Hãi hùng đất lở
TT - Hàng loạt vết nứt toang hoác chạy dài hàng trăm mét, sâu không thấy đáy, giật sập con đường xuống hố sâu. Những ngôi nhà như có bàn tay khổng lồ nào đó bóp lại, nứt toác, vẹo vọ khiến chủ nhân phải bỏ của chạy lấy người. Đó là cảnh đang diễn ra ở xã miền núi An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
>> Phú Yên: đất nứt, đe dọa hàng chục nhà dân
Quốc lộ 1A bị sạt lở đoạn qua tỉnh Phú Yên - Ảnh: Duy Thanh |
Ba ngày qua, người dân xã miền núi An Lĩnh sống trong sợ hãi khi đất dưới chân bỗng dưng “cựa quậy” dữ dội. Đã có ba gia đình ở xóm Chợ, thôn Phong Thái, xã An Lĩnh từ sáng 9-11 phải ra khu nhà chợ gần đó sống tạm vì căn nhà của họ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Hàng chục ngôi nhà khác đang bị đất nứt uy hiếp, đe dọa.
Như động đất
Sáng 10-11, ông Phan Chí Linh với vẻ mặt còn chưa hết bàng hoàng, đưa chúng tôi vào căn nhà khá kiên cố xây từ năm 2003. Ông Linh kể: “Sáng 9-11, cả nhà đang ngồi ăn sáng bỗng nghe nhiều tiếng răng rắc. Vôi vữa rơi ngay trong mâm cơm. Đất dưới chân sụt xuống, vài chỗ khác thì gạch men trồi lên, nổ tanh tách. Hoảng hốt, cả nhà quăng đũa bỏ chạy ra sân. Xung quanh cũng có vài nhà chạy ra sân, ra đường.
Chốc lát, cả xóm xôn xao vì chuyện đất dưới nền nhà cựa mình. Mọi người tưởng có động đất”. Ngôi nhà ông Linh giờ đầy những vết nứt ngang dọc trên các bức tường. Nền nhà, bậc tam cấp lát gạch men nơi gồ lên, nơi lõm sâu xuống, bong tróc, biến dạng. Ở nhà dưới, một mảng tường lớn gần như không còn gắn kết vôi vữa vì vết nứt quá lớn, tưởng chỉ cần dùng tay đẩy nhẹ là có thể đổ sập xuống.
Nhà ông Thái Văn Trọng, 56 tuổi, ở gần đó cũng bị tình trạng tương tự. Ông Trọng kể: “Trưa 9-11, tôi đang nằm ở nhà trên thì nghe nhà dưới có nhiều tiếng răng rắc rất đáng sợ. Vội vàng chạy xuống, tôi hoảng hồn khi thấy bức vách nứt ra, hiên dưới xệ xuống, nền nhà búng lên. Cả ngày và đêm 9-11, nhà tôi bị vài lần như vậy. Chúng tôi phải dùng cây gỗ chống tạm cho nhà khỏi sập, nhưng giờ không dám ở nữa. Ở trong ngôi nhà này 25 năm, giờ chắc phải đi nơi khác ở thôi”.
Tại khu xóm Chợ ở thôn Phong Thái, ngoài nhà của ông Linh, ông Trọng còn có nhà bà Nguyễn Thị Ý, 51 tuổi, cũng bị đất chuyển làm nứt nẻ nhiều nơi, có thể đổ sập. Ông Trần Quốc Vương, cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi xã An Lĩnh, cho biết ngoài ba gia đình trên hiện chính quyền địa phương đang vận động năm gia đình khác ở xóm Chợ bị đất nứt uy hiếp trực tiếp di dời đến nhà bà con ở tạm.
Tường nhà ông Phan Chí Linh bị nứt, sắp đổ sập - Ảnh: Duy Thanh |
Nhà của ông Nguyễn Ngọc bị đất đá từ quốc lộ 1A xô đổ - Ảnh: D.T. |
Nguy cơ xóa sổ làng mạc
Ông Trần Văn Bửu, phó bí thư Đảng ủy xã An Lĩnh, cho biết trong các năm 1983, 2001, tại xã An Lĩnh cũng xuất hiện tình trạng đất nứt vào mùa mưa nhưng chưa bao giờ xảy ra nặng và trên diện rộng như vậy. “Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có 25 hộ ở ba thôn Phong Thái, Quang Thuận, Vĩnh Xuân bị đất nứt uy hiếp. Có nhà ở thôn Quang Thuận, vết nứt rộng và dài cắt ngang mặt nhà. Riêng khu xóm Chợ có 55 hộ đều nằm trong khu vực bị đất nứt đe dọa. Cả trụ sở xã An Lĩnh, điểm Trường THCS Nguyễn Hoa đều bị nứt nẻ, nguy cơ sập rất lớn” - ông Bửu nói.
Đất “cựa mình” còn làm hư hỏng nghiêm trọng con đường huyết mạch nối từ đầu thôn Phong Thái lên trung tâm xã An Lĩnh ở thôn Thái Long. Khoảng năm ngày qua, trên con đường đất cấp phối này xuất hiện hàng chục vết nứt dài trên một quãng hơn 100m, nơi rộng nhất của vết nứt khoảng 2,5m, sâu hun hút.
Có nơi nền đường sập hẳn, trôi tuột xuống vùng đất canh tác nông nghiệp của dân ở phía dưới. Đất nền đường rất xốp, đi bộ có thể bị lún chân xuống. Ông Trần Văn Bửu nói: “Con đường này giờ đây xe máy qua lại rất khó khăn, nguy hiểm, ban đêm không thể nào đi được vì có thể bị sụp xuống hố sâu”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, chủ tịch UBND xã An Lĩnh, cho biết: “Do An Lĩnh nằm trên vùng đồi, sườn dốc nên mỗi khi có mưa lớn kéo dài, đất nhão ra, gây trượt trên diện rộng”. Cũng theo ông Dũng, trong khoảng 10 năm nay xã đã đầu tư xây dựng khu tái định cư Giếng Dông rộng 12ha nằm cách trung tâm xã khoảng 2km để di dời khoảng 80 hộ dân trong khu vực bị đất nứt uy hiếp. Hiện nay khu này đã có khoảng 20 hộ chuyển đến xây dựng nhà ở.
DUY THANH
Quốc lộ 1A qua Phú Yên đổ sụp hơn 1/3 mặt đường * Núi Nhạn lại sạt lở Sáng 10-11, quốc lộ 1A tại km1294+820 thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên, nơi bị lún sụt ngày 9-11, đã đổ sụp hơn 1/3 mặt đường một đoạn dài gần 100m, đưa cả đất đá và mái taluy âm xuống sâu bên dưới khoảng 4m. Đất đá từ trên chỗ sạt lở này đã chảy xuống, tràn vào căn nhà kiên cố của ông Nguyễn Ngọc làm nứt gãy nhiều chỗ. Cả gia đình ông Ngọc phải sơ tán người và di dời toàn bộ đồ đạc sang nhà bà con vì ngôi nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào. Do tình trạng sụp đổ đường, quốc lộ 1A qua đoạn này chỉ lưu thông được một chiều. Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã tập trung nhiều xe chở đất đá đổ xuống nơi đổ sụp để chặn không cho nền đường sạt thêm. * Sáng 10-11, núi Nhạn (phường 1, TP Tuy Hòa, Phú Yên) lại sạt lở. Điểm sạt lở mới tại sườn phía đông nam, nằm cạnh đường Phan Đình Phùng và Bạch Đằng, cách di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia tháp Nhạn khoảng 50m. Tại điểm sạt lở, hàng chục mét khối đất đá, gốc rễ cây đổ xuống bên sườn núi, xổ thẳng xuống khu dân cư. Điểm sạt lở đang xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, nguy cơ tiếp tục sạt rơi nhiều tảng đất đá mới. D.THANH - T.TRỰC |
* Bình Định: thiệt hại hơn 513 tỉ đồng
Trong hai ngày 9 và 10-11, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giảm đáng kể nên mực nước lũ trên các sông đang rút. Tuy nhiên, do triều cường dâng cao nên nước lũ rút rất chậm. Hơn 4.000 hộ dân thuộc các vùng khu đông hai huyện Tuy Phước và Phù Cát bị cô lập hoàn toàn từ 7-10 ngày qua.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến chiều tối 10-11, trên địa bàn tỉnh đã có bảy người chết, một người mất tích, hai người bị thương. Mưa lũ làm sập hoàn toàn 46 ngôi nhà, 117 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng... Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 513 tỉ đồng.
X.NGUYÊN
Lũ bùn ở Cao Bằng: chặn suối, hút bùn
Ngày 10-11, đại diện UBND tỉnh Cao Bằng, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), Tổng công ty Khoáng sản VN (Vimico) đã triệu tập cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả trận lũ bùn tại Duyệt Trung (Cao Bằng).
Các bên đã thống nhất phương án đắp đất chặn hạ lưu suối Nà Chúa để ngăn không cho bùn thải tiếp tục chảy ra sông Bằng, đào hố gần khu vực hạ lưu suối, sau đó bơm nước từ thượng nguồn làm loãng bùn. Bùn loãng sẽ được bơm từ suối vào hố chứa, sau khi lắng lọc xong sẽ dùng máy xúc bùn đổ vào bể chứa bùn thải của mỏ.
Tổng giám đốc Vimico Đặng Thanh Hải cho biết đã chỉ đạo Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Cao Bằng huy động máy xúc, máy ủi, ống hút và hơn 400 công nhân đi dọc suối Nà Chúa dọn dẹp bùn thải. Hiện TKV và Vimico đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thúc đẩy tiến độ để tiến hành xây đập chứa số 5. Hiện tại đập số 4, nơi xảy ra sự cố, đang được ứng trực 24/24 giờ đề phòng sự cố tái diễn.
LÂM HOÀI
Kiểm tra lại quy trình xả lũ thủy điện Đa Nhim
Chiều 10-11, ông Nguyễn Trọng Oánh, giám đốc Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Đa Nhim, thuộc Tập đoàn Điện lực VN - EVN), cho hay đã nhận được văn bản của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị Nhà máy thủy điện Đa Nhim có trách nhiệm và hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do đợt xả lũ vừa qua.
Ông Oánh nói công ty đã làm báo cáo về yêu cầu của hội lên cấp trên, tức EVN. Công ty cũng đã liên lạc để có cuộc làm việc với hội, qua đó chứng minh cho tổ chức này thấy việc xả lũ vừa qua của Nhà máy thủy điện Đa Nhim là đúng quy trình kỹ thuật và pháp luật, mức xả nằm dưới mức cho phép. Ông Oánh nói công ty cũng muốn “chứng minh” tương tự trước Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lâm Đồng và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Trong khi đó, chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng Phùng Khắc Đồng cho hay UBND tỉnh đã nhận được văn bản nêu vụ xả lũ và kiến nghị từ Hội Nông dân tỉnh muốn chính quyền tỉnh tác động đến trách nhiệm của Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Theo ông Đồng, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các ngành hữu trách của tỉnh kiểm tra lại quy trình xả lũ của Nhà máy thủy điện Đa Nhim, cùng lúc đánh giá thiệt hại của nông dân. Sau đó mới có ý kiến chính thức đối với nhà máy, cũng như phúc đáp kiến nghị từ Hội nông dân.
Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi nói sẵn sàng cung cấp toàn bộ nhật trình xả lũ của các ngày mưa lũ vừa qua cho bất cứ cơ quan chức năng nào. Trong khi đó, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đơn Dương khẳng định trên 900ha rau, lúa bị thiệt hại trắng trải dài ở địa bàn sáu xã hạ lưu vừa qua hầu hết là đất có sổ đỏ, không phải đất xâm canh trái phép.
N.H.T.
source
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/410378/Hai-hung-dat-lo.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét