Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2010

Một nhánh sông Hoàng Hà của Trung Quốc lại bị ô nhiễm dầu


CHÂU Á- MÔI TRƯỜNG -
Bài đăng : Thứ bảy 03 Tháng Tư 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 03 Tháng Tư 2010

Ô nhiễm trên sông Hoàng Hà
Reuters / China Daily
Thanh Phương

Khoảng 1.000 tấn bùn dầu đã tràn vào đất canh tác và một phụ lưu của sông Hoàng Hà, đe doạ đến các nguồn nước sạch. Trung Quốc huy động hơn hai ngàn người để làm sạch môi trường.

Một nhánh sông Hoàng Hà của Trung Quốc lại bị ô nhiễm dầu, đe doạ đến các nguồn nước sạch.

Báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay (3/4) loan tin khoảng 1.000 tấn bùn dầu đã tràn vào đất canh tác và một phụ lưu của sông Hoàng Hà tại khu vực tỉnh Thiểm Tây. Theo nhật báo China Daily, nguyên nhân là do một bồn tái chế tại một trung tâm xử lý nước bị sập vào chủ nhật tuần tước. Tờ báo này trích lời một quan chức chính quyền địa phương cho biết họ đã ngăn chận được lớp bùn dầu trên sông và nay đang dọn sạch lớp dầu ô nhiễm đất canh tác. Hơn 2000 người được huy động cho việc này.

Vào tháng giêng vừa qua, hai nhánh sông Hoàng Hà đã từng bị ô nhiễm trầm trọng do một đường ống dẫn dầu bị vỡ, làm tràn 1500 ngàn lít dầu ra sông. Đây là ống dẫn dầu của Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc.

Sau hơn 30 năm tăng trưởng kinh tế vô chừng mực, hầu hết các sông hồ của Trung Quốc nay bị ô nhiễm nghiêm trọng. Còn các thành phố của nước này nay thuộc loại ô nhiễm không khí vào bậc nhất thế giới. Hơn 200 triệu người dân Trung Quốc hiện không có nước sạch để dùng.

source

RFI Vietnamese

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Trung Quốc lại chối bỏ trách nhiệm làm cho nước sông Mêkông cạn kiệt


Mêkông -
Bài đăng : Thứ năm 01 Tháng Tư 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 01 Tháng Tư 2010


Reuters
Đức Tâm

Một ngày trước cuộc Hội nghị Quốc Tế về sông Mêkông, được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan, đại diện của Trung Quốc hôm nay nhắc lại lập trường của Bắc Kinh, chối bỏ trách nhiệm làm cho mực nước sông Mêkông xuống thấp tới mức kỷ lục kể từ hai thập niên qua.

Hôm nay, tờ China Daily của Nhà nước Trung Quốc trích đăng phát biểu của ông Giả Kim Sinh, lãnh đạo Ủy ban Đập Lớn Thế Giới, đồng thời là quan chức Viện Nguồn Nước và Nghiên Cứu Thủy Điện Trung Quốc, nói rằng, các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn Mêkông không làm phân dòng chảy, đưa nước đi nơi khác.Trước đó, thứ trưởng Bộ Nguồn Nước Trung Quốc, ông Lưu Ninh và phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã có những tuyên bố tương tự.

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và các hiệp hội cộng đồng dân cư sống ven bờ sông Mêkông đã chỉ trích Trung Quốc xây đập thủy điện trên thượng nguồn, làm cạn kiệt nước sông, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và hoạt động sản xuất của khoảng 60 triệu dân cư ở hạ nguồn Mêkông.

Theo ông Giả Kim Sinh, Trung Quốc đã xây hoặc có kế hoạch xây dựng 8 đập thủy điện trên sông Mêkông và các con đập này có tác dụng điều hòa, xả nước trong mùa khô và lưu giữ nước, giảm bớt nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa.

Vừa qua, thứ trưởng bộ Nguồn Nước Trung Quốc Lưu Ninh bác bỏ những chỉ trích cho rằng Trung Quốc cướp đi nguồn nước trong khu vực. Ông cho rằng Trung Quốc hiện nay cần phải tiếp tục xây thêm các cơ sở hạ tầng về thủy lợi nhằm bảo đảm nguồn nước và phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Xin nhắc lại là từ ngày mồng 2 đến mồng 4 tháng tư, Thái Lan tổ chức Hội nghị quốc tế về sông Mêkông tại Hua Hin, với sự tham gia của các nước ở hạ nguồn là Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Trung Quốc, Miến Điện, đại diện một số định chế quốc tế và tổ chức bảo vệ môi trường.

Ngày mồng 5 tháng tư, cũng tại Hua Hin, sẽ diễn ra hội nghị cấp cao Ủy Hội Sông Mêkông.

Vẫn liên quan đến thủy điện, chính quyền Phnom Penh cho biết là lễ động thổ khởi công xây dựng đập thủy điện tại Stung Russey Chrum Krom, thuộc tỉnh Kok Kong, ở phía đông nam Cam Bốt đã được tổ chức.

Dự án này có công suất 338 megawatt, với khoản đầu tư gần 500 triệu đô la của một tập đoàn năng lượng Trung Quốc.

Đầu tuần, một dự án thủy điện khác, cũng tại tỉnh Kok Kong, đã được khỏi công. Tổng đầu tư là 540 triệu đô la và đối tác chính vẫn là Trung Quốc.

Cam Bốt rất thiếu hụt về năng lượng. Khoảng 20% các hộ dân cư có điện. Chính quyền Cam Bốt có kế hoạch xây thêm 10 đập thủy điện trong giai đoạn 2010 – 2019.

source

RFI Vietnamese