Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Vụ 'Titanic của Italy' xảy ra như thế nào



Toàn bộ quá trình đâm phải đá ngầm, mắc cạn, rồi lật nghiêng của tàu du lịch Costa Concordia được mô phỏng lại, giúp hình dung rõ hơn về vụ "Titanic" của Italy.
> Tàu Italy gặp nạn có thể vì điện áp tăng đột ngột
> Tàu Costa Concordia phơi sườn trên bãi biển

Tàu Costa Concordia bắt đầu chuyến hải hành định mệnh từ cảng Civitavecchia gần thủ đô Rome tối 13/1. Con tàu du lịch trị giá 570 triệu USD này dự kiến đi một vòng quanh Địa Trung Hải và lần lượt ghé các cảng biển như Savona, Palermo và Cagliara (Italy), Marseille (Pháp), Barcelona và Palma (Tây Ban Nha). Tàu sẽ trở về cảng khởi hành Civitavecchia vào ngày 27/1. Phần đóng khung đen ở hình trên là vị trí gặp nạn của tàu. Đồ họa: Telegraph
Video mô phỏng quá trình mắc cạn của tàu Costa Concordia

Chỉ khoảng hai giờ đồng hồ sau khi xuất phát, vào lúc 21h15 theo giờ địa phương, tàu Costa Concordia đâm phải đá ngầm khi vào quá gần hòn đảo Giglio thuộc vùng Tuscany ở bờ tây của Italy. Có thông tin cho rằng thuyền trưởng Francesco Schettino lái tàu vào gần đảo Giglio để chào một người bạn. Hình vẽ trên cho thấy chiếc tàu du lịch dài 290 m đã đi chệch khá xa so với hải trình dự kiến. Đồ họa: Telegraph

Khoảng 15 phút sau khi tiến sát đảo Giglio, tàu Costa Concordia đâm phải dải đá ngầm có tên Le Scole ở cách bờ khoảng vài trăm mét. Cú va chạm mạnh đến nỗi tạo ra một lỗ thủng rộng chừng 50 m ở mạn trái của tàu và kéo theo sự cố điện trên tàu. Lúc này, con tàu cao tới 17 tầng vẫn chưa bị nghiêng. Đồ họa: Telegraph

Khoảng 15 phút tiếp theo sau khi đâm phải dải đá ngầm, tàu Costa Concordia di chuyển chếch về bên phải theo hướng xa dần so với đảo Giglio. Tuy nhiên, lúc này tàu đã bị nghiêng 7 độ do nước bắt đầu tràn vào từ lỗ thủng sau cú va chạm. Thuyền trưởng Schettino tiếp tục cho tàu di chuyển vài trăm mét nữa, nhưng sau đó quyết định đổi hướng cho tàu quay ngược lại phía cảng Giglio khi nhận ra việc bị nghiêng. Đồ họa: Telegraph

Khoảng 22h30, tức là đúng một giờ đồng hồ sau khi đâm phải dải đá ngầm ven bờ, tàu Costa Concordia đã bị nghiêng tới 80 độ. Lúc này, việc sơ tán du khách và thủy thủ đoàn bắt đầu. Nhiều du khách do quá hoảng loạn và không hiểu chuyện gì đang xảy ra đã nhảy xuống biển. Con tàu được coi như một khách sạn di động sau đó mắc cạn và lật nghiêng hẳn sang bên phải. Đồ họa: Telegraph

Hình vẽ mô tả tình trạng mắc cạn và lật nghiêng hiện nay của tàu du lịch Costa Concordia. Mực nước ngập hiện vào khoảng 14 m, nhưng do tàu bị mắc cạn ở một khu vực dốc thoải nên nó có nguy cơ bị trượt ra xa bờ và khiến mực nước ngập dâng lên khoảng hơn 30 m. Dưới tác động của thời tiết và sóng biển, nguy cơ tàu bị ngập sâu hơn nữa là hiển hiện, kéo theo lo ngại về sự rò rỉ nhiên liệu gây ảnh hưởng tới môi trường biển. Đảo Giglio hiện giữ giải thưởng là nơi có nước biển trong và sạch nhất Italy, nhưng điều này có thể sẽ bị ảnh hưởng. Đồ họa: Telegraph

Hình vẽ mô tả mặt cắt bên trái của tàu Costa Concordia, vị trí cũng như khoảng thời gian tàu gặp nạn, cùng với các thống kê liên quan như số người có mặt trên tàu (khoảng 4.229 người), số bị thương (40 người), số tử vong (6 người) và số còn mất tích (29 người). Đồ họa: RIA Novosti

Hình ảnh và đồ họa mô tả lại toàn bộ diễn biến vụ "Titanic" của Italy. Có thể thấy rất nhiều xuồng cứu sinh được bố trí ở hai bên mạn tàu. Số xuồng cứu sinh này đã phát huy tác dụng khi sự cố xảy ra. Nguồn: BBC

Một phần vết thủng rộng khoảng 50 m được tạo ra sau khi tàu Costa Concordia đâm vào dải đá ngầm ven bờ. Một tảng đá xuyên qua lớp vỏ tàu và vẫn còn găm lại cho thấy cú va chạm mạnh như thế nào. Ảnh: AP

Các nhân viên cứu hộ làm việc gần con tàu Costa Concordia đang mắc cạn. Ảnh: Telegraph

Nhật Nam

source

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/tu-lieu/2012/01/vu-titanic-cua-italy-xay-ra-nhu-the-nao/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét