Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Trung Quốc : Đập Tam Hiệp ngày càng gây ra nạn đất trượt và động đất


TRUNG QUỐC - MÔI TRƯỜNG -
Bài đăng : Thứ tư 29 Tháng Sáu 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 29 Tháng Sáu 2011
Trung Quốc : Đập Tam Hiệp ngày càng gây ra nạn đất trượt và động đất
Cảnh khô hạn chưa từng thấy tại vùng Hồ Bắc. Ảnh chụp ngày 29/05/2011.
Cảnh khô hạn chưa từng thấy tại vùng Hồ Bắc. Ảnh chụp ngày 29/05/2011.
Reuters
Thanh Phương

Hãng tin AFP hôm nay cho biết là các chuyên gia và người dân trong vùng báo động là đập Tam Hiệp, được xây dựng nhằm sản xuất nguồn năng lượng sạch và chống lũ lụt, trên thực tế đã gây ra nhiều vụ đất lở và tình trạng khan hiếm nước ở miền Trung của Trung Quốc.

Vào tháng 10 năm ngoái, một vụ đất lở đã xảy ra ở một thành phố thượng nguồn con đập, khiến hàng chục nhà bị đẩy vào vực thẳm. Theo lời một dân làng, các vụ đất trượt và động đất đã xảy ra ngày càng nhiều kể từ năm 2003, thời điểm mà hồ chứa khổng lồ của đập Tam Hiệp bắt đầu được trữ đầy nước.

Theo một báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc vào năm ngoái, con số các vụ động đất, đa số với cường độ thấp hơn 3, đã tăng gấp 30 lần kể từ năm 2003 và các khu đất dốc đã bị mất ổn định. Vào năm ngoái, chính phủ Bắc Kinh cũng đã thừa nhận là có nhiều vấn đề cần phải được giải quyết cấp tốc, trong việc tái định cư người dân trong vùng, việc bảo vệ môi trường và việc ngăn ngừa các thảm họa sinh thái.

Công trình xây dựng đập Tam Hiệp đã bắt đầu được tiến hành từ năm 1994, bất chấp những cảnh báo của nhiều chuyên gia Trung Quốc và ngoại quốc. Nhưng nay, theo bà Patricia Adams, thuộc tổ chức phi chính phủ Probe International, trụ sở tại Canada, các vấn đề do con đập này gây ra đã lên đến tầm mức mà chính quyền Bắc Kinh không thể lờ đi.

Mặt khác, tuy đã giúp làm giảm bớt tình trạng lụt lội do sông Dương Tử gây ra vào mùa hè năm ngoái, đập Tam Hiệp đã góp phần làm trầm trọng thêm nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua ở miền Trung của Trung Quốc, vì một số hồ ở hạ nguồn đã cạn nước. Cho nên, các vùng ở hạ nguồn đang dự trù xây những đập riêng.

Theo bà Patricia Adams, những rối loạn của hệ thủy văn của sông Dương Tử sẽ gây tác hại cho hàng triệu người sống về ngư nghiệp, nông nghiệp và thương mại. Ngoài ra, chất lượng nước đã sa sút cho lưu lượng của con sông giảm mạnh.

source

RFI Vietnamese

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Miền nam Trung Quốc tiếp tục bị lũ lụt hoành hành


Thứ Hai, 20 tháng 6 2011

Miền nam Trung Quốc tiếp tục bị lũ lụt hoành hành


Một người tài xế lội qua nước lũ sau khi xe bị mắc kẹt trong đường hầm bị ngập ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ngày 19/6/2011
Hình: Reuters
Một người tài xế lội qua nước lũ sau khi xe bị mắc kẹt trong đường hầm bị ngập ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ngày 19/6/2011
Miền nam Trung Quốc hôm nay tiếp tục có mưa lớn trong lúc lũ lụt đã gây tử vong cho hơn 100 người và làm cho hàng trăm ngàn người phải di tản.

Dự báo thời tiết cho biết sẽ tiếp tục có mưa thêm 3 ngày nữa, giữa lúc giới hữu trách yêu cầu các chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình đê điều, hồ nước và đập nước.

Có tin cho hay có ít nhất 10 con sông lớn sắp vỡ bờ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng hơn 1 triệu người dã di tản từ khi có mưa lớn vào đầu tháng 6, chấm dứt tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất của khu vực trong vòng nhiều thập niên.

Hàng triệu người khác cũng bị ảnh hưởng của lụt lội trong một khu vực rộng lớn trải dài từ tỉnh Vân Nam ở miền tây nam cho tới thành phố Thượng Hải.
Thứ Hai, 20 tháng 6 2011

Trung Quốc: Đập Tam Hiệp có lợi cho nhân dân


Ðập Tam Hiệp
Hình: ASSOCIATED PRESS
Hội đồng nhà nước Trung Quốc đòi phải có các bước nhanh chóng nhằm giảm ô nhiễm, đề phòng thiên tai như động đất, hoặc đất sạt lở quanh đập Tam Hiệp
Nhà điều hành đập Tam Hiệp của Trung Quốc tiếp tục bảo vệ công trình vĩ đại này trước những lời chỉ trích, và nói đập này có lợi cho xã hội và kinh tế Trung Quốc.

Tổng công ty Tam Hiệp, trong báo cáo mới nhất, nói con đập này giúp cho đoạn giữa và đoạn cuối sông Dương Tử tránh bị ngập lụt, và làm giảm bớt tác động của nạn hạn hán hay xảy ra tại miền nam và miền đông Trung Quốc, như đã thấy trong 9 tháng qua.

Báo cáo được công bố sau khi hội đồng nhà nước tháng trước than phiền công trình thực hiện dự án thủy điện lớn nhất, tiêu tốn 25 tỉ đôla này vướng mắc nhiều vấn đề như môi trường, địa chất và kinh tế.

Hội đồng nhà nước đòi phải có các bước nhanh chóng để giảm bớt ô nhiễm, và đề phòng các loại thiên tai như động đất, hoặc đất bị sạt lở chung quanh đập.

Hội đồng cũng yêu cầu có hành động để cải tiến cuộc sống của 1,4 triệu người dân phải di dời vì công trình này.
source
VOA Vietnamese

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Câu chuyện nước Mỹ



Câu chuyện nước Mỹ

Đất chật, người đông, lương thực thiếu: trồng rau trên nóc nhà!

Giá lương thực ngày một cao trong khi các khu thị tứ càng lúc càng mở rộng theo với đà dân số gia tăng. Người ta cần tìm ra những giải pháp cho việc cung ứng thực phẩm cho khối dân ở các đô thị đất chật, người đông. Một trong những giải pháp này đã được một tổ chức bất vụ lợi có tên là New York Sun Works quảng bá, đó là trồng rau trái trên nóc nhà áp dụng phương pháp thủy canh. Mời quí vị theo dõi Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay qua bài phỏng vấn bà Laurie Schoeman, giám đốc của tổ chức New York Sun Works về ý niệm một vườn rau trái trên nóc nhà.

Hoa mầu trong các nhà kính trên các nóc nhà được trồng bằng phương pháp thủy canh
Hình: nysunworks.org

Hoa mầu trong các nhà kính trên các nóc nhà được trồng bằng phương pháp thủy canh


Tổ chức New York Sun Works do kỹ sư Ted Caplow sáng lập năm 2004 với mục đích tìm giải pháp cho vấn đề cung cấp lương thực trong tình trạng khí hậu biến đổi, ở những nơi thị tứ đất chật, người đông như thành phố New York trong lúc phải làm sao để duy trì môi trường bền vững.

Dự án đầu tiên do tổ chức này thiết kế có tên là Science Barge, một nhà kính được thiết lập trên xà lan trên sông, trong đó trồng các hoa màu theo phương pháp thủy canh. Giờ đây xà lan này đã biến thành một viện bảo tàng nổi đậu tại Yonkers, sát cạnh thành phố New York. Nhờ sự thành công của dự án đó, tổ chức New York Sun Works tiếp nối với dự án thứ nhì: đem phương pháp này vào các trường học để quảng bá sáng kiến canh tác cho các vùng thị tứ. Bà Laurie Schoeman, giám đốc tổ chức New York Sun Works, cho biết:

"Vì sự thành công của dự án xà lan, chúng tôi quyết định đưa ý niệm và mô hình này vào các trường học ở thành phố New York. Chúng tôi đã bắt đầu cho thiết lập các nông trại ngay trên nóc nhà của vài trường học như là một cách giảng dạy trực tiếp tại học đường, và để có thể sản xuất thực phẩm cho nhà trường, trong lúc vừa giảng giải cho cả học sinh lẫn giáo chức về khoa học, về cách duy trì môi trường bền vững, đồng thời đem thực phẩm đến cho cộng đồng các trường học."


Mô hình này được tổ chức Sun Works thí nghiệm ngay trong thành phố New York vì ở đây có một lợi điểm mà nhiều nơi khác không có, đó là vô số nhà chọc trời có những nóc nhà thênh thang bỏ trống, với một diện tích khoảng 16 triệu 700 ngàn mét vuông. Nếu sử dụng hết khoảng trống đó vào việc canh tác, người ta có thể nuôi ăn một dân số 20 triệu người ở khu vực đông dân của New York. Những nhà kính được thiết lập trên nóc nhà áp dụng phương pháp thủy canh có rất nhiều lợi điểm. Bà Laurie Schoeman giải thích:

"Cái lợi điểm thứ nhất là chúng tôi có thể tận dụng được tất cả mọi chỗ bỏ không ở trong một cộng đồng rất cần đến chúng. Chúng tôi thiết kế một dự án về duy trì tính bền vững cho một môi trường chật chội, đông đúc cư dân như ở quận Manhattan. Các nông trại được thiết lập trên nóc nhà hứng và giữ lại nước mưa để dùng; chúng tôi không phải đưa xe tải chuyên chở thức ăn đến cho nhà trường, chúng tôi có thể cung cấp thực phẩm ngay tại chỗ; chúng tôi có thể giảng giải cho học sinh biết cách trồng trọt ra sao, trong số này có rất nhiều em từ bé chưa hề nhìn thấy một nông trại hay tự tay trồng một cây gì. Chúng tôi tạo cơ hội cho các em trực tiếp học lấy kinh nghiệm thực tiễn làm sao trồng trọt để cung cấp thực phẩm."

Hầu hết hoa mầu trong các nhà kính trên các nóc nhà được trồng bằng phương pháp thủy canh. Đây là phương pháp canh tác dựa vào nước, không cần đến đất. Các chất dinh dưỡng bỏ vào nước nuôi cây được tính toán và kiểm soát cẩn thận. Người ta thường sử dụng côn trùng để trừ sâu rầy thay vì dùng hóa chất, nên rau trái trồng theo phương pháp này sạch, an toàn, tốt lành cho sức khỏe. Thêm vào đó, với giá xăng dầu tăng vọt hiện nay, cung cấp các nông phẩm ngay tại địa phương, và gần hơn nữa, từ mái trường xuống đến nhà ăn của học sinh, hay từ những nhà kính trên nóc các siêu thị xuống ngay quầy hàng bán cho khách quả là điều tuyệt diệu, vừa giữ cho sản phẩm tươi tốt, lại tiết kiệm được tiền chuyên chở. Ở nước Mỹ, có khi các công ty cung cấp phải chuyên chở nông phẩm cả ngàn dặm từ tây sang đông hay từ nam lên bắc, trong những chiếc xe tải lớn có hệ thống làm lạnh tốn rất nhiều nhiên liệu; đôi khi lại còn phải nhập khẩu rau trái từ nước ngoài nữa,vì vào mùa đông các khu vực miền bắc lạnh, không thể trồng trọt được.

Tuy nhiên đây là một đường lối tương đối mới, chưa được áp dụng rộng rãi. Bà Schoeman nói về một số những trở ngại của phương pháp này:

"Thử thách lớn nhất là làm sao tìm được những người có kỹ năng để duy trì và điều hành các nông trại này. Chúng tôi áp dụng phương pháp thuỷ canh. Hiện chưa có nhiều người biết công việc này. Chúng tôi đã huấn luyện cho một số người để họ biết trồng trọt và làm sao điều hành, duy trì những nông trại nhà kính này. Chúng tôi đã có một toán người làm được công việc đó. Nhưng chúng tôi phải tìm thêm người và gia tăng thêm khả năng, và đây là một cơ hội để cung cấp thêm việc làm "xanh". Ngoài ra còn vấn đề tài trợ cho dự án; làm việc với trường học cũng cần phải tuân thủ một số những luật lệ nào đó và phải có giấy phép hoạt động nữa. Đã vậy còn có vấn đề an toàn. Khi lập một nông trại ngay trên mái nhà, phải xét xem kiến trúc có đủ vững hay không. Lại còn phải tính xem trồng loại cây gì trong suốt năm. Nhà kính là phương tiện để trồng quanh năm, vì thế chúng tôi phải thay đổi, mùa đông trồng rau có nhiều lá và mùa hè trồng các loại rau và trái khác. Đó là những gì phải tính toán."

Ý niệm trồng rau trái trong nhà kính trên nóc nhà đã bắt đầu được một số các doanh nhân có tinh thần khai phá bỏ vốn làm ăn. Theo tờ the New York Times số ra ngày 19 tháng 5 năm nay, công ty Gotham Greens, trụ sở tại New York, đã thiết lập một nhà kính rộng chừng 1400 mét vuông để trồng rau trái trên nóc một tòa nhà tại quận Brooklyn, trong thành phố New York, cung cấp rau, trái cây và các loại rau thơm tươi cho các tiệm thực phẩm, các chợ nông gia và các nhà hàng ăn ở địa phương. Công ty này hy vọng sẽ sản xuất chừng 30 ngàn tấn rau trái một năm.

Công ty BrightFarms chuyên cố vấn về việc thiết lập các nhà kính trồng rau trái cũng đã đích thân tiến vào ngành kinh doanh này bằng cách ký hợp đồng với các hệ thống siêu thị và thiết lập các nhà kính sản xuất nông phẩm để bán thẳng cho họ. Ông Paul Lightfoot, Tổng giám đốc công ty BrightFarms, tiên liệu rằng mỗi nông trại nhà kính như vậy sẽ có thể thu nhập từ 1 triệu đến 1 triệu 500 ngàn đô la mỗi năm, từ việc bán sản phẩm cho các siêu thị với giá bằng hay thấp hơn giá sản phẩm mà các nông trại theo lối canh tác cổ truyền cung cấp.

Tổng giám đốc công ty BrightFarms dự kiến những nông trại nhà kính của công ty của ông sẽ đem về số thu nhập là 100 triệu đô la vào năm 2015 và 1 tỉ đô la vào cuối năm 2020.

So phương pháp thủy canh trong nhà kính đặt trên nóc các tòa nhà lớn với phương pháp canh tác tại các nông trại cổ truyền, nhà đầu tư phải bỏ vốn nhiều hơn, chừng 2 triệu đô la cho một nhà kính rộng khoảng 400 mét vuông. Nhưng mỗi vụ mùa lại thu hoạch nhiều hơn từ 6 đến 10 lần. Và phương pháp thủy canh không đòi phải có đất, không cần phân bón và nhất là nó tiết kiệm được tiền chuyên chở sản phẩm là môt phí khoản rất nặng.

Một khi các nông trại kiểu này được thiết lập xong và đi vào nền nếp, chúng không đòi hỏi nhiều lao động để chăm sóc như phương pháp canh tác cổ truyền.

Đã vậy các nông phẩm sản xuất bằng phương pháp này sạch sẽ, không có hóa chất, và tươi tốt.

Khi được hỏi về sự hưởng ứng đối với dự án của tổ chức New York Sun Works, Bà Laurie Schoeman trả lời:

"Chúng tôi rất ngạc nhiên vì nhận được rất nhiều chú ý cho những gì chúng tôi làm. Chúng tôi phải bỏ rất nhiều công sức cho dự án này. Ngay bây giờ mới là năm thứ nhất chúng tôi hoạt động và đã đem được dự án này vào 2 truờng học. Các dự án khoa học này được đặt tại cộng đồng phía bắc thành phố New York và chúng tôi đang làm việc với các trường học khác để xem làm sao đưa dự án này vào. Chúng tôi đang thảo luận với chừng 42 trường nữa ở khắp thành phố New York, và đây là một phong trào để đưa việc giảng dạy khoa học thực nghiệm vào lớp học, đem các thực phẩm lành mạnh, tươi tốt vào nhà ăn của trường học, tăng cường giáo dục qua hệ thống học đường. Hiện nay là khoảng thời gian đầy hào hứng cho chúng tôi làm công việc về nông nghiệp tại thành phố New York, về làm sao gìn giữ môi trường bền vững, và chúng tôi hy vọng những gì chúng tôi làm ở đây sẽ giúp tạo một khuôn mẫu cho cả thế giới."

Nếu muốn tìm hiểu về phương pháp trồng rau trái trong nhà kính trên các nóc nhà theo phương pháp thủy canh, quí vị có thể liên lạc bằng Anh ngữ qua địa chỉ e-mail: info@nysunworks.org.

source

VOA Vietnamnet