Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

“Thần đèn” mới xuất ngoại “cứu” nhà


Thứ Tư, 24/02/2010 - 07:35


Người xử lý thành công việc chống nghiêng, chống lún tòa nhà hoành tráng Pho De Paris ở Campuchia nặng hơn 4.200 tấn để đưa vào sử dụng ngày 29/11 vừa qua chính là “thần đèn” mới Nguyễn Văn Cư.


Tòa nhà Pho De Paris được "cứu" nhờ thần đèn Nguyễn Văn Cư
Chân dung “Thần đèn” mới

Gặp nhau tại một quán ăn nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM vào ngày gần kề cuối năm, Nguyễn Văn Cư vẫn còn khá bận rộn. Hiện ông đang gấp rút nâng cấp một tòa nhà ở quận 6 cho chủ nhà kịp ăn Tết âm lịch. Xong cái này nữa là 40 công trình.

Ông là dân Huế chính thống và cũng từng là sinh viên luật của đại học văn khoa Huế. Và hoàn toàn do số phận, một sinh viên trường Luật như ông lại đến với công việc thuần về tính toán, xây dựng.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Cư vào Nam làm việc cho một trong những nhân vật nổi danh ở TPHCM trong lĩnh vực xây dựng, di dời, chống nghiêng, chống lún. Công việc lúc này của ông không phải làm về chuyên môn mà là phụ trách về nhân sự.

Trong thời gian này, ông Cư cũng có nhiều lần đi thị sát tại công trường, dần dần quen với cách thức và kỹ thuật di dời, chống lún, chống nghiêng của chủ.

Theo quan sát của ông, có những công trình có thể áp dụng kỹ thuật mới để đưa đến hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, do không phải là dân chuyên môn nên ông không được góp ý. Từ những ghi nhận xét, ông bắt đầu hình dung ra những kỹ thuật để áp dụng vào công trình một cách khoa học sau này.

Tháng 9/2004, ông Nguyễn Văn Cư "ra riêng" thành lập Công ty TNHH-TM-DV Ánh Kim tại quận Bình Tân, TP.HCM để áp dụng những kỹ thuật tự phát minh của mình vào việc chống nghiêng, chống ngập. Thời điểm đó, ở Q.6 có 3 căn nhà liên kế trên đường số 11, P.11 được xem là nghiêng nhất ở khu vực Bình Phú.

Chủ nhà vốn là người trong ngành xây dựng mà lại xây nhà bị nghiêng nên rất ấm ức. Biết được thông tin qua báo chí lúc đó cũng đã phải lên tiếng về độ nghiêng kinh khủng của 3 căn nhà này.

Ông Cư đến gặp trực tiếp chủ nhà, đề nghị cho ông xử lý. Hợp đồng được ký kết. Bắt tay vào việc, ông Cư cho công nhân đào phá nền nhà, đục móng ép cọc, đổ bê tông gia cố móng. Đến lúc cắt cột để chỉnh ngay và nâng nhà lên thì phát hiện 3 căn này đã dính chặt với nhau. Thường thì thợ chỉ cần đục vài lần là các căn nhà tự động tách ra, nhưng 3 căn này dính nhau như sam.

Thức trắng vài đêm suy nghĩ, ông chỉ huy công nhân vừa tách vừa nâng, cuối cùng 3 căn nhà cũng chịu rời ra, ông cắt móng, ép cọc, đổ bê tông, cân chỉnh 3 căn nhà đứng thẳng.

Một lần khác, căn nhà mà ông Cư nhận "điều trị" chỉ mới xây được vài năm nhưng do thi công ẩu, thiết kế không phù hợp nên toàn bộ hệ thống đà ngang, đà dọc đều nứt gãy, 10 cột nhà tầng trệt bị nứt, khi đào xuống thì hệ thống cột dầm bị xoay bung thép.

Công trình đó ông phải mất 3 tháng để đào xuống ép lại cọc, gia cường lại hệ thống đà ngang, đổ lại cột, tân trang căn nhà như mới. Đáng nói nhất là công trình nâng khối 6 căn nhà liên kế 4 tấm, nặng đúng 3.000 tấn lên cao 1m ở ấp 2, xã Bình Hưng, Bình Chánh.

Khối nhà này lại được xây hết sức kiên cố, liền đà, liền cột, nâng cả khối nhà là một điều rất khó. Nhưng ông Cư chỉ mất khoảng 3 tháng để nâng khối nhà lên.

"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư

Uy tín vang xa

Tòa nhà Pho De Paris mang kiến trúc của một khách sạn, nhà hàng khá hoành tráng với quy mô 1 trệt, 1 lửng, 3 lầu rộng lớn của Campuchia (nằm đối diện với sòng bài Le Macau lâu năm, tỉnh Pavet, Campuchia, giáp ranh với cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh) đã được chủ sở hữu tính đập bỏ do sự cố nứt lún.

Tuy nhiên, khi nghe được tiếng tăm của "thần đèn" Việt Nam, phương án nâng nền, chỉnh sửa lại được chủ nhân tính đến và đại diện chủ nhân của nó đã sang Việt Nam mời thần đèn Nguyễn Văn Cư xuất ngoại sửa chữa.

Sau 5 lần sang Campuchia thị sát tòa nhà, Nguyễn Văn Cư đồng ý nhận công trình nặng hơn 4.200 tấn này, điều đáng nói là ông Cư chỉ mang sang khoảng 10 công nhân Việt Nam, còn lại là thuê người Campuchia.

Công trình hoàn thành, nhiều quan chức của Bộ Xây dựng Campuchia đến quan sát, ông chủ khách sạn đến xem công trình cũng yên tâm và hài lòng. Thứ nhất là họ tiết kiệm một khoản tiền khá lớn nếu so với chi phí đập bỏ xây mới. Thứ hai là thời gian nâng nhà chỉ mất khoảng 5 tháng, trong khi thời gian xây mới phải mất hơn 2 năm.

Làm nghề này phải có đam mê và cần một chút "tâm linh", nếu cứ cho rằng bất cứ ai giỏi nghề đều có thể dời nhà được thì lắm người đã giàu sụ, ông Cư tâm sự. Điều ông tự hào là không chỉ công trình trong nước mà cả nước ngoài của ông thi công cho đến giờ chưa nhận được bất cứ lời phàn nàn nào về dịch vụ.

Theo Lê Việt Nhân

Bee.net

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-380512/than-den-moi-xuat-ngoai-cuu-nha.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét