Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Phóng thành công tàu con thoi Discovery


Phóng thành công tàu con thoi Discovery
Ngày 24/2, Cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ (NASA) đã cho phóng thành công tàu con thoi Discovery để lắp ghép vào Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Đây là sứ mệnh cuối cùng của tàu Discovery trước khi chính thức "nghỉ hưu”.

Tờ Daily Mail đưa tin, tàu con thoi Discovery rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ) vào lúc 16 giờ 50 phút ngày 24/2 (theo giờ địa phương). Đây là sứ mệnh bay vào không gian thứ 39 từ năm 1984 của tàu Discovery.

Trước đó, kế hoạch phóng tàu Discovery đã phải hoãn lại nhiều lần do những trục trặc về kỹ thuật. Theo dự kiến ban đầu, tàu con thoi Discovery đáng lễ được phóng vào ngày 1/11/2010. Nhưng NASA đã quyết định hoãn lại một ngày do một lỗ thủng trong hệ thống điều áp. Sau đó, NASA tiếp tục trì hoãn kế hoạch phóng tàu Discovery sau khi phát hiện thêm những vết nứt ở khoang nhiên liệu

Sứ mệnh dự kiến kéo dài trong khoảng 11 ngày của tàu Discovery là đưa 6 phi hành gia và người máy Robonaut 2 cùng hàng hóa và thiết bị lên trạm ISS. Sau khi hoàn thành sứ mệnh này, Discovery sẽ chính thức được cho nghỉ hưu. Hai tàu con thoi khác của NASA cũng sẽ thực hiện sứ mệnh cuối cùng trong năm nay là Endeavour và Atlantis.

Discovery là tàu vũ trụ được NASA sử dụng nhiều nhất cho các sứ mệnh bay vào không gian nhằm đưa người và thiết bị lên trạm ISS. Tàu con thoi này đã thực hiện 38 sứ mệnh từ năm 1984 với 5.628 vòng quanh Trái đất, tương đương quãng đường bay khoảng 228 triệu km, trong hơn 351 ngày.

Sau khi NASA kết thúc chương trình tàu con thoi theo kế hoạch vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Mỹ sẽ phải thuê tàu vũ trụ của Nga và các nước khác trong việc đưa các phi hành gia lên trạm ISS trước khi quốc gia này hoàn thành những thế hệ tàu vũ trụ mới.

Dưới đây là những hình ảnh về Discovery rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ) ngày 24/2:

Tàu con thoi Discovery bắt đầu rời khỏi bệ phóng … Ảnh: AP.

... tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida. Ảnh: Reuters.

Sự kiện phóng tàu con Discovery được nhiều hãng tin quốc tế đưa tin. Ảnh: Reuters.

Tàu Discovery được phóng vào không gian mang theo niềm tự hào của nước Mỹ. Ảnh: Daily Mail.

6 phi hành gia bao gồm: chỉ huy trưởng Steve Lindsey, phi công Eric Boe, Alvin Drew, Nicole Stott, Steve Bowen và Mike Barratt. Ảnh: MCT.

Lần đầu tiên người máy Robonaut 2 được đưa lên trạm ISS. Ảnh: EPA.
  • Hà Hương
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/10399/phong-thanh-cong-tau-con-thoi-discovery.html

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Điện thoại nhà đến hồi suy thoái


Điện thoại nhà đến hồi suy thoái
Cập nhật lúc 6:45:09 PM - 07/02/2011
Hòa Giang/Viễn Đông

LOS ANGELES - Trong số ra ngày 13-8-2009, báo The Economist tiên đoán, điện thoại nhà sắp hết thời. Càng ngày càng có nhiều người Mỹ chấm dứt việc sử dụng điện thoại nhà, một dụng cụ liên lạc chính yếu trong sinh hoạt lâu nay ở Hoa Kỳ.

The Economist trích dẫn lại con số thống kê của những nhà điều hành viễn thông cho biết, cứ mỗi tháng số khách hàng chấm dứt sử dụng điện thoại hữu tuyến lên tới 700.000 người. Một số nhà phân tích ước tính rằng, hiện nay có khoảng 25 phần trăm trong tổng số các gia đình ở Mỹ cậy dựa hoàn toàn vào điện thoại di động. Tỉ lệ này vẫn tăng lên với một tốc độ mà theo dự đoán thì đường dây điện thoại bàn cuối cùng sẽ bị cắt đứt vào năm 2025.

* Ngày tàn của điện thoại bàn

Xu hướng này có thể gây tác động lớn hơn so với người ta tưởng. Nó sẽ gây khó khăn càng ngày càng nhiều cho các công ty viễn thông. Không những vậy, nó còn gây thiệt hại cho tất cả những ngành kinh doanh nào đòi phải sử dụng điện thoại dây, vì các hóa đơn sẽ tăng tiền cao hơn, và các mô thức kinh doanh sẽ bị gián đoạn. Có một điều không kém phần nghiêm trọng, đó là xu hướng bỏ mạng lưới điện thoại cố định, sẽ đe dọa đến hoạt động của những dịch vụ khẩn cấp, như cảnh sát và cứu hỏa.
Bắt đầu xảy ra từ mấy năm nay, tình trạng sút giảm số người sử dụng điện thoại cố định đã gia tăng tốc độ trong những tháng gần đây. Trong nửa năm đầu của năm 2005, chỉ có 7,3 phần trăm trong tổng số các gia đình ở Mỹ chỉ dùng điện thoại di động mà thôi, theo Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, CDC thu thập được những dữ liệu này, vì họ sử dụng điện thoại có dây để thực hiện những cuộc điều tra thăm dò về y tế. Đến cuối năm ngoái, tỉ lệ nói trên đã tăng lên tới mức 20,2 phần trăm, cao hơn 2,7 phần trăm trong đệ nhị lục cá nguyệt năm ngoái: đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Stéphane Téral, một phân tích gia của viện nghiên cứu Infonetics cho biết, cuộc suy thoái đã đẩy nhanh tốc độ hiện tượng chấm dứt sử dụng điện thoại nhà. Lý do là vì người ta muốn tiết kiệm tiền bạc, và thà hi sinh điện thoại cố định hơn là ngưng dùng điện thoại di động. Nhưng vấn đề trở nên đặc biệt trầm trọng tại Hoa Kỳ, vì diện tích nước này quá rộng, khiến cho việc điều hành hoặc cải tiến các mạng lưới điện thoại có dây trở nên tốn kém. Cùng với sự biến động trong ngành kỹ nghệ viễn thông, tình trạng cắt đứt đường dây điện thoại, làm chậm lại việc dùng các mạng lưới hữu tuyến để truy cập vào mạng Internet tại Mỹ, ngay cả trong các thành phố. Sự chậm chạp gây phiền toái này làm cho điện thoại cố định dễ bị bỏ đi hơn nhiều ở Hoa Kỳ, so với các nước Âu Châu.

* Cháy thành vạ lây vì điện thoại
Lẽ ra tất cả những điều này sẽ không thành vấn đề, nếu không có chuyện là nhiều ngành kinh doanh cậy dựa vào mạng lưới điện thoại nhà. Những cơ sở bị thiệt hại đầu tiên là những nhà quảng cáo viễn thông. Họ khó mà nắm được những số điện thoại di động, vì nếu họ gọi tới những máy điện thoại di động, thì đó là hành động vi phạm pháp luật, mặc dù cho đến nay, một số nhà quảng cáo viễn thông vẫn cứ làm như vậy. Lý do là vì những người sử dụng điện thoại di dộng vẫn bị tính tiền (bằng số phút) nếu nhận được những cú gọi vào, cũng như khi gọi đi. Số lượng đang gia tăng của những người chỉ sử dụng điện thoại di động, đang gây ra khó khăn rắc rối cho các hãng thăm dò công luận. Đa số các hãng hàng đều không chú ý tới những người chỉ dùng điện thoại di động (cellphone-onlys – CPOs).
Kế đó là chính những nhà điều hành viễn thông. Một điều đáng ngạc nhiên là những hãng lớn trong ngành viễn thông dường như không lo lắng quá về chuyện mất số lượng khách hành sử dụng điện thoại nhà, mất khách về tay những hãng điều hành điện thoại di động, hoặc về tay các công ty điện thoại cáp (cable); những hãng này hiện đang nắm được 20 phần trăm trong thị trường điện thoại cố định. Các công ty viễn thông lập luận rằng, họ đã nhìn thấy sự xuất hiện của xu hướng bỏ điện thoại nhà để chuyển qua dùng điện thoại di động, vào đã đầu tư vào những cơ sở kinh doanh khác. Chẳng hạn như công ty Verizon cung cấp dịch vụ cho gần 20 triệu khách hàng sử dụng điện thoại nhà, ở miền đông bắc Hoa Kỳ; nhưng công ty này đồng thời cũng là hãng điều hành điện thoại di động lớn nhất ở Mỹ, với 87,7 triệu khách hàng ghi danh mua dịch vụ. Verizon cũng đầu tư hàng tỉ Mỹ kim vào hệ thống cáp quang, cung cấp dịch vụ cho 1,5 triệu nhà. Hãng đã bán một số chi nhánh kinh doanh điện thoại cố định của mình, tại ba tiểu bang Hoa Kỳ, và đang thương lượng để bán bớt một số chi nhánh ở những nơi khác.

* Đứt dây làm mất việc
Mặc dù như vậy, cả Verizon lẫn đối thủ cạnh tranh chính là AT&T đều vẫn phần lớn điều hành “điện thoại bàn” (wireline). Theo tính toán của Craig Moffett, phân tích gia của Bernstein Research, các cơ sở kinh doanh điện thoại nhà của cả hai công ty ấy đều thu về hơn 50 phần trăm lợi nhuận, và bỏ ra một tỉ lệ cao hơn để chi phí cho việc kinh doanh. Hai hãng này, cùng với Qwest – công ty điều hành điện thoại cố định lớn hàng thứ ba ở Hoa Kỳ – đã cắt giảm hàng ngàn việc làm, và đều loan báo cho nghỉ việc thêm nhiều nhân viên khác nữa, nhằm mục đích hạ bớt mức chi tiêu. Thế nhưng tình trạng mất khách điện thoại nhà càng ngày càng gia tăng, sẽ gây thêm áp lực lên những mức lợi nhuận của cả ba hãng. Lý do là vì chi phí cao dành cho việc điều hành mạng lưới dịch vụ của họ trải rộng ra trên một số lượng khách hàng càng ngày càng ít lại. Tình trạng này có lẽ cũng sẽ dẫn tới việc tính tiền hóa đơn cao hơn, đối với những khách hàng vẫn nhờ đến điện thoại bàn, chẳng hạn như những cơ sở kinh doanh nào còn sử dụng switchboards và không thể nào loại bỏ những máy điện thoại bàn của họ một cách dễ dàng.

* Tiến hóa của điện thoại
Sự tiến hóa của điện thoại đã đạt được những bước đi rất dài. Dù có nhiều thay đổi qua thời gian, điện thoại vẫn trung thành với mục đích nguyên thủy là cung cấp liên lạc truyền thông giữa những người bị chia tách bởi đất liền, biển cả và đến cả thượng tầng không gian. Hệ thống kỹ thuật nằm đằng sau điện thoại tiến triển nhanh hơn, so với sự tiến hóa của mục đích và việc sử dụng máy điện thoại. Nhờ sự xuất hiện của những loại điện thoại tối tân, như điện thoại di động, điện thoại vệ tinh, điện thoại xe hơi, VoIP và smartphone, điện thoại internet, phương pháp truyền thông liên lạc nguyên thủy của máy điện thoại đã được mở ra thêm rất rộng.
Trước đó khi chuyện gọi điện thoại đường xa còn là một khái niệm mới mẻ, với giá cả dịch vụ rất cao, những công ty viễn thông như AT&T, Verizon và một số hãng khác đều thủ được một góc béo bở trên thị trường và tha hồ hốt bạc. Nhưng khi thị trường điện thoại đường xa xuống dốc, thì các công ty ấy bắt đầu tìm kiếm những phương thức khác để kiếm tiền, bù lại tình trạng mất mát lợi nhuận của họ. Thế là thị trường điện thoại di động bắt đầu mở cửa. Nhờ những mức giá đắt đỏ cho việc sử dụng thêm những phút gọi đi dộng, thêm dữ liệu hoặc những tin nhắn bằng bản văn, những hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động có thể thu về hàng khối tiền khổng lồ, mà trước đây chưa bao giờ thu được nhiều như thế. Nhưng rồi Google xuất hiện, với hệ thống điều hành Android, loại điện thoại thông minh smartphone OS hứa hẹn giúp người sử dụng kiểm soát được nhiều hơn việc gọi và nhận điện đàm, khác với trước đây khi các hãng nắm hoàn toàn quyền kiểm soát.

* Google Voice khai tử điện thoại bàn?

Trang mạng choiceopinion.com, được truy cập hôm 6-2-2011, cho biết rằng vào hôm 3-2-2011, công ty Google loan báo đã đạt được một bước tiến triển mới của điện thoại. Đó là Google Voice – một dịch vụ của Google cung cấp miễn phí tiếng nói từ máy điện toán này sang máy điện toán khác – vừa mới có thêm một nét mới: khả năng nối số điện thoại hiện hữu vào cổng Google Voice, với một giá thấp là 20 Mỹ kim, cho những cú gọi quốc tế. Trong thời gian đầu, dịch vụ này sẽ được cung cấp miễn phí, ít nhất cho đến cuối năm 2011. Như vậy khách hàng có thể làm những cú gọi từ máy điện toán tới máy điện thoại, và công ty Google đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu truyền thông liên lạc của khách hàng.
Như đã nói ở trên, số người sử dụng điện thoại nhà càng ngày càng sút giảm nhanh chóng. Trong nhiều gia đình, mỗi người trong nhà đều có máy điện thoại di động riêng, vì thế loại điện thoại bàn bắt đầu trở nên lỗi thời. Đó là chưa nói đến chuyện cần phải có người nào đó ở nhà để bắt máy gọi hoặc nhận những cú điện thoại bàn. Hiện nay với khả năng nối cổng của Google Voice, người ta có thể hủy bỏ một hóa đơn hàng tháng tính tiền điện thoại nhà, trong lúc đó họ vẫn duy trì được khả năng nhận những cú gọi qua số máy điện thoại của mình. Đó là chưa nhắc đến những nét mới khác của Google Voice, chẳng hạn như tiếp tục chuyển những cú gọi, và ấn định được giờ giấc cụ thể khi mà những cú gọi có thể nhận được. Việc xuất hiện những tính năng mới mẻ nhất của Google Voice đã mở ra một chương mới, trong việc công ty Google ngự trị trên những phương tiện truyền thông. Phải chăng Google Voice trở thành sát thủ, giết chết Skype – dịch vụ điện thoại internet gần đây phát triển rất nhanh – đồng thời cũng nổ một phát súng kết liễu luôn loại máy điện thoại nhà, trước đó đã thoi hóp những hơi tàn sau một thời vang bóng? – (HG)
source
Viễn Đông Daily