“Hạ nguồn sẽ mất 41 tỉ mét khối nước” vì các công trình thủy điện Trung Cộng
Xe honda đã được chế biến cho các tỉnh ven sông Hậu, với ống bô đưa lên cao, để dùng trong mùa lũ thất thường – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.
Thanh Phong/Viễn Đông (thực hiện)
LITTLE SAIGON - Dòng sông Mekong có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với các quốc gia mà nó chảy qua, trong đó có Việt Nam. Gần đây nhà cầm quyền Trung Cộng cho xây nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, không những làm thiệt hại về nguồn lợi thủy sản mà có nguy cơ làm mực nước sông Cửu Long cạn dần, đe dọa vùng đồng bằng Hậu giang, một vựa lúa nuôi sống cả nước và hàng năm xuất cảng một khối lượng gạo rất đáng kể. Để tìm hiểu về vấn đề quan trọng, sinh tử này, chúng tôi đã phỏng vấn kỹ sư Phạm Phan Long, một nhà khoa học và một trong những sánh lập viên của Viet Ecology Foundation. Ông đã dành nhiều thì giờ nghiên cứu về sông Mekong và hôm 8 tháng 5 vừa qua, ông đã trả lời cuộc phỏng vấn của Viễn Đông như sau.
Viễn Đông: Kính chào kỹ sư Phạm Phan Long, xin ông vui lòng lược qua vài nét về địa dư của sông Mekong?
Ô. Phạm Phan Long: Sông Mekong là dòng sông quốc tế dài 4800 km phát nguồn từ vùng Thanh Hải, Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái, Cam Bốt và Việt Nam ra Biển Đông. Lưu vực sông Mekong rộng 795,000 km2 và lưu lượng ra biển trung bình 15,000 m3/giây, 775 tỉ m3/năm -thứ tám trên thế giới. Nước Mekong chảy về hạ nguồn từ 2,000 m3/giây vào mùa hạn và tăng lên 50,000 m3/giây vào mùa lũ (tăng 25 lần và Tonle Sap tăng 50 lần).
Viễn Đông: Thưa ông, tại sao có tên Mekong và tại sao có tên Cửu Long. Dùng tên nào cho chính xác?
Ô. Phạm Phan Long: Sông Mekong là nguồn sống cưu mang 70 triệu cư dân trong đó có đến 70 sắc tộc nên Mekong mang nhiều tên khác nhau tùy theo dân cư từng vùng: Trên thượng nguồn, người Tây Tạng gọi Mekong là Dzu Chu (River of Rocks), Trung Quốc gọi là Lancang Jiang (Cuồng Nộ), người Thái gọi là Mae Nam Khong (sông Mẹ), và người Việt gọi là sông Cửu Long.
Sông Mekong được tạo hóa ban cho 1.500 –1.700 giống cá, và nhiều sinh vật hoa màu. Về sự phong phú đa dạng sinh thái, sông Mekong chỉ đứng sau sông Amazon mà thôi. Tạo hóa ban cho Mekong một hồ chứa thiên nhiên hoàn hảo; đó là Biển Hồ Tonle Sap. Đây là kho tàng vô giá và một phép lành cho dân cư Cam Bốt và ĐBSCL. Biển Hồ vừa là vựa cá cho dân Cam Bốt, vừa là khiên chắn lũ và hồ nước cho cả trăm ngàn tấn cá sinh sản cho dân Cam Bốt và Việt Nam thu hoạch tại hạ nguồn.
Dân tộc Thái và Lào tin vào thần thọai thần Naga đã sống tại dòng Mekong, sau khi tĩnh tâm, thần Naga đã nhả ra hồng cầu, to như quả trứng, bay từ mặt sông lên trời. Truyền thuyết này đã được dân chúng làm thành lễ hội truyền thống của họ. Người Cam Bốt còn tin rằng họ chính là con cháu của Công chúa con gái thần Naga sinh ra. Do đó, sông Mekong còn có ý nghĩa văn hóa và linh thiêng đối với cư dân lưu vực.
Mekong là bát cơm, đĩa cá, lợi tức, kế sinh nhai và nguồn sống còn của 70 triệu người đa số là nông ngư dân. Nguồn sống này vẫn có từ ngàn năm nhưng nay đang trên đà suy thoái, bị tàn phá nặng nề phần lớn bởi con người đã và đang khai thác vô trách nhiệm, thêm vào thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đất sạt lở ở huyện Tân Châu, An Giang – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.
Viễn Đông: Xin ông cho biết ảnh hưởng của sông Mekong trong lưu vực?
Ô. Phạm Phan Long: Sông Mekong có ba ảnh hưởng lớn trong lưu vực là Phù sa, Ngư nghiệp, và Nông Nghiệp.
Về phù sa: Sông Mekong mang một trọng tải phù sa xuống hạ nguồn và ra cửa biển. Theo nghiên cứu năm 2006 của TS Avijit Gupta, Đại học Leeds, sông Lancang-Vân Nam đổ vào Mekong 80 triệu tấn phù sa hay 50% của tổng số 150-170 triệu tấn phù sa về hạ nguồn. Nguồn phù sa này là nguồn chất dinh dưỡng thiên nhiên cho ngư sản và phân bón cho hoa màu nông nghiệp hạ nguồn. Phù sa này còn là nguồn bồi đắp thiết yếu cho duyên hải Nam Việt và dinh dường cho sinh vật ở đó.
Về ngư nghiệp: Lưu vực sông Mekong sản xuất được 1,5 triệu tấn ngư sản hàng năm, số ngư sản này là 80% nguồn chất đạm cho 70 triệu dân cư lưu vực. Giá trị ngư sản của Mekong ước tính là 2 - 3 tỉ Mỹ kim hàng năm.
Mekong còn là nơi trú ẩn, sinh tồn của nhiều loài cá hiếm quý gần tuyệt chủng như loài cá hô Pangasianodon gigas (giant cat fish mà người Thái gọi là Pla Buk), cá heo Irrawaddy và hàng trăm giống di ngư - migratory fish - bơi xuống hạ nguồn để trưởng thành và rồi lớn lên trở ngược lại thượng nguồn để đẻ trứng theo một chu trình thiên nhiên của chúng.
Về nông nghiệp: Tổng số gạo sản xuất từ ba nước Việt Nam, Thái Lan và Cam Bốt tương đương với 10% tổng số lượng gạo xuất cảng trên của thế giới. Việt Nam đã xuất cảng 4,6 triệu tấn trong bảy tháng đầu và dự trù xuất cảng đến 6 triệu tấn gạo (2,7 tỉ Mỹ kim) trong năm 2009. Số lúa gạo này là nhờ phần lớn vào ĐBSCL, phù sa màu mỡ và nước sông cung cấp cung cấp từ thượng nguồn.
Viễn Đông: Thưa ông, gần đây hiện tượng nước tại Biển Hồ Campuchia cũng như tại sông Tiền, sông Hậu cạn dần, nguyên do từ đâu?
Ô. Phạm Phan Long: Hạn hán trong mùa khô năm nay là do nhiều nguyên nhân nhưng hai nguyên chân chính là vì mưa xuống ít hơn khắp lưu vực mà lý do khắc nghiệt chính là vì Trung Quốc đã hãm nước tại thượng nguồn Mekong, nâng hồ Tiểu Loan chuẩn bị họat động năm 2011. Thất thoát nước vì các hồ thủy điện Trung Quốc (TQ) không hề đề cập đến và cả Mekong River Commission (MRC) rất tránh né; hồ Tiểu Loan chẳng hạn, sẽ chiếm đoạt ngay 15 tỉ mét khối nước, sắp hoạt động. Nếu chỉ giữ lại nửa lưu lượng Lan Thương lại tại hồ này, TS Tyson Roberts đã ước tính phải mất ít nhất 10 năm. Trong thời gian này TQ không thể có dư nước để gởi về cho hạ nguồn vào mùa hạn như hứa hẹn.
Những năm tới sẽ còn ghê gớm hơn, hạ nguồn sẽ còn mất thêm 22 tỉ mét khối nữa cho Trung Quốc đầy hồ Noushadu (Nọa Trát Độ) dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2014. Hạ nguồn sẽ mất tổng cộng và ít nhất là 41 tỉ mét khối cho 8 hồ chứa Vân Nam, tương đương 2/3 số nước hàng năm Vân Nam vẫn chảy xuống hạ nguồn.
Nước cạn, cá ở biển Hồ Campuchia cũng bị bắt sạch – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.
Viễn Đông: Như vậy tác động do những nhà máy thủy điện Trung Cộng ảnh hưởng như thế nào?
Ô. Phạm Phan Long: Nguy hại từ thủy điện dường như trút xuống hoàn toàn trên dân cư lưu vực, so với giới đầu tư, kỹ nghệ và thành phố, nông ngư dân là thành phần đông nhất 80% nhưng ít được hưởng lợi nhất. Họ chưa chắc sẽ được điện về thắp sáng thôn làng; họ không có quyền quyết định về các dự án ấy, họ lại không có hậu thuẫn chính trị để tự vệ. An toàn thực phẩm, kế sinh nhai và tài nguyên còn lại cho các thế hệ tương lai của họ đều là những điều bất khả nhân nhượng đã dần dần bị hy sinh mà không thể cứu vãn được. Dân cư Mekong phải lên tiếng bảo vệ phần còn lại.
Hiểm họa và suy thoái đã xảy ra trên khắp lưu vực sông Mekong, tuy đã tiên đoán trước và cảnh báo, khoa học đã mất 10 năm từ khi thủy điện Vân Nam bắt đầu hoạt động mới có được những dữ kiện xác quyết về sự suy thoái rất đáng biết như sau:
1. Thay đổi chế độ thủy hệ: Lưu lượng sông vào mùa lũ sẽ giảm và mùa hạn sẽ tăng chỉ là hứa hẹn không có cam kết của Trung Quốc và khối đầu tư thủy điện. Trên thực tế công suất điện năng từ các nhà máy thượng nguồn sẽ là yếu tố quyết định lưu lượng nước được cho thả xuống hạ nguồn. Nước Mekong thực tế đã giảm xuống vào mùa hạn. Theo tường trình năm 2004 của SEARIN (Southeast Asia River International Network), sau khi Manwan xây xong lưu lượng giảm 25%. Theo tường trình 2006 của X. X. Lu và R. Y. Siew thuộc trường Đại Học Quốc Gia Singapore, lưu lượng tối thiểu tại Chiang Saen đã giảm nhanh vào năm 1990 đến 2005 chỉ còn 50%. Hệ quả tất yếu là muối sẽ xâm nhập sâu hơn vào thềm lục địa ĐBSCL gây thất thoát thu hoạch nông nghiệp.
2. Thất thu ngư nghiệp: Diện tích vùng lụt hàng năm sẽ giảm và trực tiếp gây thiệt hại cho ngư nghiệp. Mặt hồ Tonle Sap, theo mùa lan rộng lên gấp 6 lần từ 2.000 km2 tới 14.000-18.000 km2 từ hạn sang lũ. Tonle Sap mất đi có thể 50% diện tích vùng lụt; thời gian lụt sẽ rút ngắn đi. Cá sẽ mất đi nơi sinh sản và không đủ có nhiều thì giờ tăng trưởng và do đó tiềm năng sản suất ngư sản sẽ phải giảm nặng hơn diện tích. Theo tài liệu MRC, cá hô (cá bông lau khổng lồ) bắt được ở cao điểm là 61 con năm 1988 đến năm 2002 không thấy và nay rất hiếm, gần như tuyệt chủng. Sau khi Trung Quốc cho chất nổ phá cù lao đảo mở gềnh thác trên Lancang năm 2002, Thái Lan báo cáo mất 50% ngư sản tại Chang Rai trong thời gian 2001-2004. Nếu Trung Quốc hoàn thành hết 8 đập Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại 50% nước sông Lancang thì hậu quả sẽ nặng nề hơn thế nữa.
3. Thất thoát phù sa: Sông Lancang Trung Quốc vốn cung cấp khoảng 74 triệu tấn phù sa vào 1962-1992 nhưng đến 1993-2000 chỉ còn 34 triệu tấn phù sa xuống được Chiang Saen Mekong. TS Matti Kummu (đại học Helsinki University, Phần Lan) tường trình tương tự ở Chiang Saen, Luang Prabang và Pakse năm 2006 và cho biết đập Jinghong chặn 90% và đập Manwan chặn 68% phù sa Vân Nam không cho chảy xuống dòng Mekong nữa.
4. Sạt lở ven sông: Hiện tượng mất phù sa làm nước sông “đói” sói mòn ven bờ đề đòi lại phù sa, gây sạt lở, lấn vào thôn ấp ven sông nơi đa số cư dân sinh sống. GS. TS. Des Walling, chủ tịch World Association for Sediment and Erosion Research, tường trình về nồng độ và trọng tải phù sa tại Chiang Saen Mekong cho thấy sút giảm đột ngột 1996-1999 và mất rất rõ 50% vào năm 2004.
5. Biển lấn vào duyên hải: Tạ Thị Kim Oanh và TS Nguyễn Văn Lập (Viện Khoa Học và Công Nghệ) đã ghi nhận vận tốc đất bồi tại Cà Mau năm 1996 đã mất từ 3.189 xuống 1.401 hecta/năm; Bến Tre từ năm 1987 đã giảm mất từ 2.913 xuống 1.281 hecta/năm. Cà Mau đang lùi dần cho biển lấn vào với vận tốc 17 hecta/năm từ năm 1985-1998. Đây là những biến đổi vô cùng quan trọng cho hệ sinh thái ĐBSCL cần được Việt Nam ưu tiên lưu tâm trên tầm mức quốc gia, nếu không nói là đến lúc phải đánh tiếng chuông báo nguy với MRC và Trung Quốc. Sự việc này đã trùng hợp xảy ra sau khi đập Manwan bắt dầu hoạt động ở Vân Nam (1993-1995). Mối liên hệ trực tiếp của các đập thượng nguồn và sạt lở duyên hải hạ nguồn đã là kinh nghiệm tất yếu xảy ra khắp các sông lớn của thế giới.
6. Tuyệt chủng di ngư: Hàng trăm giống di ngư trên dòng Mekong sẽ bị thoái hóa và có hiểm họa diệt chủng vì chu trình sống của chúng bị chăn đứng tại các con đập không còn xuống được cuối nguồn để lớn lên và không về lại thượng nguồn để sinh sản. Phù sa giảm, tỷ trọng dòng nứơc thay đổi theo, độ nổi của trứng và cá con sẽ bị ảnh hưởng.
7. Thiệt hại nông nghiệp: Tác động trên nông nghiệp ĐBSCL, theo TS Tyson Roberts của Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian Tropical Research Institute, mùa lũ sẽ không còn nước nhiều chảy xuống để rửa phèn nữa và mực nước sông đủ thế năng cao để đưa nước vào Đồng Tháp Mười để canh tác, thu họach ĐBSCL sẽ giảm theo.
Viễn Đông: Trước nguy cơ khủng khiếp như vậy, theo ông, các nước trong hạ nguồn phải làm gì để đối phó?
Ô. Phạm Phan Long: Trung Quốc đã hứa hẹn nhiều lợi ích cho hạ nguồn để che đậy và ráo riết khai thác thủy điện ở thương nguồn. Họ đã không thực hành một hứa hẹn nào cả dù đã hoàn tất 3 và sắp 4 trong chuỗi 8 con đập. Dân tộc hạ nguồn đã hứng chịu thiệt hại nặng nề mà không có tiếng nói và không được hưởng môt lợi ích gì. Mekong River Commission (MRC) đã hoàn toàn bất lực và thụ động chỉ xin và chờ TQ thông tin của TQ, hành xử như đại diện cho TQ hơn là cho dân cư hạ nguồn.
Các quốc gia hạ nguồn cần giải tán MRC và giao trách nhiệm cho khối ASEAN chính thức yêu cầu TQ ngưng lại các kế họach xây cất hồ chứa và khai thác thủy điện Lan Thương, nghiên cứu tác động và độ an toàn của tất cả các đập đã xây và sắp xây, lập ra các biện pháp bảo vệ môi sinh, tài nguyên và sinh kế nhai dân cư lưu vực, thực sự hợp tác với hạ nguồn. Nhất là TQ không thể chỉ hứa hẹn mà cần chứng minh bằng một hiệp ước quốc tế, cam kết tuân thủ và bảo đảm các lợi ích tốt lành mà TQ đã hứa hẹn, bồi thường cho các nạn nhân hạn hán, lũ lụt và thiên tai khi xảy ra trong cả lưu vực cùng chung sống bên dòng nước thiêng liêng này.
Viễn Đông: Xin cám ơn kỹ sư Phạm Phan Long.
source
Vien Dong Daily