Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Tiết lộ sứ quán mới 1 tỷ USD của Mỹ tại London


Thứ Sáu, 26/02/2010 - 06:56


(Dân trí) - Một công ty kiến trúc tại Philadelphia đã giành chiến thắng trong cuộc thi nhằm thiết kế đại sứ quán mới, an ninh cao của Mỹ tại London, Anh. Công trình được mệnh danh là xanh nhất và cũng là một trong những toà nhà ngoại giao đắt đỏ nhất của Mỹ trên thế giới.
Hình mô phỏng đại sứ quán mới của Mỹ tại Anh trong tương lai.
Hãng Kieran Timberlake đã đánh bại 3 công ty kiến trúc khác với bản thiết kế toà nhà 12 tầng bao quanh là các “hàng rào” thiên nhiên như các bãi cỏ, rặng cây và một hồ nước.

Mỹ sẽ bán toà nhà ngoại giao lâu năm tại quận Mayfair ở trung tâm London và chuyến tới toà đại sứ quán mới ở bên bờ nam sông Thames.

James Timberlake, đại diện của hãng Timberlake, cho hay toà nhà được thiết kế mở và thân thiện với môi trường. Đây sẽ là toà nhà kính - khác xa với những toà nhà hình hộp bê tông kiên cố thường thấy của nhiều đại sứ quán Mỹ.

Ông Timberlake cho hay phong cảnh xung quanh toà nhà có thể bảo vệ công trình giống như con hào của lâu đài. “Chúng tôi coi phong cảnh như một thiết bị an ninh”.

Adam Namm, quyền giám đốc Cục giám sát các dự án xây dựng ở nước ngoài, cho biết công trình có chi phí vào khoảng 1 tỷ USD và “là một trong những đại sứ quán đắt nhất mà chúng tôi từng xây dựng”.

Ông Timberlake nói thêm, đại sứ quán rộng 45.000m2 cũng sẽ là một trong những công trình xanh nhất. Nội thất của toà nhà được lắp đặt các vật liệu hấp thụ năng lượng, trần nhà là các tấm thu năng lượng mặt trời và toà nhà cũng hứng và trữ lượng nước mưa dồi dào của London để sử dụng.

Hãng Kieran Timberlake từng thiết kế nhiều công trình như toà chung cư Atwater Commons ở Đại học Middlebury tại Vermont hay Sculpture Building ở đại học Yale. Công ty này luôn tự hào về các công trình bền vững và đi tiên phong trong các kỹ thuật đúc sẵn.

Các quan chức cho hay, việc thi công toà đại sứ mới sẽ bắt đầu năm 2013 và công trình dự kiến hoàn thành năm 2017.

Bộ ngoại giao Mỹ đã tăng cường an ninh tại các đại sứ quán trên khắp thế giới kể từ vụ đánh bom nhằm vào các toà nhà của Mỹ ở Kenya và Tanzania và thường xuyên bị chỉ trích vì những toà nhà giống pháo đài tẻ nhạt.

Theo luật, hãng thiết kế chính các đại sứ quán Mỹ phải là một công ty của Mỹ nhưng công ty này được phép đưa vào các đối tác địa phương.

Năm ngoái, Bộ ngoại giao Mỹ đã công bố một thoả thuận nhằm bán đại sứ quán Mỹ ở Anh hiện thời - toà nhà bằng bê tông và kính do kiến trúc sư Eero Saarinen thiết kế - cho một công ty đầu tư bất động sản thuộc sở hữu của chính phủ Qatar.

Động thái trên sẽ chấm dứt sự hiện diện của người Mỹ trên quảng trường Grosvenor ở London vốn có từ cuối thế kỷ 18, khi tổng thống tương lai John Adams là đại diện ngoại giao Mỹ đầu tiên tới Anh. Tướng Dwight D. Eisenhower của Mỹ đã đặt trụ sở tại quảng trường Grosvenor trong Thế chiến 2, khi đó khu vực này mang biệt danh là “Nước Mỹ nhỏ”.

Đại sứ quán mới sẽ đặt ở khu vực Nine Elms của quận Wandsworth nằm bên bờ nam sông Thames - quận đang chuyển mình từ một vùng bị bỏ hoang sang khu vực hiện đại, giàu có. Cạnh toà đại sứ mới sẽ là các tuyến đường sắt, các dự án nhà ở công cộng, chợ rau quả.
Toà nhà sẽ cao 12 tầng.


Mô phỏng sảnh chính.

Quán cà phê.


Toà đại sứ nhìn từ phía đông.

Công viên của đại sứ quán.

An Bình
Theo AP

source

http://dantri.com.vn/c36/s36-380922/tiet-lo-su-quan-moi-1-ty-usd-cua-my-tai-london.htm

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

“Thần đèn” mới xuất ngoại “cứu” nhà


Thứ Tư, 24/02/2010 - 07:35


Người xử lý thành công việc chống nghiêng, chống lún tòa nhà hoành tráng Pho De Paris ở Campuchia nặng hơn 4.200 tấn để đưa vào sử dụng ngày 29/11 vừa qua chính là “thần đèn” mới Nguyễn Văn Cư.


Tòa nhà Pho De Paris được "cứu" nhờ thần đèn Nguyễn Văn Cư
Chân dung “Thần đèn” mới

Gặp nhau tại một quán ăn nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM vào ngày gần kề cuối năm, Nguyễn Văn Cư vẫn còn khá bận rộn. Hiện ông đang gấp rút nâng cấp một tòa nhà ở quận 6 cho chủ nhà kịp ăn Tết âm lịch. Xong cái này nữa là 40 công trình.

Ông là dân Huế chính thống và cũng từng là sinh viên luật của đại học văn khoa Huế. Và hoàn toàn do số phận, một sinh viên trường Luật như ông lại đến với công việc thuần về tính toán, xây dựng.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Cư vào Nam làm việc cho một trong những nhân vật nổi danh ở TPHCM trong lĩnh vực xây dựng, di dời, chống nghiêng, chống lún. Công việc lúc này của ông không phải làm về chuyên môn mà là phụ trách về nhân sự.

Trong thời gian này, ông Cư cũng có nhiều lần đi thị sát tại công trường, dần dần quen với cách thức và kỹ thuật di dời, chống lún, chống nghiêng của chủ.

Theo quan sát của ông, có những công trình có thể áp dụng kỹ thuật mới để đưa đến hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, do không phải là dân chuyên môn nên ông không được góp ý. Từ những ghi nhận xét, ông bắt đầu hình dung ra những kỹ thuật để áp dụng vào công trình một cách khoa học sau này.

Tháng 9/2004, ông Nguyễn Văn Cư "ra riêng" thành lập Công ty TNHH-TM-DV Ánh Kim tại quận Bình Tân, TP.HCM để áp dụng những kỹ thuật tự phát minh của mình vào việc chống nghiêng, chống ngập. Thời điểm đó, ở Q.6 có 3 căn nhà liên kế trên đường số 11, P.11 được xem là nghiêng nhất ở khu vực Bình Phú.

Chủ nhà vốn là người trong ngành xây dựng mà lại xây nhà bị nghiêng nên rất ấm ức. Biết được thông tin qua báo chí lúc đó cũng đã phải lên tiếng về độ nghiêng kinh khủng của 3 căn nhà này.

Ông Cư đến gặp trực tiếp chủ nhà, đề nghị cho ông xử lý. Hợp đồng được ký kết. Bắt tay vào việc, ông Cư cho công nhân đào phá nền nhà, đục móng ép cọc, đổ bê tông gia cố móng. Đến lúc cắt cột để chỉnh ngay và nâng nhà lên thì phát hiện 3 căn này đã dính chặt với nhau. Thường thì thợ chỉ cần đục vài lần là các căn nhà tự động tách ra, nhưng 3 căn này dính nhau như sam.

Thức trắng vài đêm suy nghĩ, ông chỉ huy công nhân vừa tách vừa nâng, cuối cùng 3 căn nhà cũng chịu rời ra, ông cắt móng, ép cọc, đổ bê tông, cân chỉnh 3 căn nhà đứng thẳng.

Một lần khác, căn nhà mà ông Cư nhận "điều trị" chỉ mới xây được vài năm nhưng do thi công ẩu, thiết kế không phù hợp nên toàn bộ hệ thống đà ngang, đà dọc đều nứt gãy, 10 cột nhà tầng trệt bị nứt, khi đào xuống thì hệ thống cột dầm bị xoay bung thép.

Công trình đó ông phải mất 3 tháng để đào xuống ép lại cọc, gia cường lại hệ thống đà ngang, đổ lại cột, tân trang căn nhà như mới. Đáng nói nhất là công trình nâng khối 6 căn nhà liên kế 4 tấm, nặng đúng 3.000 tấn lên cao 1m ở ấp 2, xã Bình Hưng, Bình Chánh.

Khối nhà này lại được xây hết sức kiên cố, liền đà, liền cột, nâng cả khối nhà là một điều rất khó. Nhưng ông Cư chỉ mất khoảng 3 tháng để nâng khối nhà lên.

"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư

Uy tín vang xa

Tòa nhà Pho De Paris mang kiến trúc của một khách sạn, nhà hàng khá hoành tráng với quy mô 1 trệt, 1 lửng, 3 lầu rộng lớn của Campuchia (nằm đối diện với sòng bài Le Macau lâu năm, tỉnh Pavet, Campuchia, giáp ranh với cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh) đã được chủ sở hữu tính đập bỏ do sự cố nứt lún.

Tuy nhiên, khi nghe được tiếng tăm của "thần đèn" Việt Nam, phương án nâng nền, chỉnh sửa lại được chủ nhân tính đến và đại diện chủ nhân của nó đã sang Việt Nam mời thần đèn Nguyễn Văn Cư xuất ngoại sửa chữa.

Sau 5 lần sang Campuchia thị sát tòa nhà, Nguyễn Văn Cư đồng ý nhận công trình nặng hơn 4.200 tấn này, điều đáng nói là ông Cư chỉ mang sang khoảng 10 công nhân Việt Nam, còn lại là thuê người Campuchia.

Công trình hoàn thành, nhiều quan chức của Bộ Xây dựng Campuchia đến quan sát, ông chủ khách sạn đến xem công trình cũng yên tâm và hài lòng. Thứ nhất là họ tiết kiệm một khoản tiền khá lớn nếu so với chi phí đập bỏ xây mới. Thứ hai là thời gian nâng nhà chỉ mất khoảng 5 tháng, trong khi thời gian xây mới phải mất hơn 2 năm.

Làm nghề này phải có đam mê và cần một chút "tâm linh", nếu cứ cho rằng bất cứ ai giỏi nghề đều có thể dời nhà được thì lắm người đã giàu sụ, ông Cư tâm sự. Điều ông tự hào là không chỉ công trình trong nước mà cả nước ngoài của ông thi công cho đến giờ chưa nhận được bất cứ lời phàn nàn nào về dịch vụ.

Theo Lê Việt Nhân

Bee.net

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-380512/than-den-moi-xuat-ngoai-cuu-nha.htm

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

'Lạc lối' trên đường cao tốc 'xịn' nhất Việt Nam


- Nhiều chủ phương tiện giao thông đã rất lúng túng khi tham gia lưu thông trên đoạn đường cao tốc "xịn" nhất Việt Nam.

Xe vô tư quay đầu giữa đường

Từ 9h sáng ngày 3/2, đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam từ TP.HCM - Trung Lương dài 39,8km tạm thời thông xe nhằm giải tỏa ùn tắc dịp Tết Nguyên Đán trên Quốc lộ 1A. Theo đó, từ TP.HCM đi Trung Lương (Tiền Giang) chỉ mất khoảng 40 phút so với 1 tiếng rưỡi đồng hồ như trước chưa kể kẹt xe triền miên ở quốc lộ 1A.

Thế nên khoảng 8h sáng ngày 3/2 đã có khoảng vài chục xe ôtô chờ ở phía nút giao Thân Cửu Nghĩa, Tiền Giang chuẩn bị lưu thông vào đường cao tốc.

Ngay sau khi thông xe, các phương tiện ôtô chỉ được phép ra vào đường cao tốc ở 4 nút giao Chợ Đệm, Bến Lức, Tân An và Thân Cửu Nghĩa.

CSGT hướng dẫn các phương tiện xe gắn máy tìm hướng đi khác vì đường cao tốc cấm xe gắn máy. Ảnh: Thái Phương

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại 2 nút giao bắt đầu vào đường cao tốc là Chợ Đệm và Thân Cửu Nghĩa đều có lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông điều tiết, hướng dẫn các phương tiện xe gắn máy quay đầu, tìm hướng đi khác… Đồng thời, ở các đoạn trên tuyến cao tốc giao với đường dân sinh đều có người hướng dẫn người dân đi xe gắn máy, xe đạp không đi vào. Tuy nhiên, hành lang an toàn được dựng bằng lưới thép B40 ngăn không cho người đi xe đạp, đi bộ và súc vật nhiều chỗ chưa hoàn thiện… Thậm chí, khi đến đoạn giao với cầu vượt Thủ Thừa, Long An, một chiếc xe ô tô 4 chỗ… vô tư quay đầu xe giữa đường, chạy ngược chiều nhưng may mắn không gặp lực lượng tuần tra.

Dù cho xe lưu thông nhưng một số hệ thống biển báo hiệu, đèn chiếu sáng chỉ mới lắp xong ở một vài đoạn. Nhiều tài xế tỏ ra e ngại ở những khúc cua trên tuyến cao tốc khi chạy với tốc độ cao ban đêm nhưng chưa có đèn đường…

Ông Nguyễn Huy Thao, Giám đốc Trung tâm quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho biết, đây là đường cao tốc đúng nghĩa đầu tiên của Việt Nam đưa vào sử dụng. Vì thế, trong quá trình tuyến cao tốc được khai thác, quản lý sẽ điều chỉnh những điểm bất hợp lý…

Còn 15 hạng mục đường cao tốc đang thi công

Theo PMU Mỹ Thuận tới thời điểm này, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vẫn còn 15 hạng mục đang tiếp tục thi công. Việc thông xe tạm thời tuyến cao tốc nhằm giải tỏa áp lực cho tuyến quốc lộ 1A, nhất là dịp Tết Nguyên Đán nên nhiều hạng mục chưa hoàn thành kịp là điều không tránh khỏi.

Trong đó, trung tâm điều khiển giao thông thông minh sẽ hoàn thành vào tháng 2/2010; tiếp tục hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông, rào chắn, hàng lang an toàn đường cao tốc, các tuyến đường kết nối…

Về các hệ thống biển báo, rào chắn, hàng lang an toàn chưa được lắp hoàn thiện, ông Thao cho biết phía Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) đã phối hợp với lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông các tỉnh bố trí người trực gác ở các chốt chặn, các đường dân sinh đảm bảo các phương tiện bị cấm không đi vào đường cao tốc.

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến cao tốc đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào sử dụng nên sẽ có điều chỉnh dần dần trong quản lý, khai thác cho hợp lý, ông Thao cho biết. Ảnh: Thái Phương

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bến Lức dọc theo tuyến cao tốc cũng được xây dựng trung tâm cứu hộ, cứu thương… tuần tra, cấp cứu các trường hợp xảy ra sự cố 24/24h.

Cách 2km sẽ có bảng thông báo số điện thoại khẩn để người đi đường gọi khi gặp sự cố. Trong sáng nay có 2 sự cố xảy ra là xe 4 chỗ bị nổ lốp tại km24 và xe 4 chỗ dừng giữa đường để… tham quan. Theo quy định, đường cao tốc cấm dừng đậu dọc đường trừ khi có trường hợp khẩn cấp nên người tham gia giao thông không nên dừng lại… ngắm cảnh nhằm đảm bảo ATGT, ông Thao cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Đội phó Đội tuần tra số 1, CSGT tỉnh Tiền Giang cho biết, ban đầu, lực lượng CSGT sẽ nhắc nhở, hướng dẫn các trường hợp xe vi phạm là chính… Đồng thời, sẽ phối hợp, cử người trực gác, chốt chặn 24/24h ở các nút giao, đảm bảo giao thông an toàn trong thời gian thông xe tạm thời.

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho phép xe ôtô lưu thông ở 2 chiều riêng biệt với vận tốc tối đa 100km/h và tối thiểu 60km/h ở làn cạnh dải phân cách giữa. Lưu thông với tốc độ tối đa 80/h và tối thiểu 50km/h ở làn giữa. Các loại phương tiện có thiết kế nhỏ hơn 70km/h, cấm xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ, xe mô tô 2-3 bánh. Tuyến cao tốc là một phần của đường cao tốc TP HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài 61,9km gồm hai hệ thống đường cao tốc (39,8km) và tuyến đường nối (22,1km). Điểm đầu là nút giao thông Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP HCM) và điểm cuối là nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Tuyến cao tốc được thiết kế với vận tốc 120km/h, với 8 làn xe. Tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng.

Cận cảnh đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam:

Đường cao tốc bắt đầu từ nút giao Chợ Đệm đến nút giao Thân Cửu Nghĩa dài 39,8km thuộc tuyến đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ. Các loại phương tiện như xe thô sơ, xe gắn máy, máy kéo, súc vật, người đi bộ đều bị cấm lưu thông. Ảnh: Thái Phương

Một số đoạn chia thành 2 tuyến tách biệt chạy song song với 4 làn xe lưu thông. Ảnh: Thái Phương

Thậm chí một số hộ dân còn tranh thủ thả... vịt ở giữa hàng rào lưới B40 và hành lang an toàn đường cao tốc. Ảnh: Thái Phương

Hệ thống chiếu sáng cũng chưa đồng bộ ở một số nơi. Ảnh: Thái Phương

Chiếc xe 4 chỗ màu xanh này vô tư chạy ngược chiều sau khi quay đầu xe giữa đường, nhưng may mắn không gặp lực lượng tuần tra. Ảnh: Thái Phương

Cách 2km sẽ có một bảng thông tin số điện thoại khẩn cấp khi người đi đường gặp sự cố. Ảnh: Thái Phương

Lực lượng xe cứu hộ luôn túc trực 24/24h đảm bảo khi có sự cố xảy ra trong vòng 20 phút sẽ có đội cứu hộ tới. Ảnh: Thái Phương

  • Thái Phương
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201002/Lac-loi-tren-duong-cao-toc-xin-nhat-Viet-Nam-892992/
  • Cập nhật lúc 18:37, Thứ Tư, 03/02/2010 (GMT+7)

Chính trị - Xã hội

Thứ Bảy, 06/02/2010, 08:01 (GMT+7)

Nổ vỏ xe trên đường cao tốc

TT - Hàng chục vụ nổ vỏ (lốp) xe và chết máy đã xảy ra trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau ba ngày thông xe. Cánh lái xe nói do lớp nhựa nhám trên đường cao tốc nhưng cán bộ ngành giao thông giải thích do vỏ cũ, máy cũ.

Lúc 17g ngày 5-2, xe tải này bị lật ngay khúc cua tại km49 đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua tỉnh Tiền Giang. Theo cảnh sát giao thông trạm đường cao tốc Trung Lương, đây là tai nạn giao thông đầu tiên trên tuyến đường này. Tài xế đang lượm giấy tờ xe để trình cảnh sát giao thông - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Sau ba ngày thông xe, có 40.000 lượt xe (chiếm khoảng 80% số lượng xe) lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Tuy nhiên đã xảy ra hàng chục vụ xe nổ vỏ (lốp) và chết máy.

Bắt đầu vào đường cao tốc, chiếc xe 29 chỗ chở chúng tôi cũng tăng tốc lên 80km/giờ, 100km/giờ và có lúc kim đồng hồ trên xe nhảy lên đến 130km/giờ. Thế nhưng vẫn có những chiếc xe du lịch chạy ở làn đường bên vượt qua xe chúng tôi. Đường cao tốc có đến gần 15km cầu cạn và cầu Tân An, cầu Bến Lức nên có những lúc xe như “lên đèo, xuống dốc” mà mọi người đều cảm thấy xe chạy rất êm.

Xem lại chất lượng xăng dầu

Ông Trịnh Đức Chinh cho rằng sắp tới cũng cần xem xét lại chất lượng nhiên liệu đối với xe chạy trên đường cao tốc, vừa qua việc kiểm soát nhập nhiên liệu sử dụng cho xe chỉ mới chú ý đến việc không nhập khẩu xăng pha chì.

Hàng chục vụ nổ vỏ xe và chết máy

Đến gần nút giao thông Tân An, trước mắt chúng tôi là một chiếc ôtô con đậu bên làn đường dừng xe khẩn cấp và có vài người loay hoay tháo bánh xe. Trên đường từ Trung Lương về TP.HCM, chúng tôi lại bắt gặp mấy người đang loay hoay tháo vỏ một chiếc xe tải nằm trên làn đường dừng xe khẩn cấp. Tìm hiểu sự việc thì được biết trên đường cao tốc vừa đưa vào lưu thông này có khá nhiều vụ xe nổ vỏ như vậy.

Theo Trung tâm Quản lý đường cao tốc, ngày 3-2 đã xảy ra sáu vụ, ngày 4-2 xảy ra 12 vụ nổ vỏ xe và chết máy trên đường cao tốc. Các xe gặp sự cố gồm cả xe con, xe chở khách và xe tải. Riêng ngày 5-2, tính đến 17g đã xảy ra chín vụ xe chở khách chết máy trên đường cao tốc. Ông Nguyễn Huy Thao, giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc, cho biết hầu hết trường hợp bị nổ vỏ xe hoặc chết máy là loại xe chở khách, xe tải đời cũ.

Do vỏ cũ, máy cũ

Xe bảy chỗ bị bể vỏ trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua Long An (ảnh chụp chiều 5-2) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Theo một cán bộ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đường cao tốc được trải lớp nhựa đặc biệt dày 2,2cm chống trơn trượt, giúp xe chạy với tốc độ trên 100km/giờ khi thắng gấp thì vỏ xe bám mặt đường và xe không bị lật như trên đường trải nhựa bình thường.

Ông Nguyễn Xuân Hải - giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-04V - cho rằng nguyên nhân không phải do lớp nhựa nhám trên đường cao tốc làm mòn vỏ xe gây nổ vỏ như ý kiến của nhiều lái xe. Ông Hải phân tích: vỏ xe bị nổ là do chủ xe sử dụng vỏ đã mòn quá giới hạn cho phép, sử dụng vỏ xe đắp lại hoặc do bơm ruột xe căng quá nên khi chạy với tốc độ cao thì vỏ xe ma sát và nóng lên dẫn đến nổ vỏ. Riêng các xe tải chở hàng quá tải chạy với tốc độ cao sẽ làm áp lực tăng lên vỏ xe rất lớn so với khả năng chịu tải của vỏ xe nên dễ làm nổ vỏ.

Về sự cố xe chết máy trên đường, ông Nguyễn Xuân Hải khẳng định nguyên nhân chủ yếu do một số chi tiết máy đã bị hỏng, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đối với xe chạy tốc độ cao. Đồng tình với ý kiến này, ông Trịnh Đức Chinh - cục phó Cục Đăng kiểm VN - nói những xe có động cơ đạt chất lượng tốt mới bảo đảm yêu cầu chạy trên đường cao tốc.

Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm ra sao trước tình trạng nhiều xe nổ vỏ và chết máy trên đường cao tốc? Ông Trịnh Đức Chinh cho biết đây là những vấn đề về kỹ thuật và có liên quan đến trách nhiệm của ngành đăng kiểm. Sau đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, sắp tới trong nước sẽ có thêm nhiều đường cao tốc đòi hỏi xe đảm bảo tiêu chuẩn tốt nhất mới lưu thông được. Vấn đề đặt ra đối với ngành đăng kiểm là phải tăng cường kiểm định nghiêm ngặt hơn nữa.

Ông Trịnh Đức Chinh cũng cảnh báo nhiều chủ xe trước khi vào đăng kiểm gắn vỏ xe tốt nhưng sau khi đăng kiểm lại thay vỏ cũ để tiết kiệm sẽ không thể đảm bảo yêu cầu đi trên đường cao tốc. Theo ông Chinh, một số chủ xe tận dụng máy cũ để lưu thông trên đường bình thường, nhưng lúc lưu thông trên đường cao tốc mới bộc lộ máy đã hư hỏng nặng, không đảm bảo chạy với tốc độ cao.

Xe tải bị hỏng trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua Long An, được xe cứu hộ kéo về trạm (ảnh chụp chiều 5-2) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Xe tải mang biển số 65 K 52 - 43 bị lật ngay khúc cua khá gắt tại KM 49 đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua tỉnh Tiền Giang- Ảnh : Hoàng Thạch Vân

Gặp sự cố phải báo cứu hộ

Ông Nguyễn Huy Thao cho biết theo quy định không cho phép lái xe thay vỏ hoặc sửa chữa xe trên đường cao tốc, tất cả các xe bị sự cố đều phải do xe cẩu cứu hộ kéo ra khỏi đường cao tốc. Trong thời gian đầu, các xe cứu hộ chưa tính chi phí cẩu các loại xe bị sự cố trên đường cao tốc. Trung tâm Quản lý đường cao tốc đã bố trí lực lượng xe cứu hộ và y tế cấp cứu túc trực 24/24 giờ trên đường cao tốc tại Bến Lức.

Ngay sau khi nhận được điện thoại cấp cứu, lực lượng cứu hộ sẽ có mặt tại hiện trường chậm nhất là 20 phút để xử lý tai nạn. Khi gặp tai nạn, mọi người cần điện thoại khẩn cấp đến số 0733936274 hoặc trung tâm cứu hộ số 0909123123.

Theo ông Nguyễn Huy Thao, việc lưu thông trên đường cao tốc khác với đường bình thường. Xe lưu thông trên đường cao tốc phải chạy theo tốc độ trên từng làn xe. Cụ thể, tất cả các loại xe tải, xe khách hoặc xe con nếu chạy trên làn sát dải phân cách thì phải chạy với tốc độ tối đa 100km/giờ, tối thiểu 60km/giờ. Xe chạy cạnh làn dừng xe khẩn cấp - nghĩa là chạy ở làn giữa đường - phải chạy với tốc độ tối đa 80km/giờ, tối thiểu 50km/giờ.

Tại sao không cho xe chạy với tốc độ thiết kế 120km/giờ? Ông Nguyễn Huy Thao giải thích: trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương còn đang thi công 15 hạng mục và dự kiến đến tháng 2-2011 mới hoàn thành toàn bộ tuyến đường. Đường cao tốc này mới thông xe tạm nên chưa cho xe chạy đúng tốc độ thiết kế. Khi nào hoàn thành hệ thống quản lý giao thông thông minh sẽ cho xe chạy 120km/giờ.

Tai nạn đầu tiên trên đường cao tốc

Theo Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lúc 16g40 ngày 5-2, một chiếc xe tải hướng từ TP.HCM về Tiền Giang đã va vào làn tôn chắn bên vệ đường và bị lật ở giữa làn đường cao tốc tại km49. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, chiếc xe này có sức chở 5 tấn nhưng đã chở đến 8 tấn hàng, nguyên nhân xe bị lật là do lái xe lạc tay lái.

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương phải tạm dừng lưu thông vài chục phút vì các xe cứu hộ mất nhiều thời gian để kéo chiếc xe tải chở hàng quá nặng này ra khỏi đường cao tốc. Không có thương vong trong vụ tai nạn.

Chiều qua, ngoài tai nạn giao thông nói trên, chúng tôi còn chứng kiến gần 10 vụ xe bị hư hỏng, nổ vỏ phải nhờ đến lực lượng xe cứu hộ đến kéo về trạm cứu hộ tuyến đường cao tốc. Do một số đoạn hàng rào bảo vệ an toàn tuyến đường cao tốc thi công không kịp tiến độ nên xảy ra tình trạng người dân địa phương cùng đàn bò vào cả khu vực cấm trên đường cao tốc. CSGT trạm An Lạc (TP.HCM) còn cho biết mỗi ngày lực lượng CSGT và bảo vệ tuyến đường phải nhắc nhở hàng trăm xe máy chạy vào tuyến đường này.

N.Ẩn - H.T.Vân

NGỌC ẨN

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=362873&ChannelID=3