bình cho hay. “Chúng tôi đang cố gắng tăng cường hệ thống tưới tiêu để ngăn nước không bị mặn hơn nữa,” ông nói thêm, nhưng điều kiện khắc nghiệt đang làm tình huống trở thành “một trong những khó khăn nhất trong một trăm năm nay.”

Các dự án thuỷ điện ở bên kia biên giới Việt‒Trung thường được xem là nguyên nhân của tình trạng thiếu nước ở hạ nguồn. Đúng thế, láng giềng phương Bắc của Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh chiến dịch dựng đập ở thượng nguồn sông Cửu Long, bắt nguồn trên cao nguyên Tây Tạng và đi qua năm quốc gia khác trước khi nó đổ vào biển Đông ở miền Nam Việt Nam. Theo Ủy Ban sông Mekong, một cơ quan tư vấn khu vực, Trung Quốc đã xây dựng hoặc đang có kế hoạch xây dựng tám đập nước dọc theo sông Mekong. Các đập nước thực sự làm tăng mối quan tâm lớn về sự đảo lộn dòng trầm tích và sự di chuyển của cá, nhưng chúng cũng có thể có tác động tích cực, theo Jeremy Bird, giám đốc điều hành của Uỷ ban sông Mekong. “Những đập nước này sẽ phân phối lại lưu lượng của nước, do đó sẽ có nhiều nước cung cấp cho mùa khô.” Nhưng tại thời điểm này, tại Trung Quốc cũng đang gặp hạn hán khắc nghiệt, vì thế không có đủ nước trữ ở đập để đưa xuống hạ nguồn.

Về phía bắc, Việt Nam cũng đang bận rộn xây đập thủy điện. Gần đây chính phủ đã phát đủ nước từ các đập nước này để giúp nông dân ở đồng bằng sông Hồng trồng vụ mùa xuân. Công ty điện lực quốc doanh cho biết không còn đủ khả năng ca&’p nước vì hồ chứa ở phía bắc đang ở mức thấp nguy kịch đồng thời nhu cầu nhu cầu điện lực dự kiến sẽ phá kỷ lục vì nhiệt độ nóng bức tăng vượt bực trong tháng này. Ngay cả được lượng nước ít oi, Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc sở nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, cũng không hy vọng có được. Khí hậu nóng và nước bốc hơi chính là kẻ thù. “Ngay cả nếu tất cả đi gánh hết nước để nuôi lúa,” ông Thắng sợ rằng một phần ba số lúa trong tỉnh của ông vẫn có thể bị mất.

Ông Ian Wilderspin, Cố vấn kỹ thuật của cơ quan Quản lý Rủi ro Thiên trong Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Hà Nội nói cuộc khủng hoảng hiện nay là tiếng chuông cảnh báo cho Việt Nam. Nạn hạn hán này đã được đoán trước, Wilderspin nói, đề cập đến dự đoán hồi cuối năm cho biết El Nino sẽ mang lại một mùa đông bất thường, ấm và khô. Tuy vậy theo thói quen Việt Nam thường chuẩn bị ngừa lũ lụt và mưa bão, có tính tàn phá thảm khốc hơn khi xảy ra. “Hạn hán là một thảm họa im lìm và chậm, nhưng về lâu dài lại có tác động sâu sắc hơn đến đời sống của mọi người,” ông nói.

Và khi nào thì mới có những cơn mưa cứu khổ? Chuyên viên Khí tượng dự báo mưa sẽ đến miền Bắc trong tháng này. Nhưng những vùng khác trên cả nước có thể không thấy bất kỳ hạt mưa nào cho đến tháng Tám; Khi đó sẽ quá muộn

source
© DCVOnline




Nguồn: Vietnam Feels the Heat of a 100-Year Drought, TIME.com, by Martha Ann Overland / Hanoi

Nước sông Mekong là ‘quyền lợi quốc gia’

Sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh An Giang của Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân kêu gọi Trung Quốc chia sẻ số liệu thủy văn của sông Lancang.

Một cựu đại biểu quốc hội coi chuyện Trung Quốc mời các nước thành viên Ủy ban sông Mekong thăm đập Tiểu Loan xây đầu nguồn chỉ là hành động đối phó với dư luận quốc tế.

Theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, việc làm thực chất hơn là Trung Quốc cần chia sẻ số liệu thủy văn của sông Lancang (tên gọi sông Mekong trên lãnh thổ TQ), và chế độ vận hành các đập, để quốc gia hạ nguồn biết cách đối phó với tình trạng "mực nước thấp thất thường, dòng sông phơi đáy" thời gian gần đây.

Các nước hạ nguồn, theo ông Nguyễn Ngọc Trân hiện đang “mù tịt” về chế độ vận hành của bốn con đập dùng nước sông Mekong trên đất Trung Quốc.

Bài viết của Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XI, trên trang tuanvietnam.net ngày 14/3, nhấn mạnh đến nghĩa vụ của Trung Quốc, một quốc gia khai thác nước đầu nguồn sông Mekong.

“Trung Quốc cần cung cấp số liệu thủy văn trên sông Lancang và thông báo chế độ vận hành các đập chứ không phải mời sang tham quan một đập.

“Tình trạng mức nước sông Mekong tại các trạm thủy văn ở Lào, như ở Luang Prabang và Vientiane thấp đi rất nhiều so với trước đây đặt ra tính cấp thiết phải thông báo chế độ vận hành của 4 đập đã được xây dựng và đã đi vào hoạt động,” ông Trân, hiện là nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu, viết.

Trung Quốc cần cung cấp số liệu thủy văn trên sông Lancang và thông báo chế độ vận hành các đập chứ không phải mời sang tham quan một đập

Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân

Và nhà khoa bảng có tiếng tại Việt Nam kêu gọi Trung Quốc nghĩ đến lợi ích của các nước hạ nguồn, trong đó có Việt Nam.

“Vì sông Mekong là một con sông quốc tế, nên mọi dự án trên lãnh thổ một nước thành viên phải được thông báo và bàn bạc trên cơ sở tôn trọng lợi ích, trước tiên là môi trường, của tất cả các quốc gia trong lưu vực, trước mắt và lâu dài.”

Chuyển nước

Theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Trung Quốc có kế hoạch “đồ sộ” chuyển nước sông từ Nam lên Bắc, đưa nhiều chục tỷ khối nước từ sông Trường Giang sang sông Hoàng Hà để đưa về Bắc Kinh và Thiên Tân.

Và rất có thể nước sông Lancang (tên gọi sông Mekong trên lãnh thổ TQ) được dùng trong dự án này. Trong bối cảnh như vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Trân, các nước hạ lưu Mekong càng cần thông tin hơn về quốc gia sử dụng nước phần thượng nguồn.

Chuyện bất bình thường đang xảy ra, theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, đó là Trung Quốc tìm cách chối bỏ mọi nghĩa vụ của một nước đang khai thác nguồn nước của sông Mekong.

“Trung Quốc chỉ tham gia họp hành nếu bàn về việc chia sẻ quyền lợi,” vị giáo sư cho hay.

Hành động yêu cầu nước thượng nguồn có trách nhiệm hơn khi sử dụng nước sông Mekong, theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, chính là bảo vệ quyền lợi quốc gia của Việt Nam.

Ông coi đây là nhiệm vụ “hàng đầu” của Ủy ban quốc gia sông Mekong. Cạnh đó ông Nguyễn Ngọc Trân kêu gọi, nên có thêm điều tra, nghiên cứu, “dùng chúng như là công cụ mạnh để đàm phán, bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia.”

source

BBC Vietnamese

Khoa học - Môi trường

Thứ Tư, 17/03/2010, 08:34 (GMT+7)

Hạn và xâm nhập mặn còn kéo dài

TT (Hà Nội) - Theo bà Nguyễn Lan Châu - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sắp tới tình hình khô hạn, thiếu nước vẫn tiếp tục căng thẳng. Hiện nay, mực nước sông hồ trên cả nước đều đang ở mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.

Bà nói: “Theo quy luật, hằng năm đến giữa và cuối tháng 3 tình hình hạn hán được cải thiện, nhưng bây giờ mực nước sông hồ đang ở mức thấp nhất so với cùng kỳ trong khi nhu cầu sử dụng nước của con người nhiều hơn. Vì vậy, nếu có mưa bổ sung vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 cũng không thể bổ sung đủ lượng nước thiếu trong 6-7 tháng qua”.

Các em nhỏ người Ba Na bên vết nứt khô giữa lòng sông Krông PôKô (huyện Sa Thầy, Kon Tum) - Ảnh: Trần Thảo Nhi

Tại miền Bắc, lúc 7g sáng 16-3, mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ ở mức 0,4m, trong khi bình thường trong tháng 3 mực nước của sông này là trên 1m. Bà Châu nhận định thời gian tới các cơn mưa xuất hiện sớm và mưa bổ sung cũng không đủ bù đắp lượng nước còn thiếu, chỉ làm ướt đất, hạn chế khô hạn chứ không tạo thành dòng chảy cung cấp nước cho sông suối.

Dự báo nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn chỉ ở mức 1,5m xuống đến 0,4m. Vì vậy, phải tới giữa tháng 5 ở miền Bắc mới có thể cải thiện được tình hình thiếu nước. Còn tới thời điểm này, mực nước các hồ thủy điện ở miền Bắc vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 2 tỉ m3 nước.

Trong khi đó, tình hình khô hạn tại Tây nguyên, Nam bộ và tình trạng xâm nhập mặn hiện chưa có dấu hiệu cải thiện sớm vì các khu vực này vẫn đang là mùa khô, tháng 4 là tháng nóng nhất của Nam bộ. Hiện có những nơi thuộc vùng cửa sông Tiền đã bị xâm nhập mặn vào sâu 60-70km. Theo bà Châu, phải sang tháng 5, tháng 6 khi vào mùa mưa thì tình hình thiếu nước và xâm nhập mặn ở Nam bộ mới được cải thiện.

Sông Lam đang khô cạn

Đến ngày 16-3, nhiều đoạn thượng nguồn sông Lam (Nghệ An) chảy qua các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên đã xuống rất thấp khiến sông đang cạn dần. Đáy sông ở đoạn chảy qua huyện Thanh Chương xuất hiện bãi cát nhô cao. Tại hạ nguồn sông Lam đang bị nước mặn xâm nhập.

Sông Lam bị cạn khiến lưu thông trên sông khó khăn, tàu lớn mắc cạn hoặc không lưu thông được.

AN KHÁNH

T.PHÙNG

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=368561&ChannelID=17

Ngày 18.03.2010 Giờ 19:40

Thanh Hoá: sáu sà lan ngăn dòng sông Mã

Thanh Hoá phải dùng sáu chiếc sà lan để ngăn dòng sông Mã lấy nước tưới lúa

SGTT - Hiện nay, mực nước trên các sông chính ở Thanh Hoá là sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày đã xuống mức thấp lịch sử. Hàng chục trạm bơm ở ven các sông đã phải nối ống, đào sâu đường dẫn để bơm nước vào tưới cho đồng ruộng. Công ty thuỷ nông Nam Sông Mã phải triển khai phương án ngăn sông tại vị trí trạm bơm chính của công ty (đặt tại phố Kiểu, xã Yên Trường, huyện Yên Định), bằng việc đặt các bao tải chứa cát, kết hợp với thuê sáu sà lan (mỗi chiếc dài 40m) nối dài để ngăn ngang sông. Các khoang của sà lan chứa đầy cát để đáy sà lan chạm đáy sông… Ông Bùi Bảo Đảm, giám đốc công ty thuỷ nông Nam Sông Mã cho biết: “Nhiều ngày qua, mực nước sông Mã tại bể hút của trạm bơm này đã xuống dưới mức 3,2m (năm 1962, mực nước sông Mã ở trạm bơm này thấp ở mức lịch sử là 3,28m – PV). Nếu mực nước tại cửa bể hút của trạm bơm chính xuống dưới mức 3,2m thì trạm bơm phải dừng hoạt động. Do vậy, hiện công ty chỉ cho hai máy hoạt động, rồi thay phiên nhau, để tưới luân phiên cho hơn 13.000ha lúa chiêm xuân ở các huyện trọng điểm lúa của tỉnh là Yên Định, Thiệu Hoá, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân và Hà Trung.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hoá cho biết, tình trạng nhiễm mặn ở các huyện ven biển như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá đang rất nghiêm trọng. Nước biển đang lấn sâu vào đất liền tới 20km, gần 3.000ha lúa chiêm xuân của các huyện này đang thiếu nước tưới trầm trọng. Năm nay, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ chi khoảng 77 tỉ đồng cho việc chống hạn. Theo dự báo của ngành nông nghiệp Thanh Hoá, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn kéo dài, nguồn nước tưới từ các dòng sông bị cạn kiệt, không thể bơm vào đồng ruộng được, thì vụ chiêm xuân năm 2010 này, toàn tỉnh sẽ bị mất trắng khoảng 30.000ha lúa.

tin ảnh An Bình

source

http://sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=64377&fld=HTMG/2010/0318/64377

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét