August 06, 2010
Dầu tràn BP biến mất trên mặt biển Vịnh Mễ Tây Cơ
HỒ QUỐC ĐĂNG - Việt Tribune
Diện tích vết dầu loang trên mặt biển tràn ra từ giếng dầu của công ty BP bị vỡ ở Vịnh Mexico vào thời điểm cao nhất, lớn khoảng diện tích tiểu bang Kansas, nhưng giờ đây gần như đã biến mất hẳn trước sự kinh ngạc của nhiều khoa học gia. Đây cũng là điều vui mừng cho chính phủ Obama, vốn đã bị nhiều chỉ trích từ công chúng trong việc điều hành cứu cấp tai họa tràn dầu ở vùng Vịnh.
Giàn khoan của BP Deepwater Horizon tại vịnh Mexico ngày 3 tháng 8, 2010. Chris Graythen/Getty Images
Chính phủ liên bang Hoa kỳ đầu tuần này đã cho biết là tổng cộng số dầu tràn ra từ giếng dầu Deepwater Hozizon kể từ ngày bị vỡ 20 tháng Tư, 2010 cho đến khi giếng dầu được bít lại để không còn bị tràn là 4.9 triệu thùng. Có nghĩa là giếng dầu bị vỡ của BP đã tống khoảng 200 triệu ga lông dầu (1 gallon bằng 3.78 lít) vào hệ sinh thái vùng Vịnh Mexico.
Công ty BP và chính phủ liên bang Hoa kỳ đã và đang huy động một số lượng thuyền bè lớn để vớt dầu tràn, nhưng vấn đề là gần đây số dầu tràn loang trên mặt biển vốn rất nhiều trước đây đã biến mất, không còn gì để vớt.
Giếng dầu Deepwater Horizon đã được bịt bằng nắp thành công, sau nhiều cố gắng tưởng chừng không bao giờ dứt, vào ngày 15 tháng 7. Thứ Ba tuần này, công ty BP đã bắt đầu bơm bùn nặng vào giếng dầu để vĩnh viễn khóa lại giếng dầu tai họa này. Các kỹ sư dầu khí của BP đã dùng phương pháp “static kill” bơm với vận tốc chậm bùn xi măng có tỉ trọng nặng khoảng 13.2 pounds một gallon vào giếng dầu. Vận tốc bùn được bơm vào giếng dầu bỡ rất chậm, một phút chỉ bơm xuống được 2 thùng bùn. Và cần 2,000 thùng bùn để lấp hẳn giếng dầu.
Các kỹ sư và khoa học gia của BP đã tụ tập ở trụ sở BP ở Houston, Texas vào sáng thứ Tư vừa qua để theo dõi cẩn thận chỉ số áp xuất từ lỗ dầu đang được lấp từ đáy đại dương Vịnh Mexico.
Bộ trưởng bộ năng lượng Hoa kỳ, ông Steven Chu cho biết là giếng dầu phải bị bịt kín, và chết hẳn, thật sự chết, và không muốn thấy bất cứ vật gì có thể thoát ra khỏi mã dầu đó. Cách nói của ông Steven Chu cho thấy giếng dầu bị vỡ không chỉ là tai họa cho cư dân và sinh thái vùng Vịnh Mễ tây cơ, mà còn là một tai họa cho chính phủ liên bang Obama, vốn đã gặp nhiều khó khăn vì kinh tế trì trệ của Hoa kỳ.
Như đã nói ở trên, mặc dù số dầu bị tràn ra rất là lớn, gây nhiều lo ngại cho cư dân, kinh tế và hệ sinh thái vùng vịnh Mexico, nhưng đến nay dường như đã biến mất hoàn toàn.
Câu hỏi được đặt ra là số dầu tai họa đó đã biến đi đâu?
Trước hết phải nhắc đến những nổ lực vớt dầu từ công ty BP với sự trợ giúp nhân lực từ chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Năm ngàn (5,000) chiếc thuyền lớn đã được huy động để vớt dầu.
Bản tường trình về vụ giếng dầu bể của BP từ Cơ Quan Quản lý Hải Dương và Khí Quyển Quốc Gia của chính phủ Hoa kỳ cho thấy công ty BP đã vớt lại được khoảng 3 phần trăm tổng số dầu đã thoát ra từ giếng dầu bị vỡ. Bản tường trình cũng xác định khoảng 25 phần trăm tổng số dầu đã bốc hơi hay bị phân hủy và tan vào đại dương tương tự như cách đường được hòa tan vào tách trà. Khoảng 5 phần trăm lượng dầu đã bị đốt ngay trên mặt biển.
Khi lượng dầu bị phun ra từ miệng dầu vỡ dưới áp xuất cực lớn, 16% đã bị phân tán nhỏ và biến mất vào biển; khoảng 8 phần trăm lượng dầu loang bị phân hóa cực nhỏ bởi chất hóa học gọi là dispersant. Riêng với số lượng dầu thoát lên mặt biển được thì bị phân hủy bởi nhiệt độ nóng 88 độ F của nước biển và sức nóng 100 độ F từ ánh nắng mặt trời ở vùng Vịnh Mexico. Sau đó sức gió và sóng biển cũng làm tan đi lượng dầu. Có nghĩa là thiên nhiên đã hấp thụ lại phân lượng lớn dầu tràn tai hại đó mà không để lại vết tích dầu loang nào trên mặt biển vào thời điểm này.
Phần dầu còn sót lại trong hệ sinh thái được ước tính là khoảng 26%. Có thể là vẫn còn một lượng nhỏ trôi nổi đâu đó trên hay dưới mặt biển, hoặc đã trôi lên bải biển và thấm xuống cát và lòng đất.
Nhiều ngư phủ ở bang Louisiana lo ngại là lượng dầu bị thấm xuống đất sẽ có lúc nào đó sẽ bị bão gió quật lên, hoặc nhiểm vào tôm cá hay những con hàu (oyster).
Hiện tại, những cuộc xét nghiệm tôm cá bắt được ở vùng Vịnh Mễ Tây Cơ không thấy có dấu hiệu bị nhiễm chất dầu loang. Kỹ nghệ đánh bắt tôm cá, hải sản đã được bắt đầu trở lại với nhịp độ cao. Vào thời điểm cao nhất, chính phủ Hoa kỳ đã cấm đánh bắt hải sản khoảng 36 phần trăm diện tích biển vùng vịnh thuộc quyền liên bang, nay chỉ còn 24 phần trăm, và tiếp tục được cho phép đánh bắt trở lại nhiều hơn trong những tuần tới.
Chính phủ cấp tiểu bang quanh vùng vịnh Mễ Tây Cơ cũng bắt đầu mở cửa cho phép đánh cá tại những vùng duyên hải gần bờ.
Tuy nhiên vấn đề kinh tế của những vùng duyên hải vịnh Mễ Tây Cơ là liệu công chúng Hoa kỳ có dám ăn và mua những sản phẩm tôm, cá, hào, hải sản đánh bắt được từ vụng Vịnh Mễ Tây Cơ bị dầu loang hay không?
Bà Jane Lubchenco, người đứng đầu Cơ Quan Quản lý Hải dương và Khí quyển nhấn mạnh là tuy có nhiều dấu hiệu cho thấy dầu tràn trước mắt không còn là mối nguy hiểm môi trường, nhưng chính phủ Hoa kỳ vẫn lo ngại về sự hủy hoại môi trường của dầu tràn trong tương lai lâu dài và sẽ tiếp tục theo dõi sự phục hồi của vùng Vịnh Mễ Tây Cơ.
[HQĐ]
source
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét