Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Những phát minh xuất sắc nhất năm 2010


Những phát minh xuất sắc nhất năm 2010
Nov 24, 2010

Cali Today News - Tuần báo Time số cuối tháng 11 đã tổng kết những phát minh kỹ thuật đáng chú ý nhất. Sau đây là những phát minh độc đáo khi con người ngước lên nhìn vào bầu trời thênh thang trên đầu.

Đầu tiên là những cánh diều gọi là “Deep Green Underwater Kite” do một công ty Thụy Điển tên Minesto sản xuất. Thoạt trông thì chúng giống như đồ chơi trẻ con nhưng thật ra là một sáng tạo thần sầu vì chúng bay… dưới đáy biển!

Vì nước biển có độ đậm đặc lớn hơn không khí đến 800 lần nên nó có thể giúp những cánh diều này sản sinh ra điện nhiều gấp 800 lần so với nếu như nó bay trên trời. Ngay cả khi trời yên biển lặng, một turbine cột vào cánh diều dưới nước cũng sản xuất được 500 kilowatts điện.

Chính các giòng hải lưu đã làm diều cha đảo giúp turbine phát sinh điện và nhà vẽ kiểu cho hay nó giúp cho điện năng sản sinh do thủy triều tăng thêm đến 80%. Năm 2011 trên bờ biển Ái Nhĩ Lan, cánh diều “Deep Green” đầu tiên sẽ sản sinh điện, một cách vô cùng sạch!

Cũng bay lên trời, nhưng vật thể có tên STS-111 Instant Infrastructure không phải là một con chim giả hay máy bay, nó không người lái và có thể lên tới độ cao 9,000 feet và hoạt động trong 3 ngày.

Nó làm cái gì ở độ cao này? STS-111 có gắn đủ thứ dụng cụ để theo dõi các vùng có chiến tranh hay có thảm họa thiên nhiên, nhất là thảm họa làm các liên lạc về điện thoại bị mất, sẽ được nó giúp tái lập điện thoại.

Chính các loại khí khác nhau bên trong như helium ở phần đầu và ethane ở phần thân khiến nó có thể di chuyển lên xuống mà không cần khai hỏa hay đốt bất cứ thêm loại khí nhẹ nào. Nó truyền hình ảnh về cho trung tâm, giúp liên lạc điên thoại với người bị nạn với trung tâm. Mỗi chuyến đi của STS-111 không rẻ tí nào, từ 2 triệu đến 3 triệu đô la.

Terrafugia Transition là cái xe hơi bay thật sự, có thể làm đảo lộn ý niệm về giao thông, do một nhóm chuyên gia của viện MIT sáng tạo. Giá chưa tới 200,000 đô la, nghĩa là chưa bằng một chiếc Lamborghini, nhưng nó tổng hợp ích lợi của một xe hơi và một máy bay với đầy đủ chức năng, kể cả chiếc dù lớn bung ra nếu gặp trục trặc trên không!

Hai cánh được thu lại, xếp dọc theo hai bên hông rất gọn và công ty sản xuất căn dặn người lái chỉ bung cánh ra khi vào phi trường mà thôi. Động cơ mạnh 100 mã lực đẩy chiếc Transition chạy trên xa lộ mà nhiên liệu chỉ hao bằng con số rất khá là 35 miles cho mỗi gallon.

Khi vào tới phi trường, hai cánh sẽ bung ra như cánh chim hải âu và nó chỉ cần chạy có 1,700 feet là cất cánh lên không. Transtion có thể chở 2 người bay xa được 500 miles với vận tốc trung bình là 105 dặm/giờ. Chiếc xe đầu tiên như thế sẽ được giao cho khách hàng năm 2011. Năm tới nếu bạn phải đi từ San Jose về nam California, tại sao không mua một chiếc Transition để không còn phải bận tâm trên xa lộ với hàng triệu xe khác?

Giải thưởng sáng chế độc đáo nhất có lẽ phải trao cho anh chàng kỹ sư người NewZealand tên Glenn Martin, vốn để ra gần 30 năm để hoàn thiện chiếc máy bay phản lực cá nhân! Thật ra loại máy để bay bằng động cơ phản lực một người như thế đã xuất hiện từ năm 1961, nhưng không an toàn.

Cái động cơ mạnh 200 mã lực, mạnh hơn một chiếc Honda Accord, làm bằng sợi carbon diều khiển hai rotor làm bằng carbon-Kevlar bền chắc và nhẹ. Về lý thuyết động cơ như thế có thể mang phi công vọt lên tới độ cao 8,000 feet, nhưng vì nó chỉ đủ mang nhiên liệu cho chuyến bay kéo dài 30 phút nên bạn không thể nhẩn nha dạo chơi được.

Giá thành của một chiếc Jetback độc đáo khoảng 100,000 đô la và các thí nghiệm sẽ bắt đầu vào năm 2011. Như thế những anh chàng độc thân mà vội vã có thể sắm ngay một chiếc Martin Jetpack đê di chuyển, sau khi lấy vợ thì sẽ sắm một chiếc Transition!

Hồng Quang

source

Cali Today News

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Thủy điện xả lũ tràn lan: Dân lãnh đủ


Chủ Nhật, 14/11/2010, 07:50 (GMT+7)

Thủy điện xả lũ tràn lan: Dân lãnh đủ

* Khẩn cấp cứu quốc lộ 1A

TT - Hôm qua (13-11), Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo về vận hành hồ thủy điện trước băn khoăn của dư luận việc các hồ thủy điện xả lũ không đúng quy trình, góp phần gây lũ lớn hơn cho hạ du và làm thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân.

Thủy điện Hố Hô, Hà Tĩnh xả lũ góp phần gây lụt nặng vùng hạ du

Các ý kiến đưa ra tại hội thảo cho thấy có quá nhiều bất cập trong việc vận hành hồ thủy điện, từ cả phía chính quyền lẫn chủ hồ thủy điện.

Nhiều hồ thủy điện chưa có quy trình xả lũ

Bộ Công thương thừa nhận một số hồ thủy điện thiếu cán bộ vận hành có kinh nghiệm, có trường hợp không tuân thủ quy trình, thiếu linh hoạt và chưa lập được phương án vận hành phù hợp với điều kiện thực tế. Mặc dù vậy, Bộ Công thương cũng cho rằng các tồn tại trong việc xả lũ gây thiệt hại cho dân còn do... chính quyền địa phương.

Theo Bộ Công thương, đó là các cơ quan chịu trách nhiệm phòng chống lụt bão nhiều nơi thiếu chủ động kiểm tra, đôn đốc, thiếu phối hợp với chủ đầu tư trong điều hành hồ, không nắm được thông tin, nhất là khi xả lũ. Cá biệt một số cán bộ chuyên trách của cơ quan phòng chống lụt bão địa phương không đủ năng lực, thậm chí không nắm được thông tin về công trình cũng như nội dung quy trình vận hành hồ chứa thủy điện.

Theo ông Cao Anh Dũng - cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), thời gian qua cục thường xuyên theo dõi, kiểm tra các thủy điện lớn, “còn thủy điện nhỏ, nói thật, do rất nhiều nên cục chưa đủ người đi kiểm tra” - ông Dũng nói. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng lại đưa ra được con số cụ thể. Ông cho biết VN có 32 nhà máy thủy điện vừa và lớn, công suất từ 30MW trở lên, 86 nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30MW - một số lượng mà ông Vượng cho là chưa lớn, vì theo quy hoạch, VN sẽ có tới gần 1.000 thủy điện nhỏ.

Ông Dũng cho biết Thủ tướng mới ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa cho ba lưu vực sông, trong khi có 11 lưu vực sông cần có quy trình. Đặc biệt, ông Dũng cho biết nhiều hồ chứa đã vận hành nhưng... chưa hề có quy trình vận hành hồ chứa được phê duyệt. Cũng theo ông Dũng, nhiều chủ hồ không xây dựng hoặc xây dựng phương án phòng chống lụt bão có nội dung chưa thỏa đáng.

Về việc cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các chủ hồ và cơ quan quản lý, ông Dũng cho rằng chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là thủy điện nhỏ do địa phương quản lý. “Ngay ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Bộ Công thương, khi xảy ra sự kiện hồ thủy điện Hố Hô cũng khó khăn trong thu thập thông tin” - ông Dũng nói.

Ảnh (từ trên xuống): Lụt liên tiếp ở các xã Đức Thọ, huyện Vũ Quang; xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân và huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh - Ảnh: VĂN ĐỊNH - THUẬN THẮNG - VIỄN SỰ

Cần có giám sát nhân dân

Để giảm thiệt hại do xả lũ, ông Nguyễn Trâm, tổng giám đốc thủy điện A Vương, chia sẻ kinh nghiệm mời người dân đến nghe mô hình xả lũ. A Vương cũng đã lập ban giám sát nhân dân, mời 12 người dân, mỗi ngày hai người trực với thủy điện để tăng trách nhiệm của cán bộ vận hành việc xả lũ và để công khai, tránh dị nghị. Tuy nhiên, ông Trâm cũng than thở: mỗi khi xả lũ, chủ hồ thủy điện phải báo cáo... 10 đầu mối.

Bộ Công thương cho biết sắp tới sẽ triển khai tám giải pháp lớn, trong đó sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện trên toàn quốc, tiếp tục phối hợp với các bộ xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, tăng mạng lưới các trạm đo mực nước trên sông...

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các chủ đập thủy điện phải có “chân” trong ủy ban phòng chống lụt bão của địa phương để bám sát tình hình. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ rà soát các thủy điện nhỏ, nếu nhà máy nào phát điện ít mà gây ngập lụt nhiều thì loại bỏ. Ông Vượng nhấn mạnh các chủ đập cần đầu tư cho quan trắc, vận hành vì “nếu làm không tốt điều này thì dù vận hành đúng quy trình nhưng có thể cũng không hiệu quả”.

C.V.KÌNH

Khó xử phạt hồ thủy điện gây lũ

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ khiến người dân vùng hạ lưu ở Phú Yên khốn khổ - Ảnh: Nguyễn An Bang

Tại hội thảo, giải thích về những vấn đề dư luận nêu mới đây liên quan đến xả lũ của thủy điện Sông Ba Hạ, ông Võ Văn Tri - tổng giám đốc thủy điện Sông Ba Hạ - cho biết việc không báo cáo UBND tỉnh Phú Yên trước xả lũ chủ yếu là do... lỗi văn thư. Theo ông Tri, do cán bộ đã fax cho UBND tỉnh thông báo đầu tiên nhưng lại bấm sai số fax, gọi điện cũng không được.

Mặc dù vậy, ông Cao Anh Dũng cho rằng khó xử phạt và bắt các chủ hồ thủy điện đền bù được vì... chưa có quy định. Song ông Dũng công nhận cần có quy định về xử phạt các chủ hồ vận hành sai quy trình. Ông Đào Tấn Cam, giám đốc Sở Công thương Phú Yên, đề nghị cần có chế tài các hồ thủy điện làm sai trong trường hợp “một thủy điện ở tỉnh Gia Lai, nước họ xả xuống Phú Yên nhưng họ không báo cáo chúng tôi cũng chịu”. Ngoài ra, ông Cam đề nghị phải có sơ đồ ngập lụt cho liên hồ vì hiện mới chỉ có sơ đồ cho từng hồ, trong khi “các hồ cùng xả thì sơ đồ ngập lụt sẽ rất khác”.

_____________________

Khẩn cấp cứu quốc lộ 1A

“Rất nghiêm trọng!” - ông Nguyễn Đức Thắng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, đánh giá về tình trạng sạt lở quốc lộ 1A đoạn qua thôn Cần Lương, xã An Dân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

>> Hãi hùng đất lở

Đến sáng 13-11, nhờ nỗ lực của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, đoạn quốc lộ 1A bị sạt lở tại km1294+820 qua thôn Cần Lương (Tuổi Trẻ ngày 13-11) đã được mở rộng về phía taluy dương 4m, dài 130m và cho thông xe hai chiều. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở của quốc lộ tại điểm này tiếp tục diễn ra với dự báo xấu.

Hàng ngàn khối đất đá được vận chuyển đến để cứu đoạn đường - Ảnh: Duy Thanh

Đường có thể bị “trôi”!

Trọn buổi sáng 13-11 khảo sát khu vực quốc lộ 1A bị sạt lở, ông Nguyễn Thanh Tịnh, phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 5 (thuộc Khu Quản lý đường bộ 5), cho biết: “Tôi rất lo khi dự báo sẽ có mưa lớn vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Nếu mưa lớn kéo dài thì nguy cơ cả mặt đường quốc lộ đoạn này sẽ bị “trôi” về phía dưới và có khả năng tắc giao thông hoàn toàn!”.

Kỹ sư Lê Năng Hải, cán bộ phòng kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, cho hay kể từ khi xuất hiện tình trạng sạt lở (ngày 10-11), công ty đã đổ hơn 2.000m3 đất đá để giữ nền đường và mặt đường, chống sụt lún thêm.

“Dù vậy, tình trạng sụt lún đang tiếp tục diễn ra do lượng xe trọng tải lớn qua lại nhiều và nền đường quá yếu. Cứ đổ một đống đất đá lớn, chưa kịp san bằng thì sau một đêm đã thấy lượng đất đá này lún trụt về phía dưới. Mặt đường đang bị đẩy vẹo về phía đông, sâu 6-7m, kéo dài gần 100m. Gần một nửa mặt đường đoạn này đã bị giật sập xuống phía dưới” - kỹ sư Hải nói.

Nhận định ban đầu về nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng đoạn quốc lộ 1A này, ông Nguyễn Thanh Tịnh nói: “Cấu tạo địa chất ở khu vực này phức tạp, có thể nói là rất yếu. Khi mưa lớn kéo dài, nước từ trên núi ngấm sâu xuống đất thành mạch nước ngầm rửa trôi lớp cát dưới cùng, làm tầng đất sét giữa bị nhão ra và trượt, kéo đổ cả phần nền đường và mặt đường”. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở ba điểm trên đoạn đường này vào mùa mưa năm 2005 (km1294+225 dài 50m, km1295+075 dài 70m và km1296+050 dài 120m, sâu 2-7m) gây tê liệt quốc lộ 1A đoạn qua khu vực này gần ba ngày liền.

Ngoài điểm sạt lở nghiêm trọng trên, theo kỹ sư Lê Năng Hải, tại km1293+750 ở cách đó gần 1km về phía bắc, thuộc xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu cũng xuất hiện một vết nứt lớn và dài, xô hệ thống rọ đá ngăn lở từ cách chân mép rãnh đường 7m giờ chỉ còn 3m.

Dời dân làm đường tránh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Thắng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, đánh giá: “Tình trạng sạt lở ở đoạn quốc lộ 1A này ở mức rất nghiêm trọng. Tỉnh Phú Yên đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào chiều 12-11 và ngay trong chiều cùng ngày, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ VN có mặt tại hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục trong tình huống khẩn cấp, vì nếu không làm kịp thời thì tuyến đường huyết mạch của đất nước có thể bị đứt, gây tắc giao thông”.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, công việc làm ngay là khẩn trương thi công tuyến tránh để không gây áp lực lên đoạn quốc lộ yếu và sạt lở hiện nay. “Ngay trong đêm 12-11, chúng tôi đã lên phương án và tiến hành khảo sát, đo vẽ, thu hồi đất, di dời dân để làm ngay tuyến tránh. Vì là công trình trong tình huống khẩn cấp nên vừa thiết kế vừa thi công ngay theo hình thức cuốn chiếu chứ không thể chờ đợi” - ông Thắng nói. Ông cũng cho hay tuyến tránh này mở sâu về phía taluy dương khoảng 30m, làm đường rộng 12m đảm bảo hai làn xe lưu thông với độ dài khoảng 200m.

Về lâu dài, ông Thắng nói rằng Tổng cục Đường bộ VN sẽ tổ chức khoan địa chất, khảo sát tình hình toàn đoạn quốc lộ dài 7km qua khu vực thường xảy ra sụt lún nghiêm trọng này để có hướng khắc phục bền vững. “Chúng tôi sẽ ưu tiên việc xử lý bền vững 7km của đoạn quốc lộ 1A này. Lâu nay chúng tôi làm theo kiểu hư chỗ nào xử lý chỗ đó, nhưng tại khu vực này cần phải nghiên cứu xử lý cả đoạn dài” - ông Thắng cho biết.

Di dời dân khẩn cấp

Trưa 13-11, ông Trần Hữu Hiệu - chủ tịch UBND xã An Dân, huyện Tuy An - cho biết vừa thực hiện xong việc di dời khẩn cấp sáu hộ dân ở thôn Cần Lương bị quốc lộ 1A sạt lở làm sập nhà, uy hiếp đến tính mạng. Địa phương này cũng vận động 11 hộ khác có nhà bị rạn nứt do tình trạng lở quốc lộ gây ra chuẩn bị di dời. “Xã đã có phương án khẩn trương mở rộng khu tái định cư để đưa các hộ dân này đến ở, ổn định cuộc sống”.

DUY THANH

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/410855/Thuy-dien-xa-lu-tran-lan-Dan-lanh-du.html

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Hãi hùng đất lở


Thứ Năm, 11/11/2010, 07:46 (GMT+7)

Hãi hùng đất lở

TT - Hàng loạt vết nứt toang hoác chạy dài hàng trăm mét, sâu không thấy đáy, giật sập con đường xuống hố sâu. Những ngôi nhà như có bàn tay khổng lồ nào đó bóp lại, nứt toác, vẹo vọ khiến chủ nhân phải bỏ của chạy lấy người. Đó là cảnh đang diễn ra ở xã miền núi An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

>> Phú Yên: đất nứt, đe dọa hàng chục nhà dân

Quốc lộ 1A bị sạt lở đoạn qua tỉnh Phú Yên - Ảnh: Duy Thanh

Ba ngày qua, người dân xã miền núi An Lĩnh sống trong sợ hãi khi đất dưới chân bỗng dưng “cựa quậy” dữ dội. Đã có ba gia đình ở xóm Chợ, thôn Phong Thái, xã An Lĩnh từ sáng 9-11 phải ra khu nhà chợ gần đó sống tạm vì căn nhà của họ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Hàng chục ngôi nhà khác đang bị đất nứt uy hiếp, đe dọa.

Như động đất

Sáng 10-11, ông Phan Chí Linh với vẻ mặt còn chưa hết bàng hoàng, đưa chúng tôi vào căn nhà khá kiên cố xây từ năm 2003. Ông Linh kể: “Sáng 9-11, cả nhà đang ngồi ăn sáng bỗng nghe nhiều tiếng răng rắc. Vôi vữa rơi ngay trong mâm cơm. Đất dưới chân sụt xuống, vài chỗ khác thì gạch men trồi lên, nổ tanh tách. Hoảng hốt, cả nhà quăng đũa bỏ chạy ra sân. Xung quanh cũng có vài nhà chạy ra sân, ra đường.

Chốc lát, cả xóm xôn xao vì chuyện đất dưới nền nhà cựa mình. Mọi người tưởng có động đất”. Ngôi nhà ông Linh giờ đầy những vết nứt ngang dọc trên các bức tường. Nền nhà, bậc tam cấp lát gạch men nơi gồ lên, nơi lõm sâu xuống, bong tróc, biến dạng. Ở nhà dưới, một mảng tường lớn gần như không còn gắn kết vôi vữa vì vết nứt quá lớn, tưởng chỉ cần dùng tay đẩy nhẹ là có thể đổ sập xuống.

Nhà ông Thái Văn Trọng, 56 tuổi, ở gần đó cũng bị tình trạng tương tự. Ông Trọng kể: “Trưa 9-11, tôi đang nằm ở nhà trên thì nghe nhà dưới có nhiều tiếng răng rắc rất đáng sợ. Vội vàng chạy xuống, tôi hoảng hồn khi thấy bức vách nứt ra, hiên dưới xệ xuống, nền nhà búng lên. Cả ngày và đêm 9-11, nhà tôi bị vài lần như vậy. Chúng tôi phải dùng cây gỗ chống tạm cho nhà khỏi sập, nhưng giờ không dám ở nữa. Ở trong ngôi nhà này 25 năm, giờ chắc phải đi nơi khác ở thôi”.

Tại khu xóm Chợ ở thôn Phong Thái, ngoài nhà của ông Linh, ông Trọng còn có nhà bà Nguyễn Thị Ý, 51 tuổi, cũng bị đất chuyển làm nứt nẻ nhiều nơi, có thể đổ sập. Ông Trần Quốc Vương, cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi xã An Lĩnh, cho biết ngoài ba gia đình trên hiện chính quyền địa phương đang vận động năm gia đình khác ở xóm Chợ bị đất nứt uy hiếp trực tiếp di dời đến nhà bà con ở tạm.

Tường nhà ông Phan Chí Linh bị nứt, sắp đổ sập - Ảnh: Duy Thanh

Nhà của ông Nguyễn Ngọc bị đất đá từ quốc lộ 1A xô đổ - Ảnh: D.T.

Nguy cơ xóa sổ làng mạc

Ông Trần Văn Bửu, phó bí thư Đảng ủy xã An Lĩnh, cho biết trong các năm 1983, 2001, tại xã An Lĩnh cũng xuất hiện tình trạng đất nứt vào mùa mưa nhưng chưa bao giờ xảy ra nặng và trên diện rộng như vậy. “Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có 25 hộ ở ba thôn Phong Thái, Quang Thuận, Vĩnh Xuân bị đất nứt uy hiếp. Có nhà ở thôn Quang Thuận, vết nứt rộng và dài cắt ngang mặt nhà. Riêng khu xóm Chợ có 55 hộ đều nằm trong khu vực bị đất nứt đe dọa. Cả trụ sở xã An Lĩnh, điểm Trường THCS Nguyễn Hoa đều bị nứt nẻ, nguy cơ sập rất lớn” - ông Bửu nói.

Đất “cựa mình” còn làm hư hỏng nghiêm trọng con đường huyết mạch nối từ đầu thôn Phong Thái lên trung tâm xã An Lĩnh ở thôn Thái Long. Khoảng năm ngày qua, trên con đường đất cấp phối này xuất hiện hàng chục vết nứt dài trên một quãng hơn 100m, nơi rộng nhất của vết nứt khoảng 2,5m, sâu hun hút.

Có nơi nền đường sập hẳn, trôi tuột xuống vùng đất canh tác nông nghiệp của dân ở phía dưới. Đất nền đường rất xốp, đi bộ có thể bị lún chân xuống. Ông Trần Văn Bửu nói: “Con đường này giờ đây xe máy qua lại rất khó khăn, nguy hiểm, ban đêm không thể nào đi được vì có thể bị sụp xuống hố sâu”.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, chủ tịch UBND xã An Lĩnh, cho biết: “Do An Lĩnh nằm trên vùng đồi, sườn dốc nên mỗi khi có mưa lớn kéo dài, đất nhão ra, gây trượt trên diện rộng”. Cũng theo ông Dũng, trong khoảng 10 năm nay xã đã đầu tư xây dựng khu tái định cư Giếng Dông rộng 12ha nằm cách trung tâm xã khoảng 2km để di dời khoảng 80 hộ dân trong khu vực bị đất nứt uy hiếp. Hiện nay khu này đã có khoảng 20 hộ chuyển đến xây dựng nhà ở.

DUY THANH

Quốc lộ 1A qua Phú Yên đổ sụp hơn 1/3 mặt đường

* Núi Nhạn lại sạt lở

Sáng 10-11, quốc lộ 1A tại km1294+820 thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên, nơi bị lún sụt ngày 9-11, đã đổ sụp hơn 1/3 mặt đường một đoạn dài gần 100m, đưa cả đất đá và mái taluy âm xuống sâu bên dưới khoảng 4m. Đất đá từ trên chỗ sạt lở này đã chảy xuống, tràn vào căn nhà kiên cố của ông Nguyễn Ngọc làm nứt gãy nhiều chỗ. Cả gia đình ông Ngọc phải sơ tán người và di dời toàn bộ đồ đạc sang nhà bà con vì ngôi nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào.

Do tình trạng sụp đổ đường, quốc lộ 1A qua đoạn này chỉ lưu thông được một chiều. Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã tập trung nhiều xe chở đất đá đổ xuống nơi đổ sụp để chặn không cho nền đường sạt thêm.

* Sáng 10-11, núi Nhạn (phường 1, TP Tuy Hòa, Phú Yên) lại sạt lở. Điểm sạt lở mới tại sườn phía đông nam, nằm cạnh đường Phan Đình Phùng và Bạch Đằng, cách di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia tháp Nhạn khoảng 50m. Tại điểm sạt lở, hàng chục mét khối đất đá, gốc rễ cây đổ xuống bên sườn núi, xổ thẳng xuống khu dân cư. Điểm sạt lở đang xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, nguy cơ tiếp tục sạt rơi nhiều tảng đất đá mới.

D.THANH - T.TRỰC

* Bình Định: thiệt hại hơn 513 tỉ đồng

Trong hai ngày 9 và 10-11, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giảm đáng kể nên mực nước lũ trên các sông đang rút. Tuy nhiên, do triều cường dâng cao nên nước lũ rút rất chậm. Hơn 4.000 hộ dân thuộc các vùng khu đông hai huyện Tuy Phước và Phù Cát bị cô lập hoàn toàn từ 7-10 ngày qua.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến chiều tối 10-11, trên địa bàn tỉnh đã có bảy người chết, một người mất tích, hai người bị thương. Mưa lũ làm sập hoàn toàn 46 ngôi nhà, 117 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng... Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 513 tỉ đồng.

X.NGUYÊN

Lũ bùn ở Cao Bằng: chặn suối, hút bùn

Ngày 10-11, đại diện UBND tỉnh Cao Bằng, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), Tổng công ty Khoáng sản VN (Vimico) đã triệu tập cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả trận lũ bùn tại Duyệt Trung (Cao Bằng).

Các bên đã thống nhất phương án đắp đất chặn hạ lưu suối Nà Chúa để ngăn không cho bùn thải tiếp tục chảy ra sông Bằng, đào hố gần khu vực hạ lưu suối, sau đó bơm nước từ thượng nguồn làm loãng bùn. Bùn loãng sẽ được bơm từ suối vào hố chứa, sau khi lắng lọc xong sẽ dùng máy xúc bùn đổ vào bể chứa bùn thải của mỏ.

Tổng giám đốc Vimico Đặng Thanh Hải cho biết đã chỉ đạo Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Cao Bằng huy động máy xúc, máy ủi, ống hút và hơn 400 công nhân đi dọc suối Nà Chúa dọn dẹp bùn thải. Hiện TKV và Vimico đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thúc đẩy tiến độ để tiến hành xây đập chứa số 5. Hiện tại đập số 4, nơi xảy ra sự cố, đang được ứng trực 24/24 giờ đề phòng sự cố tái diễn.

LÂM HOÀI

Kiểm tra lại quy trình xả lũ thủy điện Đa Nhim

Chiều 10-11, ông Nguyễn Trọng Oánh, giám đốc Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Đa Nhim, thuộc Tập đoàn Điện lực VN - EVN), cho hay đã nhận được văn bản của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị Nhà máy thủy điện Đa Nhim có trách nhiệm và hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do đợt xả lũ vừa qua.

Ông Oánh nói công ty đã làm báo cáo về yêu cầu của hội lên cấp trên, tức EVN. Công ty cũng đã liên lạc để có cuộc làm việc với hội, qua đó chứng minh cho tổ chức này thấy việc xả lũ vừa qua của Nhà máy thủy điện Đa Nhim là đúng quy trình kỹ thuật và pháp luật, mức xả nằm dưới mức cho phép. Ông Oánh nói công ty cũng muốn “chứng minh” tương tự trước Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lâm Đồng và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Lâm Đồng.

Trong khi đó, chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng Phùng Khắc Đồng cho hay UBND tỉnh đã nhận được văn bản nêu vụ xả lũ và kiến nghị từ Hội Nông dân tỉnh muốn chính quyền tỉnh tác động đến trách nhiệm của Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Theo ông Đồng, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các ngành hữu trách của tỉnh kiểm tra lại quy trình xả lũ của Nhà máy thủy điện Đa Nhim, cùng lúc đánh giá thiệt hại của nông dân. Sau đó mới có ý kiến chính thức đối với nhà máy, cũng như phúc đáp kiến nghị từ Hội nông dân.

Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi nói sẵn sàng cung cấp toàn bộ nhật trình xả lũ của các ngày mưa lũ vừa qua cho bất cứ cơ quan chức năng nào. Trong khi đó, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đơn Dương khẳng định trên 900ha rau, lúa bị thiệt hại trắng trải dài ở địa bàn sáu xã hạ lưu vừa qua hầu hết là đất có sổ đỏ, không phải đất xâm canh trái phép.

N.H.T.

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/410378/Hai-hung-dat-lo.html