Các nhà máy ở phía nam Trung Quốc đang đầu độc châu thổ sông Châu Giang, nơi tập trung sản xuất gần 1/3 số hàng xuất khẩu của nước này, tổ chức Hoà bình Xanh cho biết trong một báo cáo hôm 28/10.
Một đoạn sông Châu Giang bị rác phủ kín (ảnh Getty Images)
Nhóm môi trường trên cho biết, họ đã phân tích 25 mẫu nước thải lấy từ một số khu vực công nghiệp và tìm thấy nhiều loại hoá chất nguy hiểm, gồm kim loại nặng liên quan tới những thương tổn về não.
"Điều đáng phiền lòng ở đây là, một khi nó được thải ra, hầu như không thể dọn những chất nguy hiểm đó khỏi môi trường", Kevin Brigden, một nhà khoa học của Hoà bình Xanh cho hay.
Châu Giang, con sông dài thứ 3 ở Trung Quốc, và những vùng lân cận sẽ phải hứng chịu những tổn hại lớn nếu chính phủ Trung Quốc không áp đặt các quy định nghiêm khắc về môi trường lên trung tâm sản xuất này, tổ chức Hoà bình Xanh cho hay.
Các công ty địa phương nên cắt giảm sử dụng hoá chất nguy hiểm, báo cáo của tổ chức môi trường trên đề xuất. Các sản phẩm "Made in China" mà người tiêu dùng toàn cầu đang dùng được sản xuất với chi phí khá cao đối với sông Châu Giang, Edward Chan, quản lý của Hoà bình Xanh tại Trung Quốc nhận xét.
"Nếu kết quả những mẫu thử của chúng tôi là chỉ dẫn về những gì mà các nhà máy nói chung đang làm ở Trung Quốc thì nguồn nước ở quốc gia này đang gặp rắc rối lớn".
Tổ hợp văn phòng La Defense - bản giao hưởng của sắc màu
Kiến trúc & Đời sống - La Defense nổi bật với một cuộc trình diễn màu sắc sống động và lôi cuốn. Những tấm panel kính mờ ảo của mặt đứng thay đổi màu sắc rực rỡ theo từng giờ trong ngày. Sự chuyển dần màu sắc bắt đầu với màu đỏ của buổi sáng sớm, da cam vào nắng trưa, xanh da trời vào đầu giờ chiều, xanh lá cây vào lúc chiều tà và cuối cùng là màu vàng vào lúc hoàng hôn…
Nhôm và kính màu ghi bạc được kiến trúc sư sử dụng cho lớp mặt đứng ngoài của công trình, để nó không quá nổi bật trong tổng thể kiến trúc khu vực
Thành phố Almere nằm trong khu tự trị Flevoland, trực thuộc đất nước Hà Lan được bắt đầu khai phá, phát triển và xây dựng vào khoảng cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Những năm gần đây, các nhà chức trách của Almere rất mong muốn tạo nên một bộ mặt mới cho thành phố, hiện đại và thu hút. Mục tiêu chính được đưa ra là phát triển Almere theo kiểu mẫu của một thành phố xanh, xu hướng chung của hầu hết các thành phố mới hiện đại đang xây dựng trên thế giới. Tổ hợp văn phòng La Defense được xây dựng trong khu vực thương mại của Almere, nằm phía sau nhà ga chính thành phố và bao quanh là những ngôi nhà chung cư cũ. Từ bối cảnh đó, các kiến trúc sư văn phòng UN Studio quyết định nghiên cứu và thiết kế công trình nhằm cho nó phù hợp và hoà nhập với môi trường kiến trúc vùng đô thị trong khu vực, nhưng vẫn có những nét cá tính riêng hiện đại và độc đáo. Ý tưởng chính của đồ án được kiến trúc sư đưa ra là kiến tạo các khoảng không có thể làm sôi động ánh sáng ban ngày, kích thích một cách tự nhiên trạng thái tâm lý tích cực trong môi trường văn phòng làm việc vốn dĩ được coi là khô khan. Rất nhiều sự nghiên cứu, thử nghiệm về vật liệu với những hiệu ứng khác nhau của chúng đã được tiến hành cùng với sự cộng tác của chính các nhân viên văn phòng.
Nhôm và kính màu ghi bạc được kiến trúc sư sử dụng cho lớp mặt đứng ngoài của toà nhà, để nó không quá nổi bật giữa những ngôi nhà cũ xây bằng gạch màu xám bao xung quanh. Trong khi, trái ngược với vẻ ngoài tương đối giản dị, nét thơ mộng của công trình nằm ở những khoảng sân trong lãng mạn, hấp dẫn – những không gian công cộng riêng của tổ hợp với chủ đề về sắc màu thiên nhiên. Đặc biệt, các kiến trúc sư đã tạo ra sự nổi bật của màu sắc thay đổi đầy năng động tùy thuộc theo điều kiện của không khí môi trường, theo từng thời điểm trong ngày cũng như góc chiếu của ánh sáng mặt trời, và tùy thuộc vào vị trí của người quan sát. Các tấm phim đặc biệt khác nhau đã được thiết kế và đặt phía trong những lớp kính khung nhôm, nhằm tạo ra sự phản chiếu và thay đổi màu sắc. Bản giao hưởng của sắc màu được bắt đầu với màu đỏ của buổi sáng sớm, da cam vào nắng trưa, xanh da trời vào đầu giờ chiều, xanh lá cây vào lúc chiều tà và cuối cùng là màu vàng vào lúc hoàng hôn. Sự nhảy nhót của màu sắc không chỉ dừng lại khi màn đêm buông xuống, nguồn ánh sáng nhân tạo từ trong nội thất của công trình cho phép sự chuyển động của nó tiếp tục lung linh, mờ ảo… Những tấm phim phản chiếu rực rỡ này là kết quả của sự nghiên cứu giữa kiến trúc sư và công ty 3M, một công ty chuyên sản xuất ra lớp tráng nhôm đặc biệt cho những vỏ chai nước hoa.
Một trong những lối vào chính của khu tổ hợp
Mặt bằng các tầng được bố cục rất hợp lý từ hai khối nhà độc lập, khác nhau cả về chiều dài lẫn độ cao. Độ cao của khu tổ hợp thay đổi từ ba đến sáu tầng, ngoài yếu tố phụ thuộc vào mặt tiếp xúc đô thị và mối liên hệ với các ngôi nhà ở khu vực đó, nó còn tạo vẻ năng động hơn cho chính công trình. Tầng trên cùng đôi lúc được thiết kế thông tầng, tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng không gian của các công ty làm việc tại đó. Sân trong cũng được nâng cao hơn nhiều so với mức nền chung của thành phố để thiết lập một tầng hầm để xe rộng rãi phía dưới. Nhiều lối vào được đặt từ các hướng khác nhau của khu tổ hợp, trong đó có hai lối chính dẫn vào các sân trong nằm tại những điểm giao thông quan trọng hơn trong quy hoạch thành phố, kết nối với công viên và phố chính. Khu tổ hợp được thiết kế là nơi làm việc cho rất nhiều công ty, giá thành đầu tư của công trình và số lượng công ty thuê văn phòng được tính toán, cân bằng sao cho chi phí xây dựng mỗi mét vuông thấp để giá thuê văn phòng không quá cao, nhằm phù hợp với nhiều loại hình công ty khác nhau.
La Defense được bắt đầu thiết kế năm 1998, xây dựng trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2004. Cũng giống với xu thế chung của những công trình hiện đại đang được thiết kế và xây dựng bởi các kiến trúc sư người Hà Lan, màu sắc luôn được nghiên cứu và là điểm lôi cuốn, thu hút chính. Tuy nhiên, với sự thay đổi màu sắc kỳ ảo của mình, La Defense đã thực sự tạo được ấn tượng ở thời điểm hiện tại.
Diện tích công trình: 23.000m2 Diện tích tầng ngầm để xe: 15.000 m2 Giá thành xây dựng: 32 triệu euro Khởi công xây dựng: năm 2001 Khánh thành: năm 2004 Thể loại công trình: Tổ hợp văn phòng làm việc Địa điểm: Willem Dreesweg, Almere, Hà Lan Văn phòng kiến trúc: UN Studio (Hà Lan)
Bài: Ths.KTS Vũ Hoàng Hà (MA BFH/HES-SO) Ảnh: KTS Luis Antunes
Góc sân trong ngập tràn màu sắc thiên nhiên
Chi tiết mặt đứng
Sân trong - không gian công cộng của La Defense. Các mặt đứng được thiết kế nhằm làm sôi động ánh sáng ban ngày và kích thích trạng thái tâm lý tích cực trong môi trường văn phòng làm việc vốn dĩ được coi là khô khan
La Defense hòa nhập vào tổng thể của Almere.
Chi tiết vật liệu nhôm được sử dụng cho lớp mặt đứng bên ngoài của công trình
(Dân trí) - Được đầu tư cả chục tỉ đồng nhưng 2 tuyến kè quan trọng để bảo vệ hoa màu, đất đai, nhà cửa và cả tính mạng của người dân các xã vùng đông huyện Duy Xuyên mới đưa vào sử dụng, chỉ qua 1 trận lũ đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Hơn 1.000 mét kè không có lõi sắt
Chỉ qua một trận lũ của cơn bão số 9 mà tuyến kè biển chống xói lở và ngăn sóng nối liền 2 xã biển của vùng đông huyện Duy Xuyên là Duy Hải và Duy Nghĩa đã không còn nguyên vẹn.
Tuyến kè dài hơn 1.000 mét được hoàn thành vào năm 2007, bề mặt rộng 5 mét với vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng đã bị sóng đánh cho tan nát. Có đoạn bị sụp xuống tạo thành hố sâu từ 1 - 1,5m, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông vì đây là tuyến đường trọng điểm phục vụ nghề cá của hàng ngàn hộ dân 2 xã qua lại.
Thực tế khi vừa mới sụt lún đoạn kè này đã liên tục xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông. Ông Kiều Văn Hà, một người dân thôn Thuân An (xã Duy Nghĩa) cho biết: “Khi thấy tai nạn xảy ra tôi đã lấy ván làm tạm cây cầu gỗ cho dân đi, chứ nguy hiểm quá”.
Chị bán nước giải khát ngay bến đò An Lương tên Đỗ Thị Huệ kể: “Mới đây đã có 2 vụ tai nạn, một người bị thương nặng bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu, còn người kia may mắn chỉ bị xây xước nhẹ.
Đoạn kè bị gãy, sụt lún thế này rất nguy hiểm cho người đi đường, nhất là đối với những người ở xa tới, vì không biết được hiện trạng kè bị lún sụt nên cứ chạy xe bình thường, đến đây không thắng kịp thì nhào đầu xuống hố kè”.
Từng mảng bê tông mặt kè bị đứt gãy nên người dân mới biết tuyến kè quan trọng này không có “ruột” bên trong.
Một điều làm cho người dân ở đây thắc mắc là khi sóng đánh vỡ kè thì dân phát hiện phía trong ruột kè này không có lấy một cây sắt. Ai cũng tưởng chỉ có đường bê tông nông thôn mới không có sắt còn đây là bờ kè biển, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt mà không có “que” sắt nào thì kể cũng lạ.
Một lãnh đạo của huyện Duy Xuyên cho biết: Mục tiêu chính của dự án này là chống xói lở bờ biển, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của hơn 500 hộ dân ở thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa) và thôn An Lương (xã Duy Hải) nhưng mới qua một lần “thử thách” đã chịu không nổi thế này thì đất đai, tài sản và tính mạng người dân sẽ tiếp tục bị đe dọa.
Lý giải về công trình tan tành, ông Nguyễn Công Dũng, Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên cho biết: Lịch sử chưa bao giờ nước ở khu vực này lên mặt đường, nhưng vừa rồi có nơi nước cao trên 1m kết hợp với sóng lớn nên gây sạt lở bờ kè này.
Tơi tả kè thôn Trà Đông
Từ năm 2003 trở về trước, cứ mỗi mùa mưa lũ kéo về là đất đai bên bờ sông Thu Bồn thuộc thôn Trà Đông (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) bị xâm thực nghiêm trọng. Không chỉ một diện tích rất lớn đất sản xuất bị “nuốt trôi” mà nước lũ còn đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Trước tình hình đó, đầu năm 2004, Ban Quản lý Dự án nông nghiệp - phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Quảng Nam) được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến kè bảo vệ có kết cấu bằng bê tông với tổng chiều dài 800m, kinh phí trên 3 tỉ đồng để bảo vệ cho hơn 120ha đất đai và 450 hộ dân.
Sau 15 tháng khẩn trương thi công, đến giữa năm 2005 tuyến kè trọng yếu này hoàn thành đã mang lại niềm vui cho chính quyền và người dân nơi rốn lũ thôn Trà Đông. Tuy nhiên đến trưa ngày 26/10, có mặt tại đây chúng tôi nhận thấy 5 đoạn trên tuyến kè này đã bị lũ phá tan tành với tổng chiều dài lên đến hơn 140m.
Những đoạn kè lở nghiêm trọng của thôn Trà Đông trong đợt lũ vừa qua.
Nhiều người dân cho biết, trong sáng ngày 30/9 do dòng nước chảy xiết, cộng với gió to nên sóng đánh ầm ầm làm cho chân kè nhiều đoạn bị đứt hoàn toàn khiến hàng trăm tấm lợp được đúc bằng bê tông cốt thép đổ ào xuống lòng sông, trơ ra những nền đất thịt lồi lõm khoét vào.
Ngoài ra, trong đợt lũ vừa qua nhiều khối bê tông khác cũng bị dồn thành từng đống, nằm ngổn ngang ngay mép sông. Trên tuyến kè này còn rất nhiều đoạn đã bị tụt mái nghiêm trọng, “Chỉ cần một cơn lũ trên báo động 2 nữa thôi là đoạn kè này “đi” luôn”, ông Hồ Văn Tống, nhà ngay mép kè lở cho biết.
Nhiều người dân ở đây cũng cho biết, nếu kéo dài thêm tuyến kè này khoảng 100 mét nữa thì sẽ tránh được tình trạng xói lở ở phần đuôi kè, vì khi đuôi kè lở làm “mồi” gây lở nhiều đoạn tiếp theo. Hơn nữa, chân kè ít đá nên không đủ sức giữ lại khi gặp nước mạnh gây tụt đất và lở kè.
Người dân ở các xã có kè bị sạt lở không khỏi thắc mắc: Vì sao cả hai công trình đều mới đưa vào sử dụng cách đây không lâu mà “tuổi thọ” lại kém đến vậy? Phải chăng, khi tiến hành khảo sát địa hình, khoan thăm dò địa chất để lập thiết kế kỹ thuật, các đơn vị đã không tính kỹ đến sức chịu đựng của công trình trước sự tàn phá của bão lũ hay chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đã đặt ra?
Chiều 26/10, sau khi đi khảo sát công trình kè về, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTHT Quảng Nam cho biết: “Hiện giờ sở đang đi khảo sát để có giải pháp sửa chữa sau này”. Trả lời câu hỏi của PV Dân trí vì sao công trình thế này lại không có cốt thép? Ông Tiến cho biết, đây là công trình do một đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT thiết kế, địa phương chỉ theo đó mà làm.
Nhóm PV miền Trung ****************************** source http://dantri.com.vn/c20/s20-358469/tan-tanh-nhung-bo-ke-bac-ti-khong-xuong.htm
Cali Today News - Dân chúng bờ biển miền đông Hoa Kỳ có một sở thích khá “ngông”, những khi trời nổi bão tố, họ kéo nhau thật đông ra các công viên cạnh bờ biển có núi đá lởm chởm để ngắm sóng.
Khi đó, các cơn sóng bạc đầu bổ vào bờ rất đẹp mắt, ngoạn mục, gây ra các cây nước trắng xóa và tiếng động kinh hồn. Nhiều người bạo gan tiến sát gần bờ đá để xem. Nhưng họ sẽ bỏ chạy hết, không sót một người, nếu biết cơn sóng dang lù lù kéo vào chính là sóng thần Tsunami!
Dân chúng Samoa đã hứng chịu một cơn sóng Tsunami chia ra làm 4 đợt, có ngọn cao trên 6 mét, lao vào bờ với vận tốc 530 dặm/giờ, nghĩa là bằng vận tốc một phi cơ Boeing 747. Họ không có bất cứ cơ may nào chống cự, vì không có bất cứ cái gì cản được sức tàn phá của một Tsunami.
Tsunami là tiếng Nhật, bởi dân Phù Tang là dân tộc trên thế giới có kinh nghiệm với sóng do dộng đất gây ra từ thời tạo thiên lập địa. Họ tin là Nhật Bản nằm tựa trên lưng một con cá catfish khổng lồ, mỗi lần nó nhúc nhích là gây động đất và sóng thần!
Tsunami luôn gây ra do một trận động đất lớn dưới thềm lục địa đại dương. Khi diễn ra ngay dưới đáy biển, sức mạnh của nó liền tỏa lên lớp nước và nếu biển càng sâu thì sóng sẽ càng lớn.
Biển sâu còn có nghĩa là vận tốc di chuyển của Tsunami càng nhanh. American Samoa nẳm quá gần với tâm chấn, chỉ cách có 125 dặm và biển lại rất sâu, nên chỉ sau 25 phút hay thậm chí có 13 phút khi động đất diễn ra, các cơn sóng kinh hồn đã đánh vào đây.
Stuart Weinstein, phó giám đốc trung tâm Pacific Tsunami Warming Center, nhận xét: “Đây là cơn động đất mà chúng ta chờ đợi là kinh hồn vì xảy ra quá gần tâm chấn và đúng là nó lớn lao thật”.
Trước 7 giờ sáng, báo động đã vang rền khắp nơi, và ngay vào buổi chiều cùng ngày số người chết đã lên hơn 100 người. Đến thứ năm con số này đã vọt lên 189 và chắc chắn nó sẽ không dừng lại ở đây.
Eric Geist, chuyên gia về sóng Tsunami của U.S.Geological Survey, nhận xét: “Đây là một trong các hoàn cảnh rất thương tâm, và chúng ta hoàn toàn bất lực vì không có kịp thời gian”.
Sóng Tsunami có thể dâng cao tới 100 feet và có thể “dần” liên tục trong 1 giờ. Nó có thể rút thật nhanh rồi vài giờ sau thì nó cuồn cuộn quay trở lại.
Các quan sát viên cho là sóng thần lần này tàn phá khu quần đảo Samoa còn mạnh hơn cả sóng đã giết chết 230,000 người năm 2004, nhưng chỉ vì khu vực nó tàn phá không đông dân nên con số người chết không cao.
Cho dù vùng này động đất mạnh thường diễn ra, nhưng một trận động đất trên 8.0 độ là khá hiếm, nó mạnh gấp 1,000 lần một cơn động đất 6 độ. Trận động đất vừa qua mạnh vào hàng thứ 4 trong lịch sử của vùng này.
Ngoài ra nó nằm không sâu trong lòng đất, chỉ sâu 11.2 dặm dưới đáy biển, như thế toàn bộ sức mạnh của nó hầu như không mất đi. Vùng biển này lại rất sâu, đến 4 dặm nên sóng bị đẩy lên và tạo ra, hết sức cao. Nó sẽ giảm độ cao đến 11 feet ngay lập tức nếu chiều sâu đáy biển chỉ là 1 dặm.
Nước càng sâu thì vận tốc sóng cũng càng cao, vì khi đáy biển nông cạn thì vậc tốc sóng sẽ giảm nhiều. Thí dụ vùng duyên hài Hoa Kỳ đa phần là nông nên sóng cao khi đến gần sẽ giảm tốc độ và giảm chiều cao.
Samoa không có đặc điểm đó, khi nó tràn vào bờ, vận tốc của sóng Tsunami vẫn còn trên 30 dặm/giờ. Eric Geist thở dài: “Bạn thấy nó, tức là bạn tàn đời, vì không ai chạy đua nổi với Tsunami!”
TT - "Cầu chờ đường" khiến những công trình hạ tầng được đầu tư cả ngàn tỉ đồng khi hoàn thành không thể phát huy ngay hiệu quả kinh tế, xã hội khiến hằng ngày hằng giờ những đồng vốn ít ỏi quý hiếm bị lãng phí. Tất cả không chỉ do thiếu tiền mà còn thiếu một tư duy chiến lược.
Cầu xong gần hai năm nhưng đường dẫn cầu Thủ Thiêm (phía bờ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) còn đang thi công - Ảnh: Minh Đức
Hàng ngàn tỉ đồng đổ vào hai cây cầu Thủ Thiêm và Phú Mỹ nhưng không như mong đợi của người dân TP lớn nhất nước: cầu xây xong để đó, không phát huy hiệu quả.
Không chỉ là vấn đề lưu thông của người dân TP.HCM, những cây cầu này còn có sứ mạng lịch sử là giải phóng sức mạnh của kinh tế vận tải, tạo ra một động lực phát triển khi đưa vào sử dụng. Nhưng tất cả còn đang phía trước, đồng vốn đổ vào đây chậm được khai thác hoặc sử dụng một ngày là lãng phí một ngày.
Cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm: xe con chạy, xe lớn... ngó!
Cần Thơ: cầu thông nhưng đường chưa xong
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Quyên - bí thư Thành ủy TP Cần Thơ - cho biết: lãnh đạo TP đang rất quan tâm tiến độ thi công tuyến đường dẫn vào cầu Cần Thơ. Bởi hiện nhà thầu (Trung Quốc) mới chỉ xây dựng đạt 74-75% khối lượng công trình trong khi “cầu đã thông nhưng đường vào cầu chưa hoàn chỉnh”.
“Chúng tôi đã bị động trong khâu giám sát và quản lý chung - ông Quyên nói - Đó cũng là mấu chốt để đảm bảo tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm. Tôi mong báo chí, ban quản lý dự án và địa phương cùng giám sát để đẩy nhanh tiến độ công trình, để không riêng gì ở cầu Cần Thơ mà còn ở các công trình xây dựng khác được đúng thời gian, đúng tiến độ”.
QUANG VINH
Gần một tháng sau khi thông cầu (từ 9-9-2009) đến nay, cầu Phú Mỹ nối Q.2 và Q.7 chỉ cho xe từ bảy chỗ trở xuống lưu thông. Tệ hơn là cầu Thủ Thiêm: đã hoàn thành từ ngày 9-1-2008 đến nay - gần hai năm - nhưng cầu này chỉ cho xe từ chín chỗ ngồi trở xuống và xe tải nhẹ từ 1,5 tấn trở xuống lưu thông trong khi cầu thiết kế cho xe tới 30 tấn.
Rõ ràng, hàng ngàn tỉ đồng đầu tư xây dựng cầu chưa mang lại hiệu quả về kinh tế. Cũng chưa biết đến bao giờ hai cầu này phát huy hiệu quả, cho các loại phương tiện “hạng nặng” lưu thông.
Do đó, công trình cầu Phú Mỹ và cầu Thủ Thiêm đã không đạt được mục tiêu là giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn. Đồng thời cầu Phú Mỹ cũng không đạt mục tiêu là hành lang giao thông mới dành cho xe tải từ các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc theo xa lộ Hà Nội hướng về cảng biển ở Q.4 và Q.7 hoặc về miền Tây và từ miền Tây qua cầu Phú Mỹ đi miền Đông. Vì vậy, dòng xe tải vẫn phải xuyên tâm TP đến khu vực cảng biển.
Vì... tại...
Theo ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM, sở dĩ chưa cho xe khách trên chín chỗ ngồi và xe tải trên 1,5 tấn qua cầu Thủ Thiêm vì đại lộ Đông - Tây, đoạn từ đường nối cầu Thủ Thiêm đến đường Lương Định Của, vẫn chưa thi công xong.
Bên cạnh đó, cầu Thủ Thiêm đang thi công nhánh cầu N4 nối vào đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) đến giữa đường Nguyễn Hữu Cảnh thì dừng lại vì Q.Bình Thạnh chưa giải tỏa xong 92 hộ dân trên đường Ngô Tất Tố.
Theo ông Mạc Đăng Nốp - phó tổng giám đốc Công ty BOT cầu Phú Mỹ, sở dĩ chỉ cho xe nhỏ lưu thông qua cầu Phú Mỹ vì cầu Kỳ Hà 1 và cầu Kỳ Hà 4 có sự cố mố cầu bị dịch chuyển. Tuy nhiên, cho dù có khắc phục được sự cố trên để cho xe lớn qua cầu Phú Mỹ thì lối đi duy nhất là vào liên tỉnh lộ 25 để ra xa lộ Hà Nội (Q.2) sẽ gây kẹt xe vì đường này chỉ rộng 8m và đang chịu áp lực của lượng xe tải ra vào cảng Cát Lái bốc dỡ 70% lượng container ở cụm cảng biển TP.HCM.
Đến bao giờ mới thông?
Một số chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng các cơ quan chức năng đều biết xây cầu thì phải làm đường kết nối với cầu mới phát huy hiệu quả của dự án, nhưng do tính toán quá chậm và lúng túng nên mới xảy ra cảnh cầu chờ đường. Giờ đây, để khắc phục câu chuyện cầu chờ đường thì phải tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn làm đường. “Như vậy, để thông xe cầu Phú Mỹ ra xa lộ Hà Nội ở Q.9 thì ít nhất phải chờ thêm ba năm nữa” - một chuyên gia nhận định.
Có ý kiến cho rằng trách nhiệm để cầu Thủ Thiêm chưa thông xe tải là do chủ đầu tư dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây ở Q.2 thi công quá chậm. Ông Vương Hoàng Thanh - phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM - cho biết sở dĩ tiến độ thi công đại lộ Đông - Tây ở Q.2 chậm “là do địa chất ở Q.2 có nền đất yếu”.
Vì vậy, công trình xây dựng các cầu Kinh số 1, cầu Kinh số 2, cầu Cá Trê Nhỏ và Cá Trê Lớn phải gia cố các cọc trên đường dẫn vào cầu bị chậm bốn tháng. Như vậy đến cuối tháng 4-2010 mới hoàn thành tuyến đại lộ Đông - Tây đoạn từ đường nối cầu Thủ Thiêm đến đường Lương Định Của với năm làn xe lưu thông. Và lúc này nếu suôn sẻ thì sau gần hai năm rưỡi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm mới thật sự đi vào cuộc sống.
---------------------------------
Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN):
Do cách chọn thầu và cách chi tiền
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện cầu xây xong nhưng không có đường dẫn, ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, nói:
- Nguyên nhân đầu tiên khiến các dự án cầu xây xong thiếu đường là do giải phóng mặt bằng thu hồi đất chậm. Nguyên nhân này phổ biến ở mọi công trình cầu đường, từ cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy (Hà Nội) đến cầu Thủ Thiêm (TP.HCM)... Nguyên nhân thứ hai là cách tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu cho các dự án không đúng. Cầu và đường dẫn, đường nối với cầu là một hệ thống. Vì vậy, tốt nhất chỉ chọn một nhà thầu chính để nhà thầu đó tìm các nhà thầu phụ cùng tham gia và chịu sự chỉ đạo của nhà thầu chính.
* Có nhà thầu thi công đường dẫn cầu Cần Thơ đã bị cắt bớt khối lượng công việc do họ thiếu năng lực thi công. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Cái này là do năng lực chọn nhà thầu của chủ đầu tư. Tại vì người ta thích chia nhỏ dự án nên nhiều anh có khi khéo giao dịch thì “trúng” chứ không bằng năng lực thật sự. Bộ Giao thông vận tải cũng đã rút kinh nghiệm khi quy định nhà thầu nào bỏ giá thầu quá xa thì không được trúng thầu, nhà thầu nào có giá dự thầu thấp hơn 10% so với giá dự toán được duyệt thì phải có điều kiện yêu cầu nhà thầu cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Theo tôi biết, các nước không quy định giá bỏ thầu mà họ xem xét các yếu tố năng lực, chất lượng, tiến độ của nhà thầu đưa ra rồi mới xét đến giá tiền.
* Các nhà thầu cũng thường kêu ca thiếu vốn làm dự án chậm?
- Đơn vị thi công (bên B) vay vốn ngân hàng. Họ sẽ được chủ đầu tư (bên A) ứng vốn theo từng giai đoạn để trả. Nhưng “ác” là bên A thường trả cho bên B chậm. Đây là sự không bình đẳng giữa bên A và bên B, nhất là bên A của nhà nước, khiến bên B không biết kêu ai.
TUẤN PHÙNG thực hiện
Những cây cầu ì ạch
* Cầu Thủ Thiêm:
- Khởi công ngày 24-8-2005 và hoàn thành giai đoạn 1 (cầu) vào ngày 9-1-2008.
- Tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn là 1.099,6 tỉ đồng. Hiện đang thi công giai đoạn 2 gồm hầm Nguyễn Hữu Cảnh, cầu vượt về Q.1 và cầu vượt qua đường Ngô Tất Tố.
- Tình trạng hiện nay: chỉ có thể cho xe từ chín chỗ hoặc từ 1,5 tấn trở xuống lưu thông.
* Cầu Phú Mỹ:
- Khởi công ngày 28-2-2007 và hoàn thành ngày 2-9-2009.
- Tổng vốn đầu tư 4.145 tỉ đồng.
- Tình trạng hiện nay: chỉ có thể cho xe từ bảy chỗ trở xuống lưu thông.
* Cầu Gò Dưa: là một trong bảy cầu vượt trên đoạn quốc lộ 1A, nối Q.Thủ Đức (TP.HCM) với tỉnh Bình Dương.
- Khởi công năm 2004. Đến cuối tháng 12-2005 thì “tắc tị” và hiện đang ngưng thi công.