Thứ Năm, 30/07/2009, 07:59 (GMT+7)
Bể bờ bao công ty San Miguel Pure Foods VN: Nước thải uy hiếp nước máy
* Chất lượng nước máy vẫn đảm bảo, nhưng xử lý rất tốn kém
TT - Sự cố bể bờ bao của Công ty San Miguel Pure Foods VN khiến 233.000m3 nước thải đã đổ ra sông Sài Gòn, “tấn công” các điểm lấy nước phục vụ cấp nước cho hàng triệu người dân TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
|
Nước thải từ hồ chứa của Công ty San Miguel Pure Foods VN chảy theo suối Bến Ván ra sông Thị Tính, rồi đổ vào sông Sài Gòn ngay khu vực Nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Dầu Một - Đồ họa: Như Khanh |
|
Công nhân trạm bơm Hòa Phú, Củ Chi (TP.HCM) đang theo dõi nước lấy từ sông Sài Gòn vào chiều 29-7. Từ đây, nước được xử lý giai đoạn 1, sau đó bơm về Nhà máy nước Tân Hiệp - Ảnh: T.T.D. |
Đến chiều 29-7, nhiều đoạn sông Thị Tính vẫn đậm màu đen đặc và bốc mùi hôi thối. Sự cố bể bờ bao ngày 25-7 khiến hơn 233.000m3 nước thải đổ ập vào nhà dân, vào vườn cao su và khiến nhiều hecta hoa màu, lúa, măng tre ngập chìm trong nước thải. Con sông dài hàng chục kilômet từ xã An Điền đến xã Lai Hưng oằn mình chịu ô nhiễm.
Trạm bơm Hòa Phú “báo động đỏ”
Ô nhiễm rất cao Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Dương vừa báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bình Dương, Tổng cục Môi trường về việc hơn 233.000m3 nước thải của Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN đổ ra nhà dân và sông Thị Tính. Kết quả phân tích mẫu nước thải từ hồ chứa (lấy ngày 25-7) cho thấy nồng độ ô nhiễm rất cao. Cụ thể: nồng độ COD: 13.190mg/lít vượt tiêu chuẩn 263,8 lần, nồng độ SS: 8.280 mg/lít vượt tiêu chuẩn 165,6 lần, tổng nitơ: 670mg/lít vượt 44,6 lần, tổng photpho: 990mg/lít vượt tiêu chuẩn 237,5 lần, sunfua: 0,47mg/lít vượt tiêu chuẩn 2,35 lần. Với nồng độ ô nhiễm cao và lưu lượng lớn từ hồ là nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước, gây chết cá tại suối Bến Ván và sông Thị Tính. Về mức độ ô nhiễm nguồn nước suối Bến Ván và sông Thị Tính, hiện Sở Tài nguyên - môi trường đang lấy mẫu phân tích để đánh giá cụ thể. |
Liên tục mấy ngày qua, trạm bơm Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) phải tăng cường nhân viên, túc trực 24/24 giờ để theo dõi và điều chỉnh hệ thống xử lý nước theo diễn biến ô nhiễm trên sông Sài Gòn. Nguồn nước này được dẫn về Nhà máy nước Tân Hiệp xử lý trước khi cung cấp cho hàng triệu người dân tại TP.HCM. Theo ông Bùi Thanh Giang - giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp, sau khi hồ chứa nước thải của Công ty San Miguel Pure Foods VN bị vỡ thì hôm sau (26-7), một số chỉ tiêu ô nhiễm từ sông Sài Gòn đo tại trạm bơm Hòa Phú bắt đầu có chiều hướng tăng. Trong các chất ô nhiễm, đáng lo ngại nhất là nồng độ amoni được thiết bị đo online “báo động” vượt 0,5mg/lít (trước đó, nồng độ amoni chỉ ở mức 0,1-0,2mg/lít).
“Nồng độ amoni ở mức 0,5 chưa phải là hiếm xuất hiện. Tuy nhiên, chúng tôi theo dõi cập nhật liên tục 10 phút/lần thì thấy hàm lượng này tiếp tục tăng. Đỉnh điểm là lúc 2g sáng 29-7, nồng độ amoni tăng đến 3mg/lít, đây là nồng độ cao nhất đo được trên sông Sài Gòn từ khi Nhà máy Tân Hiệp hoạt động cho đến nay” - ông Giang nói.
Trong khi theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt thì hàm lượng amoni trong nước mặt 1-2mg/lít. Trước tình hình ô nhiễm “tấn công” trạm bơm Hòa Phú, Nhà máy nước Tân Hiệp tiếp tục tăng cường giám sát bằng đường thủy và đường bộ, đồng thời tiến hành lấy thêm nhiều mẫu nước mặt tại các vị trí thượng và hạ lưu, phát hiện thêm các chất hữu cơ khác như COD, nitrit, nitrat cũng đã tăng gấp đôi. Cụ thể, hàm lượng COD tăng lên 25,9mg/lít (tiêu chuẩn cho phép 10mg/lít).
“Tôi đã đề nghị Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng 70m3/giây (tương đương 6 triệu m3/ngày) thì tình hình mới được cải thiện. Dù các chất ô nhiễm có tăng nhưng nước được xử lý triệt để và đảm bảo chất lượng theo đúng quy định” - ông Giang cho biết. Để xử lý nước đạt tiêu chuẩn trước khi đến người dân, Nhà máy nước Tân Hiệp phải tăng gấp đôi lượng hóa chất xử lý ô nhiễm.
Theo một cán bộ kỹ thuật của nhà máy, hóa chất được tăng cường có thời điểm lên 175-180kg/giờ trong khi bình thường chỉ ở mức 65-80kg/giờ. Việc châm hóa chất được thực hiện ở ba địa điểm là trạm bơm Hòa Phú, tại vị trí đường ống dẫn trước khi vào Nhà máy Tân Hiệp và tại các bể chứa bên trong nhà máy.
|
Vườn măng tre của ông Nguyễn Bình Trọng bao phủ một lớp bùn chất thải hôi thối dày hơn 10cm. Một số cây tre trồng lấy măng bị héo lá do lượng chất thải tràn qua trước khi vỡ bờ bao - Ảnh: T.T.D. |
Pha loãng và đẩy nước ô nhiễm ra cửa sông
Chiều 29-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Trọng Thanh - giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - cho hay: “Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ Nhà máy nước Tân Hiệp để xả nước hồ, bổ sung nước cho nguồn sông Sài Gòn để pha loãng và đẩy nguồn ô nhiễm ra vùng cửa sông. Theo đó, ngay trong tối 28-7, chúng tôi đã nhanh chóng xả với lưu lượng 70m3/giây. Do không bị cản bởi lực nước triều cường nên đến 8g sáng 29-7, nguồn nước xả đã đến khu vực Nhà máy Tân Hiệp. Song, theo tôi, để nguồn xả có tác dụng tốt hơn thì cần khoảng 30 giờ kể từ khi xả nguồn”.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thiền, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước - môi trường Bình Dương, cho biết: “Hiện nguồn nước tại Nhà máy nước Thủ Dầu Một lấy nước từ sông Sài Gòn đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng. Mặc dù vẫn nằm trong khả năng xử lý của công nghệ nhưng sẽ rất tốn kém vì phải sử dụng nhiều hóa chất. Trong trường hợp nước quá ô nhiễm, không sử dụng được, chúng tôi sẽ tạm đóng cửa Nhà máy nước Thủ Dầu Một, đồng thời mở van cung cấp nước từ Nhà máy nước Dĩ An và Nhà máy Khu liên hợp để lấy nước từ sông Đồng Nai”.
Ông Phan Trọng Thanh còn nói: “Từ sông Thị Tính đến Nhà máy nước Tân Hiệp dài khoảng 30km và cách Nhà máy nước Thủ Dầu Một khoảng 20km. Nếu cần chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét nâng mức xả nguồn lên đến hàng trăm mét khối/giây. Song đây cũng chỉ là giải pháp mang tính đối phó, điều quan trọng vẫn là giữ cho dòng sông đừng ô nhiễm, còn ô nhiễm rồi thì khó khắc phục lắm”.
“Tối hậu thư” 19-8
Ông Nguyễn Bình Trọng (ấp 2, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, Bình Dương) bức xúc: “Tre chết, lúa chết, cá chết, dân chỉ biết kêu cứu. Đâu phải một vài ngày nay, thực trạng ô nhiễm đã khoảng 20 năm nay, từ khi vùng đất này còn của Công ty TNHH Nông Lâm Đài Loan và chưa chuyển nhượng cho Công ty San Miguel Pure Foods VN. Sau chuyển nhượng, tình trạng ô nhiễm mùi hôi, nước thải vẫn tiếp tục hành dân. Khổ lắm!”. Nhiều hộ dân còn than phiền: “Công ty quá chậm trong việc khắc phục và thờ ơ trước nỗi khổ của dân”.
Điều đáng nói là khi đoàn liên ngành tỉnh Bình Dương đến kiểm tra ngày 27-7 thì phát hiện hệ thống xử lý nước thải của Công ty San Miguel Pure Foods VN đã hư hỏng, không hoạt động. Do đó, một phần nước thải từ bể tách phân của công ty chảy thẳng theo cống ra suối Bến Ván và hoành hành sông Thị Tính. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã yêu cầu công ty phải kiên cố hóa bờ hồ tại vị trí bị vỡ, gia cố toàn bộ bờ hồ sinh học, đồng thời báo cáo kế hoạch cải tạo hệ thống xử lý nước thải cho Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Dương chậm nhất vào ngày 3-8. Ông Nick G. Saplagio, giám đốc kinh doanh của công ty này, đã lên tiếng hứa: sẽ sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm và phối hợp cùng chính quyền đề tiến hành đền bù thiệt hại cho người dân.
UBND tỉnh Bình Dương đã ra “tối hậu thư” đến ngày 19-8 công ty phải hoàn thành xong việc cải tạo hệ thống xử lý nước thải.
Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Dương cho hay sau khi có kết quả phân tích nước thải, chất lượng nước mặt và thống kê mức độ thiệt hại từ sự cố trên sẽ xem xét xử lý theo hướng: xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi không thực hiện đúng nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, hành vi vi phạm các quy định về xả nước thải và hành vi gây ô nhiễm môi trường nước; buộc công ty phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với lượng nước thải đã xả ra từ hồ chứa; buộc công ty phải bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân đã bị thiệt hại từ sự cố do công ty gây ra.
* Nhà máy nước Tân Hiệp (H.Hóc Môn, TP.HCM) có công suất 300.000m3/ngày, cung cấp cho hàng triệu người dân tại các quận: 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân… Nguồn nước của nhà máy được lấy từ sông Sài Gòn tại trạm bơm Hòa Phú thuộc xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM qua hệ thống ống dẫn phi 2.000 đưa về nhà máy xử lý trước khi cung cấp cho người dân. * Nhà máy nước Thủ Dầu Một (Bình Dương) nằm đối diện Nhà máy nước Tân Hiệp, có công suất 21.000m3/ngày đêm. Lượng nước ở đây lấy từ sông Sài Gòn, chủ yếu phục vụ người dân khu vực thị xã Thủ Dầu Một. Bên cạnh đó Nhà máy nước Dĩ An và Nhà máy Khu liên hợp có công suất 80.000m3/ngày đêm, lấy nước từ sông Đồng Nai. |
ANH THOA - QUANG KHẢI
-----------------------------------------------------------------------
SOURCE
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=329129&ChannelID=3